Bình Thuận mở rộng thị trường thanh long

Bình Thuận mở rộng thị trường thanh long

(ĐCSVN) - Được mệnh danh là “Xứ sở của Thanh Long”, Bình Thuận đang phát triển, quảng bá hình ảnh quả thanh long rộng rãi, mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới không phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc thời gian tới.


 Bình Thuận - xứ sở của trái thanh long. (Ảnh: vaas.vn)

Với diện tích trồng khoảng 33.000 ha (trong đó hơn 20.000 ha thanh long được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP), sản lượng gần 700.000 tấn/năm, Bình Thuận được mệnh danh là “Xứ sở của Thanh Long”.

Do thanh long là nông sản tiêu biểu, nên Bình Thuận có thời gian dài tích cực xúc tiến thương mại mở rộng thị trường thanh long trong nước và ngoài nước, chú ý một số thị trường khó tính; hỗ trợ nghiên cứu, tiếp cận thị trường cho các sản phẩm chế biến, như thanh long sấy khô, thanh long sấy dẻo, nước ép thanh long, rượu thanh long… 

Tại Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia 2024 do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương chủ trì, Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) tổ chức tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Asia World-Expo ở Hong Kong (Trung Quốc) mới đây, ông Huỳnh Cảnh – Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận cho biết: Với thanh long Bình Thuận, hiện nay thị trường ngày càng chuyển hướng, từ phần lớn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (80%), nay đang dần chuyển hướng sang Ấn Độ, Thái Lan, Hong Kong, đặc biệt là thị trường khó tính như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Mỹ... Theo hướng phát triển, quảng bá hình ảnh thanh long rộng rãi, thị trường thanh long sẽ có lợi thế mở rộng thị trường và không phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc thời gian tới.


 Ông Huỳnh Cảnh – Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận tại Triển lãm Asia World-Expo.
(Ảnh: Báo Bình Thuận)

Năm 2021, sau vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đây là chỉ dẫn địa lý thứ hai của Việt Nam chính thức được bảo hộ tại Nhật Bản. Cho đến nay, Hình ảnh và nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT" đã đăng ký và được 13 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ, như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Singapore và Thái Lan.

Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính (châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand,…).

Tháng 3/2023, trái thanh long Bình Thuận đã được xác lập kỷ lục châu Á (theo Tiêu chí kỷ lục châu Á về ẩm thực và đặc sản).

Cùng với đó, các mô hình trang trại thanh long công nghệ cao, khép kín, với công nghệ tưới tiết kiệm, điều khiển điện tử từ xa đã xuất hiện tại Bình Thuận, một số hợp tác xã thanh long cũng hình thành, tạo ra chuỗi liên kết trong sản xuất.../.