Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp dệt may tiếp cận thị trường châu Âu

Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp dệt may tiếp cận thị trường châu Âu

Để tiếp cận và mở rộng thị trường châu Âu, các doanh nghiệp dệt may cần chủ động nguồn hàng, tận dụng tối đa các ưu đãi của EVFTA để tham gia chuỗi cung ứng.
 
Để giúp doanh nghiệp dệt may hiểu hơn về thị trường châu Âu và các nội dung cần chuẩn bị khi tham gia xuất khẩu hàng hóa vào thị trường tiềm năng này, Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam (IDCS) vừa phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo trực tuyến “Thị trường châu Âu và những vấn đề khi tham gia cung ứng sản phẩm dệt may sang thị trường châu Âu”.
 
Đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Tiền giang và hơn 30 doanh nghiệp với hơn 100 đại biểu tham gia hội thảo

Nội dung chính của hội thảo nhằm triển khai Chương trình “Tổ chức đoàn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia Triển lãm và xúc tiến phát triển thị trường tại Đức”. Đây cũng là một trong các nội dung ưu tiên của chương trình phát triển công nghiệp mà Bộ Công Thương đang triển khai trên toàn quốc năm 2022.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và EU, tạo động lực thúc đẩy gia tăng thương mại song phương. Hoạt động xuất nhập khẩu đang trên đà phát triển và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Đây sẽ là cơ hội lớn cho nhiều ngành hàng xuất khẩu, trong đó có ngành dệt may của Việt Nam.

Ông Hoàng Bá Sơn - Giám đốc Trung tâm IDCS - cho biết: Hội thảo nhằm định hướng, giúp doanh nghiệp ngành dệt may hiểu hơn về thị trường Châu Âu và các nội dung cần chuẩn bị khi tham gia xuất khẩu hàng hóa vào thị trường tiềm năng này tận dụng tối đa các ưu đãi của Hiệp định EVFTA đã ký kết.

 Để tiếp cận và mở rộng thị trường châu Âu, các doanh nghiệp dệt may cần chủ động nguồn hàng, tận dụng tối đa các ưu đãi Hiệp định EVFTA để tham gia chuỗi cung ứng (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, thông qua hội thảo để các doanh nghiệp có nhu cầu tham dự chương trình mở rộng giao thương thị trường châu Âu, tham dự Hội chợ MFS- Munich Fabric Start (Cộng hòa Liên bang Đức) được Trung tâm IDCS - Cục Công nghiệp tổ chức vào đầu tháng 9/2022 tới đây.

“Khi tham gia Hội chợ “MFS- Munich Fabric Start” doang nghiệp dệt may cần xác định thế mạnh, điểm nhấn, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tư vấn các đơn vị chuẩn bị bộ hàng mẫu tham gia hội chợ theo concept tổng thể, chuẩn bị tài liệu truyền thông, USP và truyền thông trước hội chợ; hướng dẫn cách làm việc, trao đổi với khách hàng và trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời gian tại hội chợ” - Giám đốc Trung tâm IDCS.

Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả cũng đã chia sẻ, cung cấp các thông tin về thị trường châu Âu ngành dệt may và các vấn đề cần chuẩn bị khi tham gia cung ứng sản phẩm sang thị trường này. Trong đó, chuyên gia đến từ tổ chức Sippo đã cung cấp thông tin về các yêu cầu đối với nhà cung ứng hàng dệt may vào thi trường châu Âu. Và các nội dung cần chuẩn bị của doanh nghiệp khi đưa hàng hóa tham gia hội chợ và mở rộng giao thương vào thị trường này.

Hội thảo cũng đã nhận được nhiều câu hỏi của đại diện doanh nghiệp trong phần hỏi đáp và các nội dung đã được các đại diện IDCS, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổ chức Sippo chia sẻ đến từng doanh nghiệp.

Nguồn https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-ho-tro-doanh-nghiep-det-may-tiep-can-thi-truong-chau-au-178197.html