Diễn đàn phát triển kinh tế xanh: Điểm kết nối các “nhà”

Diễn đàn phát triển kinh tế xanh: Điểm kết nối các “nhà”

Chiều 29-7, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn “Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam bộ: Kết nối đầu tư – Hỗ trợ phục hồi và phát triển”.

Tham dự có lãnh đạo UBND các tỉnh, TP cùng các sở, ngành ở các tỉnh phía Nam, lãnh đạo Trường Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Tài chính - Marketing và hơn 200 doanh nghiệp…

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Thu Phong, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam nhấn mạnh, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ ban hành là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện phát triển bền vững, với nhiều hành động thiết thực và cụ thể. 

Tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu, là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia. Với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. 

Vùng Đông Nam bộ được đề xuất định hướng trở thành vùng dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của cả nước, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với vai trò, vị trí đầu tàu về kinh tế của cả nước…

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia phát biểu tại diễn đàn

Tại diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà kinh doanh đã cùng thảo luận về: Xu hướng kinh tế xanh trong thời điểm hiện tại; Bài toán đặt ra cho sự phát triển chung của vùng Đông Nam bộ; Giải pháp để phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam bộ; Xây dựng cầu nối đầu tư giữa “cung” và “cầu” gắn với phục hồi xanh; Các chính sách hỗ trợ sự phục hồi của doanh nghiệp và phát triển theo hướng “xanh hóa” hoạt động sản xuất kinh doanh…

Trong đó, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TPHCM cho rằng, cần đẩy mạnh vai trò “đầu tàu” của TPHCM. Bởi vì, TPHCM là trung tâm khu vực miền Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Với số lượng gần 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động, TPHCM đóng góp gần 30% ngân sách cả nước, rất nhiều các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới đã phát sinh, phát triển và mở rộng từ các doanh nghiệp.

TPHCM còn là trung tâm nghiên cứu, trung tâm đào tạo thực hành công nghệ mới. Hầu hết các doanh nghiệp đầu ngành đều có trụ sở, hoặc chi nhánh tại đây, nên sự phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM sẽ tác động nhanh chóng, tích cực tới các ngành kinh tế khu vực.

 Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TPHCM phát biểu tại diễn đàn

Diễn đàn cũng là cũng là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy hoạch phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững… đưa kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ phát triển nhanh, bền vững, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Nguồn https://www.sggp.org.vn/dien-dan-phat-trien-kinh-te-xanh-diem-ket-noi-cac-nha-831908.html