Giảm thuế, kích cầu tiêu dùng để lấy đà tăng trưởng

Giảm thuế, kích cầu tiêu dùng để lấy đà tăng trưởng

Theo ghi nhận từ Tổng cục Thống kê và từ thị trường, kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển biến theo hướng tốt lên từ việc kích cầu, sắp tới là giảm thuế giá trị gia tăng hàng hóa.

Cần thêm nhiều biện pháp để kích cầu tiêu dùng, ngoài giảm thuế VAT. Trong ảnh: người dân mua sắm tại một siêu thị ở TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
 
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng phải tận dụng ngay những điều kiện này để lấy đà tăng trưởng.

Hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp trong nước

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc làm sao để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, liệu các chương trình khuyến mãi có đủ liều kích cầu, ông Nguyễn Anh Đức, chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng các chương trình khuyến mãi chắc chắn phải có. Nhưng theo ông, cần được làm một cách khác biệt hơn thì mới đảm bảo được hiệu quả.

Ví dụ, ngày trước các siêu thị thường luân phiên tổ chức khuyến mãi theo địa lý như tuần lễ hàng nước này, đến nước khác. Nhưng bây giờ, nội dung khuyến mãi đang chuyển sang hình thức mặt hàng, nhóm hàng cụ thể như mới đây là "Tuần lễ xoài". 

Nhà bán lẻ phối hợp với các địa phương để có những sản phẩm kích cầu theo đúng "mùa nào, thức đó" và kích cầu chéo, để nhiều mặt hàng cùng được người tiêu dùng quan tâm, giá tốt. 

Đây cũng là cách nhà bán lẻ định hình lại nhu cầu, nguồn cung ở các thị trường, quy hoạch lại nguồn nguyên liệu.

Theo ông Đức, hiện thị trường nội địa đang có hai "nguồn hàng" lớn, đó là từ các doanh nghiệp xuất khẩu nhưng bị dư thừa nên đem về tiêu thụ nội địa và nguồn nước ngoài cũng đang khó khăn, muốn khai phá thị trường Việt Nam. 

Có khá nhiều trong số đó là những quốc gia đang có các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và họ đang muốn tận dụng các ưu đãi thuế quan. 

Xu thế này sẽ tốt cho người tiêu dùng trong nước, nhưng sẽ đầy thách thức cho các nhà sản xuất trong nước. 

Vì thế, chúng ta cần có những chính sách nhanh, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp có được chi phí sản xuất hợp lý thì mới cạnh tranh được.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho hay trong các chương trình hỗ trợ mà Sở Công Thương TP đang hướng đến là tìm đầu ra cho các sản phẩm gồm kết nối thị trường trong nước, song song với xúc tiến thị trường nước ngoài. Trong đó khuyến khích doanh nghiệp cân bằng thị trường, tránh để các mặt hàng phụ thuộc vào xuất khẩu hay nội địa.

Các giải pháp như tổ chức hội chợ xuất khẩu kết nối doanh nghiệp thị trường, tháng khuyến mãi... được sở xác định triển khai nhanh chóng để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra.

Tận dụng việc giảm thuế giá trị gia tăng thế nào?

 Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opMart (TP.HCM) - Ảnh: Q.ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết từ đầu năm đến nay Chính phủ, Thủ tướng đã đưa ra các nghị quyết gỡ vướng cho thị trường bất động sản; nghị định gỡ vướng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và công điện, thông tư gỡ vướng cho các thị trường. 

Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính ban hành các chính sách về giãn, hoãn thuế và tiền sử dụng đất, giảm 2% thuế giá trị gia tăng.

Đặc biệt, Việt Nam đã hạ lãi suất trong khi xu hướng chung lãi suất điều hành của các nền kinh tế lớn không hạ. Đây là chính sách khác biệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. 

Ông Lâm cũng đánh giá cao việc Thủ tướng ban hành công điện 280 chỉ rõ sự trì trệ của bộ máy công quyền trong thực thi công vụ để góp phần khắc phục tâm lý đùn đẩy, né tránh trách nhiệm...

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Anh Đức, việc giảm thuế giá trị gia tăng là một tín hiệu rất tích cực cho doanh nghiệp, người tiêu dùng. Vấn đề là làm sao chính sách này được triển khai nhanh nhất. 

"Từ kinh nghiệm năm ngoái, nếu chúng ta áp dụng giảm thuế đồng loạt sẽ giảm gánh nặng chi phí thực thi cho doanh nghiệp rất nhiều khi không phải mất thời gian để phân loại các mặt hàng", ông Đức chia sẻ.

TS Nguyễn Quốc Việt, phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cũng đánh giá cao việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng. 

Tuy mức giảm nhỏ nhưng sẽ có tác động rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực, tác động rất tích cực đến người tiêu dùng, giúp kích thích tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, nhất là những doanh nghiệp hướng vào thị trường bán lẻ trong nước... 

Tuy nhiên, theo ông Việt, việc phòng ngừa lạm phát ở giai đoạn cuối năm là điều chúng ta vẫn cần tính toán khi rất nhiều yếu tố có thể đe dọa lạm phát. Do đó, giảm thuế giá trị gia tăng sẽ như một cú đệm để giảm áp lực tăng giá, giải tỏa áp lực lạm phát.

 Khách du lịch mua hàng hóa tại chợ Bến Thành (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D


3,32% - Đó là tăng trưởng GDP quý 1-2023

Cần có gói kích thích nhằm tăng sức mua

Theo ông Nguyễn Anh Đức, lúc này các hiệp hội, ngành nghề cần liên kết lại để tạo ra những gói hỗ trợ cho người tiêu dùng.

Các chương trình khuyến mãi cần được áp dụng trên diện rộng, có thể chia theo ngành dọc, từng nhóm đối tượng cụ thể. Như hiện nay, Saigon Co.op có chương trình khuyến mãi cho các xã viên hợp tác xã hay nhân viên ngành công thương.

Các chương trình hiệu quả hơn khi vận dụng công nghệ, số hóa thay vì cách làm truyền thống.

Chương trình kích cầu này do đó phải mang tính tổng thể và tránh làm rời rạc như kích cầu du lịch phải phối hợp với mua sắm, di chuyển...

Kinh tế tháng 4 phục hồi thế nào?

Nhiều chỉ số cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế rõ nét hơn trong tháng 4-2023: du lịch tăng gấp gần 10 lần cùng kỳ năm trước; nếu so với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,6%, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3%; xuất siêu cũng đạt 1,5 tỉ USD.

Sản xuất công nghiệp phục hồi

Bối cảnh kinh tế thế giới bốn tháng đầu năm nay còn nhiều khó khăn, bất ổn, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng nền kinh tế trong nước đang có những dấu hiệu phục hồi vững chắc.

Tổng cục Thống kê cho biết tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và bốn tháng đầu năm nay có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận, trong đó chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Một số địa phương có chỉ số IIP tăng cao so với tháng trước, gồm: Sơn La tăng 29,2%, Hòa Bình tăng 26,4%, Đồng Tháp tăng 19,8%, Phú Yên tăng 11,6%, Thừa Thiên Huế tăng 10,4%, Bình Thuận tăng 10,2%...

Tính chung trong giai đoạn 2020 - 2023, chỉ số IIP bốn tháng đầu năm của một số ngành có mức tăng trưởng đáng ghi nhận, trong đó: ngành sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế nếu năm 2022 là -5,2%, năm 2023 tăng 14,3%; sản xuất đồ uống năm 2022 tăng 7,3%, năm 2023 tăng 11,1%... Tuy vậy, bốn tháng đầu năm 2023, một số ngành tăng trưởng âm. Trong đó, ngành dệt là -4,9%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học -5,1%...

Xuất siêu tích cực

Trong tháng 4, cả nước có gần 16.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 154.600 tỉ đồng và số lao động đăng ký gần 119.100 lao động, tăng 12,3% về số doanh nghiệp, tăng 6,2% về vốn đăng ký so với tháng 3-2023. Bên cạnh đó là gần 10.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu vẫn là điểm sáng của nền kinh tế, bốn tháng vừa qua Việt Nam xuất siêu khoảng 6,35 tỉ USD.

Về nguồn vốn đầu tư FDI, dù môi trường đầu tư toàn cầu có nhiều xáo trộn với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu nhưng vốn FDI thực hiện vẫn ghi nhận dấu hiệu tích cực nếu nhìn trong cả giai đoạn từ 2019 - 2023.

Vốn FDI thực hiện bốn tháng qua khoảng 5,85 tỉ USD trong khi trước dịch (năm 2019) khoảng 5,7 tỉ USD.

Nguồn Báo Tuổi trẻ Online