Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khủng hoảng kép

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khủng hoảng kép

Theo thống kê, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DN SMEs) hiện chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xung đột chính trị tại Châu Âu, trên 90% DN SMEs đã bị ảnh hưởng, rất cần sự hỗ trợ. 

Cần nhiểu hỗ trợ để DN vừa và nhỏ vượt qua khủng hoảng, ổn định sản xuất trong điều kiện khó khăn hiện nay. Ảnh: Vũ Long

DN mong bù đắp cho giai đoạn bị đứt gãy SX

Mặc dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng ngay sau Tết Nguyên đán, cộng đồng DN đã khẩn trương bắt tay vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng suất lên gấp 3-4 lần để bù đắp lại giai đoạn bị đứt gãy do làn sóng lần thứ tư mà COVID-19 gây ra.

Dự kiến tổng sản lượng gạo XK năm 2022 sẽ đạt trên 75 nghìn tấn gạo, trị giá khoảng 50 triệu USD. Ngoài XK mặt hàng gạo là thế mạnh, Trung An cũng đã ký hợp đồng với đối tác chuyên dụng để đáp ứng nhu cầu trồng lúa hữu cơ toàn phần cho gạo oganic trên địa bàn TP.Cần Thơ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” - ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ.

Chính sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng DN, trong đó có các DN SMEs đã mang lại tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt 109,62 tỉ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó XK tăng 11,7%; nhập khẩu tăng 16,7%. Trong 2 tháng đầu năm 2022 có 9 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỉ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch XK. Đặc biệt, có 4 mặt hàng XK đạt trên 5 tỉ USD, chiếm 52% là dấu hiệu đáng lạc quan.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, trong tháng 2.2022, số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt gần 11,4 nghìn DN, cao gấp 1,7 lần so với số DN rút lui khỏi thị trường (6,6 nghìn DN). Mặc dù tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng số DN đăng ký thành lập mới và số DN quay trở lại hoạt động vẫn cao hơn mức bình quân chung của tháng 2 trong giai đoạn 2017-2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, số DN thành mới tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước; số DN quay trở lại hoạt động tăng mạnh 102,5% và số DN quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả các lĩnh vực.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), nhấn mạnh: Khối DN SMEs đang trở thành lực lượng xốc vác và xông xáo trong thời điểm khá đặc biệt này.

“Các cơ hội ngách, nhu cầu thị trường ngách và các phản ứng ngắn hạn đang mang lại lợi thế cho DN SMEs, cần huy động mạnh và thúc đẩy khối DN này phát huy cao nhất thế mạnh và sứ mệnh để vượt khó khăn trong tác động kép: Dịch bệnh COVID-19 vẫn còn. Bên cạnh đó là biến động bất lợi do xung đột Nga - Ukraina, các chính sách cấm vận” - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.

Hỗ trợ để DN SMEs vượt qua khó khăn, khủng hoảng kép

Theo VCCI, hiện Việt Nam có khoảng 1,7 triệu DN nhỏ và siêu nhỏ. Dự kiến đến năm 2030, con số này tăng lên khoảng 2,4 triệu DN. Số lượng DN SMEs chiếm tỉ lệ đến 96% trong tổng số DN được thành lập trong cả nước.  Đây cũng là nhóm DN gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tài chính, thiếu tri thức để bảo vệ trước rủi ro pháp lý.

Phân tích số liệu của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) có thể thấy: Trong 2 tháng đầu năm 2022, số DN tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỉ đồng với 29.939 DN (chiếm 91,5%, tăng 50,6% so với cùng kỳ năm 2021). Điều này cho thấy sức chống chịu của các DN nhỏ và siêu nhỏ rất hạn chế.

Ông Nguyễn Đức Bình - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc VCCI - cho biết, sự ra đời của Cộng đồng kết nối DN (OBC) cuối năm 2021 ở TPHCM cho thấy sự hỗ trợ của Chính phủ và VCCI đối với các DN SMEs. OBC đặt mục đích lớn nhất là kết nối giao thương, đào tạo và huấn luyện cho DN nhỏ và siêu nhỏ trong lĩnh vực kinh tế thương mại.

Với sự ra đời này, ông Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc OBC kỳ vọng, khi ra đời OBC sẽ tập hợp khoảng 8.000 DN trong số 1,7 triệu DN nhỏ và siêu nhỏ  tham gia để cải thiện năng lực cạnh tranh, thích ứng về những thay đổi kinh tế-xã hội, thị trường thương mại trong thời đại số với chi phí thấp.

Ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch JCI Việt Nam cho hay, trong giai đoạn hiện nay, mặc dù Chính phủ đã mở cửa lại hầu hết các ngành nghề và đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN SMEs hồi phục sau thời gian khá dài bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng DN nhỏ và vừa vẫn chưa thể hồi sinh mạnh mẽ trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị có nhiều biến động lớn; nên rất cần thêm các chính sách về cơ chế mang tính đặc thù, chính sách tài chính, tài khóa, nguồn vốn tín dụng ưu đãi... đối với khối DN này.

Còn theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội (HANOISME), khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trên 90% DN SME gặp khó khăn và trung bình mỗi tháng có 10.000 DN SMEs phải dừng hoạt động. Vì vậy, các DN SMEs vẫn cần hỗ trợ.

Cụ thể, có chính sách miễn, giảm thuế, phí... để DN có thể thu hút được người lao động. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tiếp tục rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, chồng chéo, cản trợ khó khăn cho DN. Đặc biệt là cần thúc đẩy hỗ trợ DN chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh triển khai phát triển kinh tế số; hỗ trợ phát triển các nền tảng thương mại điện tử; các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử, hậu cần giao nhận…

* Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực - Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, bày tỏ lo ngại trước những khó khăn, thách thức hiện nay mà cộng đồng DN Smes phải đối diện, trong đó, sự tăng cao liên tục của giá nguyên vật liệu và vận chuyển đang gây áp lực mới cho các DN, đặc biệt là DN Smes thì thách thức này càng lớn hơn.

* ThS. Hoàng Lệ Dung - Công ty cổ phần Lisa Medi Việt Nam: Chi phí logistics tăng cao làm DN XK mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Với những mặt hàng xuất đi Châu Âu hoặc Bắc Mỹ vốn là hai thị trường có chi phí vận chuyển khá cao, sẽ khó có thể cạnh tranh được với các nước gần thị trường này hơn Việt Nam.

DN SMEs được hưởng những hỗ trợ nào?

DN SMEs nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ, trong đó có 8 loại hỗ trợ mà DN SMes đương nhiên sẽ nhận được từ phía Nhà nước, gồm: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng, quỹ bảo lãnh tín dụng DN SMEs; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo. cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, những DN SMEs vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; DN SMEs khởi nghiệp sáng tạo; DN SMEs tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sẽ được hưởng thêm nhiều hỗ trợ nữa từ phía nhà nước. L.V

Nguồn https://laodong.vn/kinh-te/ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-vuot-qua-khung-hoang-kep-1025546.ldo