Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành khu vực phía Nam

Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành khu vực phía Nam

Sáng 14/10, tại tỉnh Tây Ninh, Bộ công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị ngành Công Thương khu vực phía Nam lần thứ VIII, năm 2022.

Tham dự Hội nghị Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương; các Sở, ban, ngành, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; các cơ quan báo chí của Trung ương và tỉnh Tây Ninh. Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Công Thương đồng chủ trì Hội nghị.


Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Hội nghị ngành Công Thương 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VIII, năm 2022, được tổ chức nhằm mục đích, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 3 tháng cuối năm 2022; Tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các Sở, qua đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực; Thảo luận, đề xuất những quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách; những giải pháp cụ thể, thiết thực để tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, địa phương, cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện.


Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và của ngành Công Thương nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và Ucraina, hạn hán kéo dài ở Trung Quốc… Các vấn đề này đã và đang tạo lực cản lớn đối với sự hồi phục kinh tế toàn cầu, tạo nên những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và tạo áp lực lạm phát mạnh hơn.

Ở trong nước, việc kiểm soát các loại dịch bệnh, giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí vận tải tăng cao làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.Với sự quyết tâm cao thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ “Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” ngành Công Thương khu vực phía Nam đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn; chủ động trong công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng, để ngành Công Thương phát triển mạnh, bền vững trong thời gian tới, Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi, để các Sở Công Thương trong khu vực phía Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên tinh thần phối hợp cùng phát triển.


Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III/2022 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Một số kết quả đạt được như Công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 10,69%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tăng 21%); xuất khẩu hàng hóa (tăng 17,3%)..., là những yếu tố tích cực tác động đến chỉ số sản xuất công nghiệp và thương mại tăng cao, có thể điểm lại một số chỉ tiêu cụ thể như sau:

Về sản xuất công nghiệp: tình hình sản xuất công nghiệp năm 2021 khá ổn định, sản xuất vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành khu vực phía Nam có mức tăng khá so với năm 2020. Có 03/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước, bao gồm: Bình Phước +17,80%; Bạc Liêu +9,29%; Hậu Giang +4,82%. 9 tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp trong khu vực tiếp tục tăng trưởng cao so với cùng kỳ; Có 12/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (cả nước tăng 9,63%).

Về thương mại nội địa: năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt 2.353,8 nghìn tỷ đồng, đạt 96,74% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 49% so với cả .  Có 7/20 địa phương có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước và cao hơn so với cùng kỳ. 9 tháng đầu năm 2022, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt 2.209,86 nghìn tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm tỷ trọng 53% so với cả nước. Có 14/20 tỉnh, thành tăng trưởng cao hơn mức cả nước.

Về xuất khẩu: năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực phía Nam thực hiện 128,6 tỷ USD, tăng 17,57% so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 38,2% so với cả nước. Các địa phương có mức tăng trưởng cao như: An Giang +22,81%; Bình Thuận +21,79%... 9 tháng đầu năm 2022, Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực phía Nam ước thực hiện 109,1 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 38,61% so với cả nước. Có 15/20 địa phương có tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao hơn mức chung cả nước.

Về nhập khẩu: năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu thực hiện 122,32 tỷ USD, tăng 27,1% so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 36,81% so với cả nước. 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu thực hiện 96,23 tỷ USD, tăng 11,32% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 34,86% so cả nước.

Tại Hội nghị, đại diện các lãnh đạo tỉnh, Sở Công Thương các tỉnh, thành phía Nam và đại biểu đã kiến nghị về một số vấn đề liên quan đến các lĩnh vực như, công nghiệp hỗ trơ; cụm công nghiệp; lĩnh vực hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, vận chuyển hàng hóa công nghiệp nguy hiểm và an toàn hoạt động dầu khí; Lĩnh vực khuyến công; lĩnh vực thương mại; Lĩnh vực an toàn thực phẩm; Đặc biệt, là vấn đề nguồn cung và giá cả xăng dầu; Cơ chế giá điện và xem xét phê duyệt đầu tư dự án điện đó và bảng giá thu mua điện,…

Theo đó, lãnh đạo các Cục, Vụ và đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương đã trao đổi và giải đáp kiến nghị của lãnh đạo tỉnh, Sở Công Thương và đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2022, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021- 2025 và thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Ngoài các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong báo cáo, đề nghị các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung như sau:

Một là, tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình hành động của Trung ương và địa phương đã ban hành, nhất là các nội dung liên quan đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Đẩy mạnh công tác rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tăng cường tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi để duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Hỗ trợ, tổ chức kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia vào các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và thế giới để mở rộng thị trường, gia tăng tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu.

Quan tâm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, gắn kết chặt chẽ với công tác cải cách hành chính.

Hai là, đề nghị các tỉnh/thành phố quan tâm tập trung hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức triển khai hiệu quả sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bám sát: Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045... để xây dựng và ban hành các chiến lược, đề án phát triển các ngành công nghiệp, thương mại địa phương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời tích hợp những nội dung này vào Quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để triển khai thực hiện. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp nền tảng, nhất là công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo,…

Rà soát lại hiện trạng, nhu cầu để lập các phương án/nội dung quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp, thương mại cho phù hợp, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia; làm cơ sở tích hợp vào quy hoạch tỉnh, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thực hiện.

Ba là, tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh các công trình, dự án trọng điểm của quốc gia, của địa phương, đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch vùng đồng bằng sông Cửu Long; Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Vùng Đông Nam Bộ: Tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu của cả nước về phát triển công nghiệp, thương mại. Quan tâm, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo. Nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để phát triển bền vững, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh. Quan tâm thúc đẩy phát triển hạ tầng  Logistics, đẩy mạnh liên kết vùng để sản xuất sản phẩm xuất khẩu theo hướng chuyển dịch đến các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị phù hợp với lợi thế so sánh của vùng Đông Nam Bộ, phát triển  trở thành Trung tâm Logistics hàng không lớn của khu vực và thế giới khi kết nối Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành trong thời gian tới.

Bốn là, đẩy mạnh khơi thông, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kích cầu, kết nối tiêu thụ hàng hóa.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như: xăng dầu, điện...

Theo dõi chặt chẽ giá cả hàng hóa trên địa bàn để có các biện pháp bình ổn giá cả, cung cầu, tập trung cho các Chương trình kích cầu tiêu dùng, đặc biệt trong những dịp lễ Noel, Tết sắp tới. Khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục tốt, qua đó tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng trên môi trường số, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.

Phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu để tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển tại thị trường nội địa.

Năm là, hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy chuyển dịch nhanh từ sản xuất theo gia công, lắp ráp sang thiết kế, sản xuất tại Việt Nam.

Tập trung xây dựng phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng có thế mạnh của địa phương, phối hợp với các Bộ, ngành xử lý tốt vấn đề về truy xuất nguồn gốc bảo đảm chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước. Tuân thủ hướng dẫn của các Bộ, ngành triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch có lộ trình khi được Chính phủ thông qua. Đối với một số tỉnh có biên giới với Campuchia cần quan tâm hướng dẫn các doanh nghiệp về các hoạt động thương mại biên giới .

Sáu là, thực hiện các chương trình, hoạt động của ngành Công Thương đang triển khai hỗ trợ các địa phương trên cả nước như: Chương trình khuyến công, Chương trình khoa học và công nghệ, Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam...


Tai Hội nghị ngành Công Thương 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VIII, năm 2022 đã diễn ra lễ trao cờ đăng cai cho Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ IX năm 2023.

Nguồn https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/hoi-nghi-nganh-cong-thuong-cac-tinh-thanh-khu-vuc-phia-nam.html