TPHCM ra chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng, kết nối đa không gian

TPHCM ra chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng, kết nối đa không gian

(Dân trí) - Theo chỉ thị vừa được TPHCM ban hành, địa phương đặt mục tiêu cao cho tăng trưởng kinh tế, tìm kiếm các động lực mới. Thành phố cũng đưa ra giải pháp kết nối lõi trung tâm với khu vực bờ sông Sài Gòn.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, vừa ký ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố đến năm 2025. Chỉ thị này thể hiện sự quyết tâm của TPHCM trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

UBND TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2024 đạt 7,5% trở lên và năm 2025 đạt từ 8-8,5%. Trong đó, tỷ trọng kinh tế số năm 2024 sẽ đạt 22% và năm 2025 là 25%.

 Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM (Ảnh: Q.Huy).

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TPHCM năm 2024 cần tăng 6,5%, với 4 ngành công nghiệp trọng điểm là động lực tăng trưởng, có mức tăng cao hơn toàn ngành. Kim ngạch xuất khẩu tăng ít nhất 10% so với năm 2023. Thành phố cũng đề ra mục tiêu nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu về chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và Par-Index (chỉ số cải cách hành chính).

Về các mục tiêu cụ thể, TPHCM kỳ vọng tổng diện tích nhà ở đạt 40 triệu m2 trở lên và xây dựng ít nhất 26.200 căn nhà ở xã hội. Đến năm 2025, thành phố cần xử lý 80% lượng rác sinh hoạt bằng công nghệ mới hoặc tái chế, toàn địa bàn có ít nhất 150ha đất công viên cây xanh.
 

TPHCM đặt mục tiêu toàn địa bàn có 150ha đất công viên cây xanh (Ảnh: Nam Anh).

Để đạt được các mục tiêu này, TPHCM đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đầu tiên là thúc đẩy thực hiện và giải ngân đầu tư công, tăng cường khả năng hấp thụ vốn. UBND TPHCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì việc phát huy hiệu quả cơ chế hoạt động của ban chỉ đạo, thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo để xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án, công trình.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao mục tiêu thu hút 394.000 tỷ đồng năm 2024 và đạt 422.000 tỷ đồng năm 2025, các phần việc cần trình UBND TPHCM ngay trong tháng 8. Ban quản lý các Khu công nghiệp và Khu chế xuất, Ban quản lý Khu công nghệ cao cần đề xuất các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy khởi công các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, tập trung vào hạ tầng số, trung tâm dữ liệu, logistics, công nghệ số kết hợp nghiên cứu và phát triển.

Giai đoạn 2024-2025, các dự án này cần thu hút từ 50.000 tỷ đồng đến 70.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở Công Thương thành phố cần khẩn trương tham mưu, hoàn thiện và triển khai đồ án sử dụng mái nhà là tài sản công để lắp hệ thống điện mặt trời.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM sẽ chủ trì, phối hợp duy trì tăng trưởng tín dụng bền vững, tín dụng xanh để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Cơ quan này cần thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gắn với cơ chế, chính sách hỗ trợ về tín dụng, lãi suất, dịch vụ và cải cách hành chính, đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội.

Trong số các nhiệm vụ, giải pháp của chỉ thị mới, UBND TPHCM cũng đưa ra hướng thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới thông qua các trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, quỹ phát triển khoa học và công nghệ doanh nghiệp, nghiên cứu các mô hình xã hội hóa, hợp tác công tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM là cơ quan chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Hiệp hội doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Trung tâm Chuyển đổi số nghiên cứu thực hiện chương trình "Trăm doanh nghiệp, vạn đơn hàng, triệu tài khoản", thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ.
 

TPHCM sẽ kết nối khu vực lõi trung tâm và khu vực Công viên bờ sông Sài Gòn (Ảnh: Hải Long).

Cơ quan này sẽ nghiên cứu đề án tổ chức hành lang kết nối khu vực lõi trung tâm TPHCM và khu vực Công viên bờ sông Sài Gòn thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm để phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế ven sông, kinh tế đêm. Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cần đề xuất việc hình thành trung tâm Net Zero (phát thải ròng bằng 0) của TPHCM.

Trong phần nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến năm 2025, TPHCM cũng đề ra các phần việc nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu; thực hiện chi tiêu công hiệu quả, tiếp tục kích cầu tiêu dùng và chương trình bình ổn thị trường; tháo gỡ vướng mắc khó khăn, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp cải cách hành chính; thúc đẩy hợp tác kinh tế vùng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; tăng cường bảo vệ môi trường, mở rộng quỹ đất phát triển sản xuất, công nghiệp và dịch vụ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án an sinh xã hội.