Sản xuất an toàn thời dịch: Tuyến đầu giờ là doanh nghiệp

TTO - Ngay sau khi các nhà máy trở lại sản xuất, tại Công ty ChangShin Việt Nam TNHH (Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) xảy ra 38 ca mắc COVID-19.


Các ca F1 được cho trở về địa phương mà không thông báo đã khiến nhiều người bức xúc. Từ đây vấn đề đặt ra là làm thế nào để sản xuất an toàn và ngay khi chẳng may xảy ra việc tái nhiễm thì xử lý thế nào để tiếp tục duy trì sản xuất?

3 tuyến phòng ngự

Ông Nguyễn Văn Bé, chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM, cho biết tại 17 khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN - KCX) của TP.HCM, trên 91% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại với hơn 70% công nhân quay lại làm việc. Đa số các doanh nghiệp đều phát hiện các ca F0 khi xét nghiệm trước khi vào nhà máy, trong đó ở KCX Linh Trung có đến hơn 50% doanh nghiệp phát hiện ca dương tính.

Tuy nhiên, việc phát hiện các F0 được các doanh nghiệp ứng xử linh hoạt, kiểm soát theo diễn biến tình hình. Đơn cử như cùng là Công ty Freetrend của KCX Linh Trung 1, 2 thì hồi tháng 7-2021, khi doanh nghiệp này phát sinh vài chục công nhân F0 đã cho hơn 30.000 công nhân nghỉ việc và đóng cửa nhà máy. Tuy nhiên, đầu tháng 10-2021, Công ty Freetrend tái hoạt động, tuyển dụng được 4.800 công nhân, phát hiện 20 ca F0 thì đưa đi điều trị, nhà máy vẫn tiếp tục mở cửa.

Theo ông Bé, khi đã xác định "sống chung với dịch", các KCN-KCX TP.HCM đã chủ động đề ra các tuyến phòng ngự. Trong đó ý thức tự giác của công nhân là tuyến phòng ngự hàng đầu và rất quyết định. Phải huấn luyện, nâng cao ý thức đó thành "kỹ năng sống, thực hiện 5K mọi nơi, mọi lúc". Tiếp đến là triển khai nhanh tiêm mũi 2 vắc xin phòng dịch cho toàn thể công nhân. Ngoài ra một phương án cũng được các KCN-KCX quan tâm là xây dựng cơ sở tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 tại khu và có khả năng điều trị tầng 1.

Để làm thí điểm, hiện nay KCX Linh Trung 2 sắp khánh thành khu 1.500m2 với 250 giường có sự phối hợp của Bệnh viện Thủ Đức. KCX Tân Thuận (quận 7) phối hợp với cơ quan y tế địa phương tận dụng các bệnh viện dã chiến đã hoàn thành nhiệm vụ trong cao điểm chống dịch, tiếp tục trưng dụng để đón các F0 là công nhân trong các nhà máy.

"Qua 6 tháng đại dịch kinh nghiệm cho thấy các doanh nghiệp nào có ký túc xá hoặc khu lưu trú dành cho công nhân thì doanh nghiệp đó rất chủ động trong phòng chống dịch và thực hiện "3 tại chỗ". Vì vậy tôi cho rằng trong các dự án KCN cần luật định nội dung xây dựng khu lưu trú công nhân" - ông Bé chia sẻ.

Tăng kiểm soát từ vòng ngoài

Ông Lâm An Dậu - tổng giám đốc Công ty cổ phần giấy Vĩnh Tiến - nói sau hai tuần trở lại cuộc sống bình thường, những công nhân có triệu chứng như cảm, sốt, ho... được khuyến khích nghỉ tại nhà, hiện cứ 3 ngày các công nhân đến nhà máy vẫn được cho làm xét nghiệm hoặc được phát các bộ kiểm tra bằng phương thức ngậm, kiểm tra nước bọt và không tránh khỏi phát hiện những ca F0.

Tuy nhiên theo ông Dậu, khi nói về cuộc sống "bình thường mới" thì các F0 là một phần tất yếu, vì vậy cách xử lý cũng không còn căng thẳng như trong cao điểm dịch. Các F0 được chuyển đến bệnh viện, cơ sở gần nhất, dù hiện nay quy định cho phép F0 tự cách ly tại nhà nhưng nguyện vọng hầu hết là muốn được điều trị trong các cơ sở tiếp nhận và công ty cũng có nơi để công nhân cách ly riêng.

"Nhiều doanh nghiệp sau khi quay trở lại làm việc đều phải đối mặt với "có F0" ngay trong văn phòng của mình. Vì vậy việc chuẩn bị các biện pháp phòng chống dịch cụ thể, xịt khử khuẩn và phải thật bình tĩnh. Quan trọng là không được lơ là, luôn đeo khẩu trang đúng cách thì nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm" - ông Dậu chia sẻ.

Doanh nghiệp nên chủ động

Ông Đoàn Võ Khang Duy, giám đốc Công ty CP công nghiệp AMECO, phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM, cho rằng lúc này cần nhất là sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp, chắc chắn phải chuẩn bị tinh thần là sẽ xuất hiện F0 trong nhà xưởng, khi đó phải xử lý một cách linh hoạt theo các quy định đã có, cụ thể là tiêu chí của Bộ Y tế về sản xuất trong nhà xưởng.

"Tôi có nhà máy sản xuất tại Đồng Nai, hiện đang sản xuất và phòng dịch theo đúng các tiêu chí đó nên doanh nghiệp yên tâm và chủ động bởi chúng tôi có các kịch bản ứng phó, cách ly tại nhà xưởng cũng như phối hợp với địa phương, cơ quan y tế khi có F0. Trong đó quan trọng nhất là doanh nghiệp phải có y tế tại chỗ để tầm soát và chạy một quy trình xử lý khi có F0, phối hợp nhịp nhàng giữa các bên trong lúc chờ cơ quan quản lý xét nghiệm PCR..." - ông Duy nói.

Theo ông Duy, nếu doanh nghiệp có các biện pháp phòng dịch tốt hơn thì cũng nên áp dụng, như có những doanh nghiệp lớn họ có trạm xá riêng, tự chữa trị cho công nhân hay có nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì xét nghiệm mỗi ngày cho nhân viên và tầm soát PCR theo xác suất...

Với cơ quan quản lý, ông Duy đề nghị cần có một bộ phận sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, có những công bố rõ ràng sẽ hỗ trợ những gì, giải quyết trong bao nhiêu giờ... để doanh nghiệp yên tâm, tránh vì lý do lo bị phong tỏa, ngưng sản xuất, phạt đơn hàng mà doanh nghiệp có những ứng xử trái quy định.

Như Bình - Ngọc Hiển

Theo nguồn: https://tuoitre.vn/