Gói hỗ trợ 2% lãi suất hướng đến doanh nghiệp có khả năng phục hồi

Gói hỗ trợ 2% lãi suất hướng đến doanh nghiệp có khả năng phục hồi

(Chinhphu.vn) - Theo phản ánh của cử tri TPHCM, sau đợt dịch COVID-19, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đang nỗ lực khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, đối tác mới. Tuy nhiên, theo khảo sát, có đến 42% DN thiếu vốn, nhưng khó tiếp cận gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng của Chính phủ do thủ tục rườm rà, phức tạp.
 
Do đó, cử tri TPHCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương tập trung tháo gỡ, để các DN được sớm tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để phục hồi sản xuất kinh doanh

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời cử tri TPHCM như sau:

Thời gian qua, triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Bám sát chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng cũng đã khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong toàn ngành nhằm duy trì môi trường kinh doanh ổn định góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh (trong đó có các DN trên địa bàn TPHCM), cụ thể:

- NHNN đã điều hành linh hoạt, chủ động, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, sẵn sàng cung ứng đủ, kịp thời nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;

- Tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động;

- NHNN chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19;

- Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - DN nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng;

- Chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán...

Chính sách hỗ trợ 2% lãi suất hướng đến khách hàng có khả năng phục hồi

Về chính sách hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực:

NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ NSNN đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 hướng dẫn và có văn bản chỉ đạo các NHTM đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất, triển khai ngay trong nội bộ.

Chủ động tổ chức Hội nghị toàn ngành ngân hàng; Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các NHTM để quán triệt, phổ biến thông tin rộng rãi về chính sách hỗ trợ lãi suất tới toàn hệ thống NHTM và từng địa phương.

Trên cơ sở đăng ký của các NHTM, NHNN đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền cho phép bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển nguồn NSNN thực hiện hỗ trợ lãi suất trong năm 2022, bố trí dự toán NSNN năm 2023; đồng thời có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 cho từng NHTM để nhanh chóng triển khai chương trình.

Chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP là chính sách sử dụng NSNN có quy mô lớn triển khai qua hệ thống NHTM, tất cả các khoản cho vay phải đáp ứng điều kiện tín dụng thông thường, đối tượng thụ hưởng là những khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, nguồn tiền cho vay là tiền huy động từ người dân, từ nền kinh tế, do đó, các ngân hàng vẫn phải xác định đúng đối tượng, thẩm định, quyết định cho vay theo đúng quy định.

Nhóm chính sách cho vay ưu đãi qua NHCSXH

NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025.

NHCSXH đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để thực hiện Chương trình năm 2022, trong đó để cho vay theo Nghị quyết 11 là 19.000 tỷ đồng.

Căn cứ nhu cầu vốn, NHCSXH đã giao kế hoạch cho các chương trình cho vay có đối tượng thụ hưởng là DN, gồm: (i) Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm 7.000 tỷ đồng (đã giải ngân 6.938 tỷ đồng); (ii) cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập là 313 tỷ đồng (đã giải ngân 159 tỷ đồng).

Việc triển khai cho vay đối với các DN theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại NHCSXH đã đang được thực hiện nhanh chóng. Riêng chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hiện NHCSXH chưa triển khai cho vay được do chưa có đầy đủ hướng dẫn từ các bộ, ngành và một số tỉnh chưa phê duyệt Đề án cho vay đối với Chương trình.

Như vậy, DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có thể tìm hiểu, làm việc với các TCTD trên địa bàn TPHCM để được hỗ trợ xem xét giảm lãi vay và hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, NHNN và chính sách riêng của từng TCTD.

Các giải pháp hỗ trợ DN tại TPHCM

Ngành ngân hàng trên địa bàn đã triển khai các giải pháp hỗ trợ DN như tích cực thực hiện các chương trình tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tháo gỡ khó khăn cho DN chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên địa bàn; đồng thời, thường xuyên nắm bắt các thông tin phản ánh và hỗ trợ DN qua đường dây nóng/thư điện tử/mạng đối thoại DN của chính quyền Thành phố với DN và tham gia các Hội nghị đối thoại do quận/huyện tổ chức, bảo đảm tính minh bạch và giám sát thực hiện có hiệu quả trong thực hiện cơ chế chính sách của các TCTD đối với người dân, DN.

Nhờ đó, đến ngày 30/6/2022, tín dụng trên địa bàn tăng 10,02% so với cuối năm 2021, là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 3 năm gần đây, cao hơn mức chung của toàn hệ thống, phù hợp với xu hướng phục hồi của nền kinh tế nói chung và trên địa bàn Thành phố nói riêng. Một số kết quả đạt được như sau:

(i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ đạt 87.337 tỷ đồng cho 418.808 khách hàng; miễn, giảm lãi đạt 4.274 tỷ đồng cho 138.264 khách hàng; cho vay mới đạt 455.152 tỷ đồng cho 713.170 khách hàng;

(ii) Trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN phản ánh qua các sở ngành, quận huyện và Hiệp hội DN (đã xử lý 934/941 trường hợp);

(iii) Hỗ trợ cho DN trên địa bàn thông qua tổ chức triển khai thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - DN với số tiền là 305.941 tỷ đồng cho 24.170 khách hàng;

(iv) Cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, dư nợ đạt 659 tỷ đồng với 172 khách hàng còn dư nợ.

Trong thời gian tới, ngành ngân hàng trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình tín dụng, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, công tác tháo gỡ khó khăn cho DN,… bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế trên địa bàn.

Nguồn https://baochinhphu.vn/goi-ho-tro-2-lai-suat-huong-den-doanh-nghiep-co-kha-nang-phuc-hoi-102220822144023144.htm