Hội thảo tham vấn ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 80/2021/NĐ-CP

Hội thảo tham vấn ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 80/2021/NĐ-CP

(MPI) - Triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ-CP. Ngày 20/9/2021, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo trực tuyến phổ biến các nội dung của Nghị định và tham vấn ý kiến của các cơ quan về dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.


Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ngành và các hiệp hội doanh nghiệp. Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Bùi Thu Thủy và Giám đốc Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) Daniel Fitzpatrick chủ trì Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Bùi Thu Thủy cho biết, kết quả triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là khung pháp lý ban hành chưa đầy đủ để triển khai trong thực tế. Do vậy, để khắc phục những khó khăn, ngày 26/8/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV. Nghị định quy định chi tiết về tiêu chí xác định DNNVV, hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện hỗ trợ DNNVV. Sau khi Nghị định 80/2021/NĐ-CP được ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, đồng thời xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Giám Dự án LinkSME Daniel Fitzpatrick cho biết, trong thời gian qua, USAID đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, tiếp cận nguồn tài chính… Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP với những nội dung, giải pháp cụ thể sẽ là cơ sở quan trọng để hỗ trợ các doanh nghiệp và những nội dung được thảo luận tại Hội thảo có ý nghĩa quan trọng để triển khai các giải pháp hỗ trợ DNNVV thiết thực, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Triển khai các hoạt động hỗ trợ DNNVV, Cục Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Thị Bích Thủy đã trình bày một số nội dung chính của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP. Nghị định quy định rõ nguyên tắc thực hiện hỗ trợ. Theo đó, căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực và định hướng ưu tiên hỗ trợ trong từng thời kỳ, cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV quyết định số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện được nhận hỗ trợ đảm bảo nguyên tắc DNNVV nộp hồ sơ trước được hỗ trợ trước; DNNVV do phụ nữ làm chủ, DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ và DNNVV là doanh nghiệp xã hội theo quy định của pháp luật được hỗ trợ trước.

Hội thảo được nghe đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp trình bày dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luậy Hỗ trợ DNNVV. Theo Dự thảo, Thông tư này sẽ hướng dẫn hỗ trợ công nghệ (không bao gồm khoản 5 Điều 11); hỗ trợ tư vấn; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và nội dung quản lý các hoạt động hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.

Nguyên tắc thực hiện hỗ trợ là đơn vị triển khai hỗ trợ DNNVV rà soát, lựa chọn DNNVV đúng đối tượng, đủ điều kiện để hỗ trợ; thanh quyết toán phần kinh phí NSNN hỗ trợ. Các nội dung hỗ trợ về tư vấn quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP sử dụng tư vấn viên thuộc mạng lưới tư vấn viên của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Giá trị phần ngân sách nhà nước hỗ trợ tính trên tổng giá trị hợp đồng đã bao gồm thuế, phí, lệ phí phải nộp. Các mẫu, biểu tại phụ lục ban hành kèm Thông tư này có thể dưới dạng bản giấy, bản điện tử hoặc hình thức biểu mẫu điện tử nhưng phải đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định tại Thông tư; được lưu trữ theo đúng quy định về pháp luật lưu trữ và có thể xuất trình để phục vụ kiểm tra, kiểm toán khi cần thiết.

Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, Dự thảo có cách làm đơn giản, hợp lý và nhấn mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp là quá trình cần sự triển khai đồng bộ và sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, hiệp hội và địa phương. Các ý kiến tập trung vào nguyên tắc thực hiện; trách nhiệm triển khai, hỗ trợ doanh nghiệp ở bộ, ngành, địa phương; ứng dụng công nghệ thông tin; quy trình thủ tục thanh quyết toán; hỗ trợ lãi suất, tạm ứng, vay vốn… Các ý kiến góp ý sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo.

Chương trình hội thảo chi tiết


Nguồn https://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=51534&idcm=188