Xây dựng Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025

Xây dựng Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025

(MPI) – Tại Hội Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị các đại biểu cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương cùng nhiều doanh nghiệp trên cả nước.

Hình ảnh tại điểm cầu Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Nghị quyết được xây dựng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững cả về số lượng, chất lượng, thực sự trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của kinh tế, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Dự thảo đưa ra quan điểm là quán triệt thực thi đầy đủ và hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển doanh nghiệp; bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo Hiến pháp và pháp luật; củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Khơi thông các điểm nghẽn, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Nêu cao tinh thần đồng hành, chia sẻ sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp. Bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và chính sách.

Bảo đảm tính ổn định, nhất quán, dễ dự báo, rõ ràng, minh bạch, hiệu quả và thực chất của chính sách; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, an toàn và thân thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch, hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước.

Chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, Mạnh dạn thí điểm, triển khai các chính sách, giải pháp phát triển mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh và kinh doanh bền vững trên nguyên tắc bám sát tình hình thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Hỗ trợ doanh nghiệp trọng tâm, trọng điểm; đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh và kinh doanh bền vững; thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực tiềm năng tạo động lực tăng trưởng mới và thực hiện các mục tiêu bền vững.

Dự thảo đưa ra mục tiêu tổng quát là hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh xanh và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; lớn mạnh về số lượng và chất lượng, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2025: Đạt 1,5 triệu doanh nghiệp. Tốc độ tăng bình quân số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh khoảng 8%/năm; 8.000-10.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước, khoảng 30-35% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98-99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Dự thảo đưa ra 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai ngay và trong dài hạn, trong đó tập trung vào các giải pháp như khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại chưa được giải quyết triệt để, thúc đẩy giải ngân đầu tư công để khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh; Tiếp tục hỗ trợ giảm chi phi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; Khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước; Tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo kỹ năng người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu thiếu hụt thị trường;

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính Chính sách này được thực hiện trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022, được nêu trong điểm b khoản 11 Điều II, Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/7/2021; Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; Hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới./.

Nguồn https://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=55016&idcm=188