CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

        Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hiện nước ta có gần 600.000 DNNVV, chiếm khoảng 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực tế. Tuy nhiên, trong tổng số gần 600.000 DNNVV của Việt Nam, số doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%, còn lại là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Tổng số vốn đăng ký của các DNNVV đạt xấp xỉ 121 tỷ USD, chiếm 30% tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp. Hàng năm, các DNNVV đóng góp khoảng 40% GDP; 30% nộp ngân sách nhà nước, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và tạo ra gần 60% việc làm...

           Nhận thấy rõ vai trò, tiềm năng phát triển cũng như khó khăn của khối DNNVV, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, điển hình như: Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã khẳng định 10 nguyên tắc và 5 nhóm giải pháp cần thực hiện, nhằm mục tiêu nhà nước kiến tạo; lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp khởi nghiệp, tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

          Ngày 06/06/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng ra Chỉ thị 26/CT-TTg về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CPngày 16/5/2016, Thủ tướng Chính phủ khẳng định tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”.  Chỉ thị nêu rõ, sau hơn một năm kể từ khi ban hành, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35 đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức của bộ máy công quyền với tinh thần phục vụ và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng trưởng nhanh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội.

           Năm 2017 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được Quốc hội thông qua và đã có hiệu lực ngày 01/01/2018 gồm 4 chương 35 Điều, quy định nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động hỗ trợ… với nhiều quy định ưu đãi, ủng hộ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc sản xuất, kinh doanh. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để các thành phần của nền kinh tế chung tay hỗ trợ cho sự phát triển mạnh mẽ của DNNVV. 

           Ngoài ra, để tăng cường các giải pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, ngày 17 tháng 5 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trong đó yêu cầu: Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt theo tinh thần trên.

            Bên cạnh đó là Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 đã có hiệu lực ngày 01/01/2018 gồm 8 chương, 113 điều, điều chỉnh công tác quản lý nhà nước về ngoại thương gồm: các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế; không điều chỉnh, can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau; chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng dịch vụ. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã có hiệu lực ngày 01/01/2018, Luật Chuyển giao công nghệ có hiệu lực ngày 01/7/2018.

            Đáng chú ý là Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đều có hiệu lực ngày 1/1/2018. Bên cạnh đó, còn có một số quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018, cũng như một số văn bản hướng dẫn luật do Chính phủ, các bộ ban hành.

           Với những chính sách hỗ trợ trên, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta đã được cải thiện đáng kể. Năm 2017, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá tăng 14 bậc, đứng thứ 68/190 nền kinh tế; năng lực cạnh tranh quốc gia được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đánh giá tăng 5 bậc, đứng thứ 55/137 quốc gia và vùng lãnh thổ; chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127; tổ chức Moody’s và Fitch đã công bố nâng xếp hạng về triển vọng của Việt Nam từ mức ổn định lên mức tích cực. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh qua các năm. Riêng năm 2017, cả nước có trên 10.800 doanh nghiệp thành lập mới - con số cao nhất từ trước tới nay.

         Cũng trong tháng 3/2018 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo Nghị định trên, các DNNVV được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước như: hỗ trợ thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Như vậy, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ vẫn tiếp tục quan tâm và  đặt mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn.  

          Trên tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, vừa qua, Bộ Tư pháp đã có kế hoạch triển khai hoạt động mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn (Quyết định 565/QĐ-585 ngày 03/04/2018) nhằm hướng tới việc hỗ trợ trực tiếp, thiết thực nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các cam kết trong hội nhập quốc tế. Vì vậy, để doanh nghiệp thực sự tiếp cận các chính sách, văn bản pháp luật, các cam kết quốc tế có hiệu quả thì cần phải thay đổi hình thức tổ chức xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

            Theo kế hoạch này, Bộ Tư pháp sẽ phấn đấu 80% số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được hỗ trợ pháp lý từ mạng lưới tư pháp luật. Bên cạnh đó, sẽ duy trì mạng lưới tư vấn pháp luật với sự tham gia của các luật sư, luật gia, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật, cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Xây dựng giải pháp tổng thể về cơ chế, chính sách hỗ trợ, phương án tài chính nhằm hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương có đã thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp; Tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật đối với doanh nghiệp tại các địa phương đã thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, ổn định xã hội, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh tại Việt Nam;

           Các hoạt động của Kế hoạch nhằm triển khai Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán Ngân sách nhà nước năm 2018, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển. Tư vấn hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp 2014, Luật đầu tư 2014 (sửa đổi năm 2016), Luật bảo vệ môi trường 2014, Luật cạnh tranh 2004, triển khai thi hành Bộ luật dân sự 2015, Bộ luật lao động 2012, Luật Bảo hiểm xã hội.


                                                                                                 Nguồn tin:  Cổng thông tin điện tử Bộ tư pháp