Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ
Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ
Sáng 25/3, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An đã diễn ra Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Võ Văn Hoan - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh; Dương Anh Đức - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Về phía các tỉnh, có các đồng chí: Võ Văn Hưng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam; Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng; Nguyễn Đăng Bình - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn; Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá; Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh; Phan Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình; Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Nguyễn Đức Vượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam; Nguyễn Trường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng; Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Chia sẻ kinh nghiệm hợp tác đầu tư và kết nối giao thương phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế từng địa phương
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu
Phát biểu chào mừng tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá: Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để các tỉnh cùng nhau đánh giá toàn diện, sâu sắc những kết quả, thành tựu đã đạt được, những tồn tại, hạn chế trong hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong thời gian qua, từ đó đề xuất định hướng, giải pháp hợp tác, liên kết trọng tâm trong giai đoạn 2023 – 2025 và các năm tiếp theo. Có thể nói mỗi vùng, mỗi địa phương với những tiềm năng và lợi thế riêng có đã được phát huy hiệu quả khi triển khai chương trình hợp tác phát triển với Thành phố Hồ Chí Minh.
Tỉnh Nghệ An và các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ, vùng Trung du - miền núi Bắc Bộ và vùng Đồng bằng Sông Hồng luôn kỳ vọng và tin tưởng rằng, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2025 và các năm tiếp theo sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả cao nhất, thực chất hơn và đi vào chiều sâu, mở ra nhiều triển vọng mới, cơ hội hợp tác mới và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các địa phương với Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ trên các lĩnh vực: Đầu tư bất động sản, khu đô thị mới, xây dựng và phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; công nghiệp xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục, thông tin và truyền thông, các hoạt động an sinh xã hội...
Lãnh đạo các cấp Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo địa phương các vùng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh tới đầu tư, sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở các thông tin về xúc tiến đầu tư, phổ biến về tiềm năng, mục tiêu phát triển cụ thể của từng địa phương đã thu hút được các nguồn lực từ các thành phần kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh đến đầu tư, khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng tỉnh phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án được triển khai một cách hiệu quả, đã góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh.
Bên cạnh đó, các Sở, ban, ngành của các địa phương đã tạo được mối quan hệ, sự gắn kết ngày càng chặt chẽ trong việc trao đổi, hỗ trợ cung cấp thông tin, kinh nghiệm quản lý và các công tác chuyên ngành khác. Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đề nghị triển khai ngay các nội dung phối hợp, các nội dung ký kết đều phải có địa chỉ cụ thể, thời gian thực hiện và thời gian hoàn thành. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng cơ chế ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật thường xuyên và liên tục các nội dung đã triển khai thực hiện
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối hợp trong xây dựng chuỗi sản xuất tiêu thụ
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hỗ trợ chuyển giao các quy trình sản xuất có chứng nhận, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn hội nhập quốc tế
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã tập trung đánh giá những kết quả đã đạt được, những hạn chế, nguyên nhân trong thời gian qua; đồng thời, thảo luận làm rõ các nội dung sẽ hợp tác ký kết đến năm 2025.
Các đại biểu mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm để các tỉnh nâng cao khả năng tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ chuyển giao các quy trình sản xuất có chứng nhận, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn hội nhập quốc tế.
Đồng thời, giới thiệu doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sâu đối với các nông sản chủ lực của tỉnh gắn với phát triển vùng nguyên liệu như gạo hữu cơ, dược liệu, sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...; tiếp tục chia sẻ các kinh nghiệm trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, kêu gọi các nhà đầu tư lớn đến đầu tư vào các Khu kinh tế, Khu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh; xây dựng các tua tuyến du lịch... Lãnh đạo các tỉnh cam kết sau hội nghị này sẽ cụ thể hóa từng nội dung hợp tác bằng Kế hoạch cụ thể để thực hiện tốt nội dung hợp tác, liên kết giữa các địa phương.
Phát huy lợi thế của các bên, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương
Các địa phương kí kết Bản thỏa thuận Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ đến năm 2025
Trên cơ sở đánh giá vị trí, tiềm năng phát triển, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ thống nhất nội dung hợp tác đến năm 2025 với quan điểm triển khai cụ thể, hiệu quả các chủ trương của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương của từng vùng. Phát huy lợi thế của các bên, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương...
Mục tiêu của hợp tác nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau. Thúc đẩy hợp tác công - tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên; trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.
Trong giai đoạn 2023-2025, Thành phố Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ thống nhất phối hợp, mở rộng hợp tác, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm theo quy mô phát triển của vùng trên các lĩnh vực gồm: Đầu tư, du lịch, văn hóa, nông nghiệp, công thương, khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông; chuyển đổi số, giáo dục, đào tạo và y tế.
Cụ thể, hợp tác, liên kết giới thiệu tiềm năng, lợi thế và cơ hội đầu tư của từng địa phương. Trao đổi thông tin, kinh nghiệm về quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, hợp tác phát triển trên mọi lĩnh vực. Phối hợp tuyên truyền, quảng bá về môi trường đầu tư, kinh doanh; tổ chức các hoạt động, sự kiện đầu tư, thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương Phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Xây dựng cơ chế tham vấn lẫn nhau khi triển khai xây dựng sản phẩm du lịch mới nhằm sớm hoàn thiện sản phẩm, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của du khách cũng như các tiêu chuẩn về du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường, du lịch bền vững. Tiếp tục phát huy kết quả của Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương.
Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương Phía Bắc và Bắc Trung Bộ tăng cường trao đổi kinh nghiệm phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phát triển nông nghiệp đô thị...
Thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin chính sách của từng tỉnh đối với lĩnh vực công nghiệp. Hợp tác nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ; hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Tăng cường việc trao đổi kinh nghiệm trong công tác lập quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...
Việc hợp tác cần có trọng tâm, trọng điểm
Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu phát biểu
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu – Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao kết quả thực hiện chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong thời gian qua.
Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, một trong những điểm mạnh của Đại hội Đảng Toàn quốc cũng như gần đây có rất nhiều Nghị quyết của Bộ Chính trị xung quanh việc phát triển mạnh mẽ từng vùng, liên kết giữa các vùng nhằm phát huy vai trò các vùng kinh tế động lực, quan tâm phát triển các vùng khó khăn và thu hẹp giữa các vùng với nhau.
Qua ý kiến phát biểu của các địa phương có thể thấy rằng Thành phố Hồ Chí Minh luôn ý thức rằng sự phát triển của Thành phố có sự đóng góp rất lớn của các địa phương. Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị sau hội nghị, các địa phương xây dựng chương trình, lộ trình, danh mục cụ thể để hiện thực hóa các nội dung hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong thời gian tới dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, phát triển cùng có lợi. Việc hợp tác cần có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu của từng địa phương, doanh nghiệp có lợi thế để tạo môi trường thuận lợi, tiền đề cho sự phát triển chung của cả vùng, đảm bảo tốt không gian phát triển chung của đất nước.
Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn lãnh đạo các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các Sở, ban, ngành chủ động phối hợp với các cơ quan của Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện các nội dung hợp tác; duy trì tình đoàn kết, gắn bó giữa Thành phố và các địa phương; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia xúc tiến đầu tư, tạo nhiều việc làm, tăng thu ngân sách cho các địa phương và Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng khẳng định, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp chính là sự phát triển của các địa phương. Vì vậy, mong muốn thông qua Chương trình này, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư thương mại, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao kinh nghiệm cùng nhau phát triển. Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, chính quyền luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về các cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, góp phần vào sự phát triển của các địa phương.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị
Tác giả: Quỳnh - Oanh
Nguồn tin: nghean.gov.vn