Tăng kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm

Tăng kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm

Mới đây, Sở Công Thương TP Cần Thơ phối hợp với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị kết nối giao thương nhằm tăng cường kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm giữa 2 địa phương, đặc biệt giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) của TP Cần Thơ kết nối vào chuỗi hệ thống các nhà phân phối TP Hồ Chí Minh…


Hoạt động kết nối giao thương tại hội nghị kết nối giao thương do Sở Công Thương TP Cần Thơ phối hợp với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Ông Vũ Thanh Tân, đại diện bộ phận truyền thông của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam - đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Big C/GO!, cho biết, Central Retail luôn mong muốn tìm kiếm thêm các nhà cung cấp mới, sản phẩm mới để đưa vào siêu thị kinh doanh, trong đó ưu tiên mặt hàng tiêu dùng nhanh và thực phẩm tươi sống, rau củ quả. Đặc biệt, đơn vị ưu tiên cho mặt hàng OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Thông qua những chương trình kết nối, giao thương, Central Retail cho đây là cơ hội rất tốt để giữa bên sản xuất và nhà phân phối trao đổi về các thông tin thị trường; đặc biệt góp ý cho các nhà cung cấp chưa đủ tiêu chuẩn đưa hàng vào siêu thị để có thể hoàn thiện hơn về bao bì cũng như các tiêu chuẩn phù hợp với kênh bán lẻ hiện đại để hàng hóa tiêu thụ nhiều hơn.

“Hiện nay, chúng ta thường có suy nghĩ hàng trong nước đang bị cạnh tranh bởi hàng ngoại nhập, nhưng phải nhìn nhận thực chất hàng trong nước, nhất là sản phẩm của các nhà cung cấp địa phương, sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa đang  yếu và thiếu, nhất là những tiêu chuẩn để tham gia vào các kênh bán lẻ hiện đại. Đưa hàng vào hệ thống bán lẻ hiện đại đã khó, để “bén rễ” được trên quầy kệ, cần phải có thời gian. Do vậy, qua những chương trình kết nối, giao thương sẽ giúp họ hiểu hơn để căn chỉnh lại sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu thị trường” - ông Vũ Thanh Tân, nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đại Giao, Giám đốc HTX Thuận Phát, cho rằng, tham gia các chương trình kết nối, các HTX mong tìm kiếm được đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản, nhất là những mặt hàng trong giai đoạn vào vụ rộ, mặt hàng có giá trị cao. Với TP Hồ Chí Minh, thị trường tiêu dùng lớn nhất cả nước, nếu được trợ lực đưa hàng tiêu thụ tại các chuỗi hệ thống siêu thị, đặc biệt là chợ đầu mối Bình Điền, thì không chỉ có HTX Thuận Phát mà còn nhiều các HTX kinh doanh hàng nông sản yên tâm sản xuất”.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH The Fruit Republic (doanh nghiệp của Hà Lan), cho biết, sản phẩm chính của doanh nghiệp là các loại trái cây miền Tây như xoài, bưởi, cam, chanh, thanh long, dừa… Hiện nay, công ty đã xuất khẩu ra  nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Úc, Canada và sắp tới là Mỹ; đồng thời cung cấp, phân phối rộng rãi cho hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc như GO!, Big C, Co.opmart, Winmart… Tuy nhiên,  đây là sản phẩm cao cấp nên giá cao hơn sản phẩm cùng loại bán đại trà trên thị trường. Do vậy, mặc dù các chuỗi siêu thị hỗ trợ lên quầy kệ nhưng vẫn còn hạn chế, chưa “mạnh dạn” tăng cường nguồn hàng. Hy vọng, từ sự trao đổi giao thương giữa nhà  cung cấp và nhà bán lẻ, hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung, để không chỉ giúp doanh nghiệp đưa hàng nhiều hơn vào hệ thống siêu thị, mà còn giúp người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng hàng hóa chất lượng cao, an toàn sức khỏe.

Ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, cho biết, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa chợ đầu mối Bình Điền rất lớn, giai đoạn cao điểm, bình quân tiêu thụ 3.000 tấn hàng hóa/ngày, đêm. Để hợp tác cung ứng cho các thương lái ở chợ phải có nguồn hàng lớn và liên tục. Đây là điểm mà các đơn vị khi tìm hiểu hợp tác với chợ Bình Điền cần phải lưu ý. Ban quản lý chợ sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho các nhà cung cấp hàng hóa kết nối, giao thương với các thương lái đang kinh doanh tại chợ.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho rằng, vùng ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng, góp phần rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh. Việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển giữa TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực Công Thương. Nó không chỉ mở ra cơ hội để thu hút các dự án từ các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh vào TP Cần Thơ mà còn kết nối để cung cấp hàng hóa chủ lực, hàng nông sản cho thị trường tiêu dùng lớn nhất nước - TP Hồ Chí Minh.

Nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của các bên, duy trì thường xuyên hoạt động kết nối cung cầu, hợp tác ngành Công Thương, xây dựng chuỗi cung ứng giữa 2 địa phương, Sở Công Thương TP Cần Thơ và Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh ký kết biên bản hợp tác phát triển ngành Công Thương đến năm 2025. Nội dung bản hợp tác nhằm phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thông qua hợp tác toàn diện trong lĩnh vực Công Thương. Tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên. Xây dựng quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp theo hướng phát huy lợi thế về thị trường, vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực,... của từng địa phương; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; xây dựng mô hình thí điểm áp dụng sản xuất sạch hơn; kết nối cung cầu đầu tư máy móc thiết bị cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Đẩy mạnh trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển logistics. Phối hợp thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường. Phối hợp phát triển và liên kết chặt chẽ hệ thống phân phối, xây dựng các chuỗi cung ứng, chuỗi thực phẩm an toàn. Phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, kết nối 2 chiều, trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã của hai địa phương phát triển và mở rộng thị trường...

Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho rằng, để  kết nối bền vững, bên cạnh hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để quảng bá thương hiệu, giữa 2 địa phương cần hỗ trợ các sàn giao dịch thương mại điện tử; tham gia các hội chợ triển lãm để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố giới thiệu quảng bá thương hiệu sản phẩm đặc thù của doanh nghiệp địa phương; hỗ trợ mời gọi các nhà đầu tư đến Cần Thơ phát triển Trung tâm logistics Hạng II thuộc tiểu vùng kinh tế Trung tâm ĐBSCL tại TP Cần Thơ (Cảng Cái Cui, phường Tân Phú, quận Cái Răng, khoảng 100,27ha); hỗ trợ kết nối các chủ thể OCOP (92 sản phẩm), các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tại địa phương; hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp và HTX trên địa bàn thành phố đến các nhà phân phối, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh...

Nguồn Tác giả Nam Hương - Báo Cần Thơ Online