Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi TT 02/2023/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ hỗ trợ khách hàng khó khăn

Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi TT 02/2023/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ hỗ trợ khách hàng khó khăn

Trước diễn biến kinh tế thế giới, các khó khăn, thách thức tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân trong nước những tháng đầu năm 2023; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, thời gian thực hiện đến hết 30/6/2024.

Sang đầu năm 2024, kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, sức cầu của nền kinh tế còn yếu, tín dụng tăng trưởng chậm. Trước thực trạng khó khăn này, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành đánh giá và đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn thực hiện giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN thêm 06 tháng, đến hết ngày 31/12/2024.

Được sự chấp thuận của Chính phủ, ngày 18 tháng 6 năm 2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 06/2024/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN,  trong đó sửa đổi khoản 2 và khoản 8 Điều 4 Thông tư số 02/2023/TT-NHNN như sau:
- Sửa đổi khoản 2 Điều 4: “2. Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.”
- Sửa đổi khoản 8 Điều 4: “8. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.”

Việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến hết 31/12/2024 sẽ tiếp tục góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới, có thêm nguồn lực đầu tư, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, phù hợp với chủ trương của Quốc hội và Chính phủ là tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế./.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam