TPHCM sáng tạo và bứt tốc phát triển - Bài 3: TPHCM hoàn toàn có thể tăng trưởng hình chữ V

TPHCM sáng tạo và bứt tốc phát triển - Bài 3: TPHCM hoàn toàn có thể tăng trưởng hình chữ V

“Trong điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát, TPHCM sẽ phục hồi và phát triển rất nhanh, hoàn toàn có thể tăng trưởng với mức từ 6%-6,5%. Để làm được điều đó, TPHCM trước tiên phải tránh để tái “thủng lưới” vì Covid-19, vừa phải tận dụng, phát huy tốt các tiềm lực, vừa phải xử lý, chuyển hóa các trở ngại, điểm nghẽn có nguy cơ kéo lùi sự phát triển”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhấn mạnh khi trao đổi với PV Báo SGGP về nhiệm vụ bứt tốc phát triển của TPHCM.


PGS-TS Trần Hoàng Ngân

Phát huy thế mạnh và chuyển hóa các điểm nghẽn


Phóng viên: TPHCM xác định việc đưa mức tăng trưởng từ âm 6,78% lên mức dương 6%-6,5% trong năm 2022 là thách thách rất lớn. Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá thế nào về năng lực phục hồi của thành phố? Và tăng trưởng hình chữ V để đạt mức đã nêu liệu có khả thi?

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Năm 2022, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6%-6,5%, trở lại đà tăng trưởng như trước khi có dịch Covid-19. Trước đó, TPHCM thường giữ đà tăng trưởng gấp 1,1-1,5 lần bình quân chung của cả nước. Tuy thế, TPHCM đã bắt đầu gặp nhiều điểm nghẽn và thách thức trong phát triển. Khi dịch Covid-19 xảy ra, những thách thức đó bộc lộ rõ hơn, kinh tế suy giảm nghiêm trọng. Năm 2020, thành phố chỉ tăng trưởng 1,36%, trong khi cả nước tăng trưởng 2,91%. Đây là lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng của TPHCM thấp hơn cả nước. Rồi năm 2021, TPHCM rơi vào suy thoái, giảm rất sâu, âm 6,78%. Lần đầu tiên kể từ sau đổi mới, thành phố có mức tăng trưởng âm.

Chúng ta có thể thấy, ngay trong cam go, khốc liệt của đại dịch, TPHCM vẫn giữ được nhiều điểm sáng: xuất khẩu tăng, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng, tổng thu ngân sách tăng so với cùng kỳ… Về tổng quan, sức mạnh nội tại của TPHCM vẫn được bảo toàn, nền tảng hạ tầng, sản xuất kinh doanh vẫn còn nguyên. Trong tháng 1-2022, thành phố có nhiều dấu hiệu tích cực, như gần 3.200 doanh nghiệp (DN) thành lập mới (tăng gần 25% so với cùng kỳ), 4.850 DN hoạt động trở lại (tăng 36% so với cùng kỳ và tăng gần 500% so với tháng liền kề)…

Đó là những cơ sở cho thấy TPHCM có thể phục hồi, đạt mức tăng trưởng từ 6%-6,5%, thậm chí trên 6,5%. Tổng giá trị sản phẩm (GRDP) của TPHCM có thể phục hồi đạt quy mô trên 1,4 triệu tỷ đồng, cao hơn 14.000 tỷ đồng so với năm 2019, thời điểm trước khi dịch Covid-19 tác động.

TPHCM cần lưu ý điều gì trong hành trình phục hồi và phát triển, thưa ông?

TPHCM có nền tảng, có cơ bản để phục hồi như đã phân tích. Thành phố đang nỗ lực phấn đấu thực hiện cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Cần lưu ý rằng, khi quyết tâm “lấy lại những gì đã mất” thì trước hết, cũng cần phải giữ được những gì đã có, giữ được thành quả trong kiểm soát dịch bệnh. Vì thế, điểm mấu chốt đầu tiên là không được để tái “thủng lưới” Covid-19. Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là điều kiện tiên quyết để phục hồi, phát triển kinh tế. Một mặt, vừa phát huy các thế mạnh, các nền tảng, các điều kiện thuận lợi cho phát triển; đồng thời cũng phải lưu ý đến xử lý, chuyển hóa các “chướng ngại vật”, các “điểm nghẽn” có thể kéo lùi hoặc làm chậm sự phát triển của thành phố.

Cần gói giải pháp phi tiền tệ

Đâu là “chướng ngại vật”, là “điểm nghẽn” lớn của TPHCM? Ông có thể gợi mở cách vượt qua các rào cản đó?

Điểm yếu nội tại của TPHCM là hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ở trình độ cao. Thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn như kẹt xe, ngập nước, quá tải bệnh viện, trường học… Ngoài các điểm nghẽn trên, TPHCM còn đối diện điểm nghẽn sâu xa về thể chế, thiếu cơ chế phân cấp, ủy quyền để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh và phát huy thế mạnh của thành phố. Thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp và cản trở thu hút đầu tư vào thành phố.

Tôi cho rằng có 3 nội dung quan trọng TPHCM cần chú trọng thực hiện từ nay đến cuối năm 2022. Thành phố cần chủ động đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM theo hướng hoặc là “nối dài” thêm 2 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội với cơ chế thoáng hơn, mạnh hơn, bù lại khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hoặc đề xuất Luật Đô thị đặc biệt cho TPHCM, giúp thành phố bứt phá. Đồng thời, đề xuất Trung ương có cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức - thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước, để Khu đô thị tương tác cao phía Đông TPHCM phát triển đúng tiềm năng.

Ngoài ra, hiện nay các dự án “treo”, chậm triển khai đang trở thành một tảng băng tồn đọng ngáng trở sự phát triển. Nếu tháo gỡ được các tồn đọng của các dự án thì TPHCM có thêm điều kiện bứt tốc phát triển.

TPHCM rất cần có thêm các khu nhà lưu trú, nhà trọ đảm bảo quy chuẩn phục vụ công nhân, người lao động. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG.

Sự đồng hành của DN có vai trò rất lớn đối với sự phục hồi và phát triển thành phố. TPHCM cũng đã xác định trọng tâm trong năm nay sẽ đồng hành cùng DN. Ông đánh giá điều thiết thực nhất trong đồng hành với DN là gì?

Sau cơn “bạo bệnh” vì Covid-19, các DN cần được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, thủ tục đầu tư, kết nối mở rộng thị trường… Các sở, ngành của TPHCM nên hướng dẫn cụ thể, giúp các DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ miễn, giảm, giãn thuế, phí mà Chính phủ vừa ban hành; kết nối cung - cầu vốn giữa ngân hàng và DN, giúp DN tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội…
Đặc biệt, thủ tục hành chính phức tạp chính là rào cản trong phát triển. Nếu người dân, DN còn phải mất thời gian, tốn “chi phí chìm” lo “đối phó” với thủ tục “hành là chính” thì sẽ giảm hứng khởi trong sản xuất kinh doanh, thậm chí không còn tinh thần để sáng tạo, cống hiến. TPHCM cần thực sự tạo chuyển biến trong cải cách hành chính, xây dựng cung cách phục vụ người dân và DN một cách văn minh, cởi mở, thông thoáng nhất. Đây chính là gói giải pháp phi tiền tệ đặc biệt cần thiết đối với người dân, DN, qua đó giúp tháo mở, khơi thông và quy tụ các nguồn lực trong xã hội hòa nhịp cùng sự phát triển của thành phố.

Năm 2022, thành phố chú trọng phát triển nhà ở giá rẻ cho người có thu nhập thấp. Bằng cách nào để có thể có nhà ở giá rẻ ở một siêu đô thị như TPHCM, thưa ông?

Song hành với phát triển kinh tế là đảm bảo an sinh xã hội. Dịch Covid-19 đã phơi bày bức tranh có nhiều gam màu tối về nhà ở của công nhân, người lao động. Giờ đây, trong hành trình phục hồi, câu chuyện về nhà ở là vấn đề không thể không làm đối với nơi có đông công nhân, người lao động như TPHCM.

Hiện nay, rất đông người lao động đang thuê trọ. TPHCM cần gia tăng các chính sách cho vay để nâng cấp, cải thiện các khu nhà trọ. TPHCM nên có các cơ chế, chính sách hỗ trợ lãi suất, thủ tục để DN có thể xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Khác với các nơi khác, mặt bằng nhà đất ở TPHCM rất đắt đỏ, người lao động có thể không mua được nhưng hoàn toàn thuê được. Vì thế, thành phố cần mở rộng hình thức cho thuê hơn là đi vào các chính sách mua bán. Làm sao để công nhân, người lao động có nơi ở chất lượng khang trang tử tế với giá cả phù hợp như thuê trọ. Như vậy, người lao động sẽ an tâm sinh sống, làm việc, đóng góp vào sự phát triển của TPHCM.

Trong phân cấp, ủy quyền, góp phần giải quyết bài toán nhà ở cho người lao động, Trung ương cần phân cấp cho TPHCM xem xét, quyết định điều chỉnh dự án xây dựng nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà phục vụ tái định cư; điều chỉnh cơ cấu diện tích sàn xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đối với các dự án nhà ở trên 500 căn.
Đối với siêu đô thị như TPHCM, thực tế hàng ngày có rất nhiều vấn đề liên quan đến trật tự an toàn xã hội. TPHCM cần được phân cấp, quy định các hành vi vi phạm hành chính và biện pháp xử lý tương ứng đối với những hành vi chưa phù hợp, xâm phạm trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN

Nguồn https://www.sggp.org.vn/tphcm-sang-tao-va-but-toc-phat-trien-bai-3-tphcm-hoan-toan-co-the-tang-truong-hinh-chu-v-797101.html