Bình ổn thị trường Tết tại TP Hồ Chí Minh: Cung ứng chủ động, giữ vững chất lượng

Bình ổn thị trường Tết tại TP Hồ Chí Minh: Cung ứng chủ động, giữ vững chất lượng

Chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, TP Hồ Chí Minh đã chủ động nguồn hàng hóa với số lượng lớn, đồng thời mở rộng hoạt động bình ổn thị trường và tăng cường kết nối với nhiều địa phương để bảo đảm nguồn cung dồi dào. Bên cạnh những chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất, dự trữ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hàng hóa cung ứng tăng 5-10%

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các xưởng sản xuất, khu vực chế biến của Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) càng trở nên tất bật, khẩn trương hơn. Người lao động tập trung nâng cao năng suất, bảo đảm cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022) và 3.800 tấn thực phẩm chế biến. Công ty đã chủ động dự trữ nguyên vật liệu từ rất sớm để sản xuất kịp tiến độ đáp ứng cho hơn 120.000 điểm bán hàng chế biến trên cả nước và khoảng 800 điểm bán hàng tươi sống tại thị trường TP Hồ Chí Minh.

Ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc VISSAN cho biết, đơn vị bảo đảm cung ứng hàng hóa Tết Giáp Thìn với tổng trị giá hơn 540 tỷ đồng. Do đặc thù ngành hàng tươi sống và hàng chế biến có thời gian sử dụng ngắn nên cao điểm làm việc của Công ty tập trung thời gian giáp Tết và công nhân làm việc liên tục. Với vai trò là doanh nghiệp bình ổn thị trường, Công ty dự trữ thêm từ 10 đến 20% sản lượng hàng hóa để dự phòng các trường hợp khan hiếm hàng hóa đột biến của thị trường Tết.

 Người tiêu dùng tham quan, mua sắm hàng hóa tại hệ thống bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh.

Ở góc độ phân phối, các nhà bán lẻ hiện tại cũng đang tập trung kết nối, dự trữ hàng hóa đáp ứng sức mua tăng cao của người tiêu dùng. Triển khai kế hoạch bảo đảm hàng hóa Tết Giáp Thìn từ rất sớm, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã dự trữ nguồn hàng bình ổn thị trường trị giá 10.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart kiêm Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết, hệ thống bán lẻ của đơn vị kỳ vọng sức mua và lượt khách trong Tết năm nay tăng 20-30% so với các tháng trong năm. 

Trong khi đó, hệ thống bán lẻ của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cũng bảo đảm nguồn hàng hóa Tết dồi dào với cơ cấu hàng Việt Nam chiếm hơn 95%. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Central Retail tại Việt Nam cho biết: "Đơn vị đã hoạch định số lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tuần trước Tết, chúng tôi cam kết sẽ giữ giá cố định như đã niêm yết đối với hơn 10.000 sản phẩm thiết yếu". 

Bà Phạm Thị Vân, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn-TNHH MTV (SATRA) thông tin, lượng dự trữ hàng hóa bình ổn của SATRA tăng trung bình 10%. Các hệ thống bán lẻ thuộc SATRA đã dành hơn 550 tỷ đồng để dự trữ những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho mùa Tết, nhất là hàng thực phẩm tươi sống và đồ uống.

Để chuẩn bị cho nguồn hàng phục vụ thị trường Tết, các đơn vị, doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam đã chuẩn bị kế hoạch, ngân sách bằng hoặc cao hơn năm trước 5-10%. Lần đầu tiên, TP Hồ Chí Minh phối hợp triển khai bình ổn thị trường theo quy chế với 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán và là đầu mối của nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến phân phối.

Theo đó, doanh nghiệp tham gia trên cơ sở đồng thuận, đồng hành và tuân thủ nghiêm các quy định của chương trình, góp phần ổn định giá cả trong một tháng trước Tết và một tháng sau Tết. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết cùng với triển khai chương trình bán hàng lưu động.

 Sản xuất thực phẩm chế biến phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn tại Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản. 

Tăng cường kết nối, bảo đảm chất lượng, an toàn

Đến thời điểm này, 48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi tại TP Hồ Chí Minh đã chủ động ký kết hợp đồng thu mua hàng hóa với nhà cung cấp. Những ngày cận Tết, các đơn vị sẽ tăng lượng hàng hóa từ 2 đến 3 lần so với ngày thường và kéo giãn thời gian hoạt động để bảo đảm nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng.

 Trước thềm Tết Nguyên đán, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công nhiều hội nghị, sự kiện kết nối cung-cầu với gần 50 tỉnh, thành phố trên cả nước cùng hơn 1.000 nhà cung cấp để bảo đảm hàng hóa, nhất là hàng đặc sản các vùng, miền dịp Tết sẽ đến tay người tiêu dùng. Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng nền tảng ketnoicungcau.vn, thực hiện kết nối trực tuyến 24/7 để hỗ trợ người dân mua sắm thuận lợi hơn.

Với Chương trình “Đến Co.op chở Tết về”, ông Lê Trường Sơn, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, từ giữa tháng 12-2023, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã giảm giá trực tiếp 50-100% cho hơn 10.000 sản phẩm Tết để giảm áp lực mua sắm cho người tiêu dùng. Saigon Co.op cũng dành nhiều ưu đãi cho người lao động thu nhập thấp như ưu tiên mua hàng giảm giá hay tổ chức hơn 250 chuyến bán hàng lưu động đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng ngoại thành. 

Để bảo đảm công tác an toàn thực phẩm dịp Tết, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức hơn 10 đoàn công tác liên ngành, vừa đẩy mạnh truyền thông sử dụng hàng hóa Tết bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, vừa kiểm tra hàng hóa trên địa bàn.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, Cục Quản lý thị trường cùng với Sở An toàn thực phẩm thành phố phối hợp tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa cũng như ngăn chặn hàng gian, hàng giả; theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, chủ động phương án hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp bảo đảm cân đối cung-cầu, ổn định thị trường dịp Tết. 

Hiện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai theo dõi 3 chợ đầu mối và hơn 220 chợ truyền thống về số lượng hàng hóa xuất-nhập, tình hình giá cả, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng để bảo đảm hoạt động của các chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh kiểm tra, kiểm soát tốt thị trường hàng hóa phục vụ Tết, theo đồng chí Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, các cơ quan, ngành chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ với hệ thống phân phối trên địa bàn để vận động chiết khấu ưu đãi giúp giảm áp lực tăng giá, nhất là sản phẩm thiết yếu.

Ngành công thương kêu gọi sự chung tay vào cuộc của các đơn vị, doanh nghiệp, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mại tập trung và tổ chức các hội chợ, phiên chợ xuân cấp quận, huyện đến cấp thành phố để tạo thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm Tết.

TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn với tổng giá trị hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó, hơn 8.500 tỷ đồng là hàng hóa bình ổn thị trường. Các mặt hàng bình ổn thị trường sẽ giữ thị phần từ 25 đến 43%, giúp người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng với mức giá ổn định trong dịp cao điểm mua sắm Tết.