Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trước xu hướng phi toàn cầu hoá trỗi dậy mạnh mẽ
Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trước xu hướng phi toàn cầu hoá trỗi dậy mạnh mẽ
Trước xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ, công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu; kết nối tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI; thâm nhập vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.
Gian hàng Vinamilk tại một hội chợ ở nước ngoài. Ảnh minh hoạ
Xúc tiến thương mại theo chuyên đề
Năm 2023, sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đã lên mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là với nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta. Kết quả phát triển thời gian tới của Việt Nam cũng phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại với một số hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại theo hướng kịp thời đổi mới, đa dạng hóa phương thức xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại... qua đó đã hỗ trợ thiết thực có hiệu quả cho các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương.
Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023 đã được Bộ Công Thương phê duyệt gồm 113 đề án với tổng kinh phí thực hiện là 136 tỷ đồng (84 đề án nội dung phát triển ngoại thương, 37 đề án nội dung phát triển thị trường trong nước). Đến nay, các đơn vị chủ trì chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã triển khai được 25 đề án theo đúng kế hoạch gồm các đề án tham gia Hội chợ triển lãm quốc tế, tổ chức đoàn giao thương tại thị trường nước ngoài, tổ chức hội nghị quốc tế ngành hàng, tổ chức hội chợ vùng, tổ chức hội nghị kết nối giao thương, xây dựng và phát triển thông tin ngành hàng, hỗ trợ khoảng hơn 1.000 lượt doanh nghiệp tham gia...
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về việc tăng cường cung cấp thông tin, tư vấn thông tin thị trường xuất nhập khẩu cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các địa phương, từ tháng 7 năm 2022 đến hết 6 tháng đầu năm 2023, Cục Xúc tiến thương mại đã làm đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các Thương vụ và các đơn vị liên quan trong Bộ thực hiện các Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài vào cuối mỗi tháng.
Trong nửa đầu năm 2023, 6 Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã được thực hiện theo các chuyên đề tổng hợp về thị trường toàn cầu, các chuyên đề chuyên sâu theo nhóm thị trường Châu Phi - Trung Đông, Châu Á - Thái Bình Dương và theo nhóm ngành hàng xuất khẩu.
Tại các hội nghị, các Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài đã cung cấp gần 300 báo cáo và tham gia gần 50 tham luận thông tin cập nhật về tình hình thị trường sở tại, đánh giá các cơ hội cũng như những rủi ro, thách thức đối với hoạt động xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại với Việt Nam, định hướng xu hướng phát triển xuất khẩu mới, đồng thời đề xuất nhiều biện pháp thiết thực, hữu ích góp phần cải thiện thương mại Việt Nam với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nước ngoài trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm.
Mỗi tháng là một chủ đề phù hợp với nhu cầu của thị trường và yêu cầu của doanh nghiệp. Hội nghị giao ban tháng 1/2023 có 2 phiên chính: Phiên 1 dành cho đại diện các Thương vụ Việt Nam thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây. Phiên 2 dành cho đại diện Hiệp hội; Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu với các thị trường nước ngoài của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Hội nghị giao ban tháng 2/2023 với chủ đề “Cơ hội xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Phi”. Hội nghị giao ban tháng 3/2023 gồm 2 phiên chính: Phiên 1 cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; một số quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Phiên 2 thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường Trung Quốc của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp dành cho đại diện các Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, Rau quả Việt Nam, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản.
v.v…
Tại các hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tính tương tác giữa thương vụ và địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trong các phiên thông tin, thảo luận. Bộ trưởng yêu cầu các thương vụ sẵn sàng cung cấp cho doanh nghiệp, hiệp hội các thông tin cập nhật chính sách và những khuyến nghị thiết thực. Trong đó, yêu cầu mỗi thương vụ phải thường xuyên nắm bắt diễn biến chính sách của nước sở tại, kể cả chính sách thị trường khu vực, từ đó đề xuất phản ứng chính sách phù hợp ở cả cấp quốc gia và doanh nghiệp.
Cuối mỗi Hội nghị giao ban thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2023, căn cứ chỉ đạo kết luận của Lãnh đạo Bộ chủ trì Hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại tổng hợp các nhóm nhiệm vụ đặt ra trong tháng/quý với từng Thương vụ/thị trường cũng như các đơn vị trong Bộ nhằm giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp về nhu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thông qua các Hội nghị này, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã đưa ra 24 nhóm nhiệm vụ yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần ưu tiên tập trung giải quyết để nhanh chóng tận dụng các cơ hội thị trường, hạn chế khó khăn, thách thức để tối ưu hóa hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu.
Trên cơ sở bám sát các yêu cầu, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Cục Xúc tiến thương mại, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các Vụ, Cục liên quan thuộc Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, Hiệp hội ngành hàng thực hiện hàng loạt các hoạt động cung cấp thông tin thông qua các hội nghị, hội thảo, chương trình đào tạo, tập huấn, xúc tiến mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu thông qua các kênh hội chợ triển lãm truyền thống, đoàn giao dịch thương mại và đầu tư nước ngoài, các kênh thương mại điện tử… cho đa dạng các mặt hàng tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam; đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp ứng phó phù hợp cũng như những biện pháp nhằm hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp khắc phục khó khăn, song song với việc tận dụng hiệu quả hơn nữa các cơ hội thị trường nước ngoài.
Kết nối giao thương
Ngoài ra, trong khung khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023 có 14 đề án kết nối giao thương trực tiếp giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu, xúc tiến thương mại qua môi trường mạng (tổ chức, tham gia chuỗi hội nghị kết nối giao thương trên nền tảng số, giới thiệu hàng hóa xuất khẩu trên các sàn thương mại điện tử) nhằm tăng cường kết nối cung cầu bằng phương thức truyền thống và phương thức mới, qua đó tăng cường cơ hội cho các nhà xuất khẩu - nhập khẩu của Việt Nam được kết nối với các nhà cung cấp, nhà xuất – nhập khẩu quốc tế, gia tăng cơ hội hợp tác, đa dạng hóa mặt hàng và thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp từng bước tham gia vào các khâu trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhằm đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, nhà cung cấp địa phương duy trì sản xuất kinh doanh, hướng tới xuất khẩu trong tình hình mới, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến của địa phương tổ chức Chương trình kết nối nhà cung ứng địa phương với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại với quy mô lớn tại 3 vùng miền Bắc, Trung, Nam với mục tiêu: (i) Kết nối doanh nghiệp với các cơ quan đại diện, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam, từ đó, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng lưới phân phối nước ngoài; (ii) Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà phân phối của các địa phương gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường, thúc đẩy sản xuất, kết nối cung cầu hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối, phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân và đẩy mạnh xuất khẩu.
Bộ Công Thương cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu mục tiêu quan trọng và một số thị trường mới còn nhiều dư địa khai thác cho các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp; Thường xuyên tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp với các nội dung đa dạng như: các vấn đề tiếp cận và phát triển thị trường, quảng bá thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác,…
Tận dụng cam kết trong các FTAs
Trong thời gian tới, tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đồng thời, xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ; chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Từ đó, dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM) của EU; Mỹ nâng cao và gắn các tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ...với thương mại).
Do đó, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các Hiệp định; đẩy mạnh đàm phán, ký kết và thực hiện các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, trước mắt với Israel và UAE; mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam thông qua công tác xúc tiến thương mại, công tác Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phát triển thương mại điện tử; tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.
Nguồn Tác giả Đoàn Trọng Lâm - Tạp chí Công thương điện tử