Sản lượng tăng, thịt cá dồi dào không lo thiếu thực phẩm dịp Tết

Sản lượng tăng, thịt cá dồi dào không lo thiếu thực phẩm dịp Tết

Với sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%, dự báo nguồn cung thực phẩm Tết Nguyên đán 2024 rất dồi dào.

 Các siêu thị đã sẵn sàng hàng hóa, thực phẩm phục vụ người dân mua sắm Tết. Ảnh: Vũ Long

Chia sẻ với Lao Động sáng 11.1.2024, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT) cho hay: Sản lượng thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán 2024 rất dồi dào, sẽ không lo thiếu dù nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết tăng vọt.

“Với sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%, dự báo nguồn cung thực phẩm Tết Nguyên đán 2024 rất dồi dào” - ông Dương Tất Thắng thông tin.

Theo Bộ NNPTNT, đến thời điểm này, tổng đàn bò tăng khoảng 0,5%; đàn lợn tăng khoảng 4,2%; đàn gia cầm tăng khoảng 3,3% so với cùng kỳ năm 2022.

 Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đi kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa, thực phẩm Tết tại Đắk Nông. Ảnh: Thủy Thủy

Hiện nay, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 120,4 nghìn tấn, tăng 0,2%; thịt bò hơi đạt khoảng 493,2 nghìn tấn, tăng 2,5%; thịt lợn hơi đạt trên 4.865 nghìn tấn, tăng 7,2%; sản lượng thịt gia cầm hơi ước đạt 2.308,7 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh thịt gia súc, gia cầm, sản lượng sữa tươi đạt 1,17 triệu tấn, tăng 3,6%; trứng 19,2 tỉ quả, tăng 5,2%; sản lượng thủy sản ước đạt 9.312,3 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá ước đạt 6.612,6 nghìn tấn, tăng 1,8%, tôm ước đạt 1.356,1 nghìn tấn, tăng 5%...

Đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nông sản để kích thích sản xuất

Về thị trường Tết 2024, Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam dự báo người tiêu dùng sẽ không chi tiêu nhiều mà có xu hướng mua sắm cầm chừng, kể cả trong thời gian cao điểm Tết. Chính vì vậy, Bộ Công Thương cùng nhiều địa phương và doanh nghiệp đang đẩy mạnh các giải pháp để kích thích tiêu dùng, không để ứ đọng, tồn hàng sau Tết, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản dễ bị thối, hỏng, không bảo quản được lâu.

Chia sẻ với Lao Động, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng thẳng thắn nêu ý kiến: Không lo thiếu hàng hóa phục vụ Tết, ngược lại, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản... trong năm 2023 rất dồi dào, nếu không kích cầu thì có thể ùn ứ nguồn cung, không khơi thông được hoạt động sản xuất trong nước.

"UBND TP Hà Nội đã và đang xem xét, cấp phép cho 192 xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xăng dầu hoạt động 24/24h trong khu vực nội thành để đảm bảo lưu thông thông suốt hàng hóa phục vụ nhân dân trong dịp Tết; đồng thời thông tin về 1.187 địa điểm của các đơn vị phân phối đăng ký mở cửa bán hàng trở lại phục vụ nhân dân từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 Tết, đảm bảo lưu thông hàng hóa, kích thích sản xuất sau năm mới” - bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, năm nay, do điều kiện kinh tế của thế giới và trong nước còn gặp rất nhiều khó khăn, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu và chỉ mua sắm các mặt hàng thiết yếu. Do đó, để kích cầu tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu cho thành phố ban hành các chương trình khuyến mại tập trung, kích thích người tiêu dùng “mở hầu bao” mua sắm để kích thích hoạt động sản xuất - tiêu dùng.

Còn theo Sở Công Thương TPHCM, đến thời điểm này, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố đã ký kết hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết. Những ngày cận Tết, các đơn vị sẵn sàng phương án tăng lượng hàng từ 2-3 lần so với ngày thường; đồng thời có phương án kéo giãn thời gian hoạt động để đảm bảo nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng.

Từ ngày 20-27 tháng chạp âm lịch: Mở cửa từ 7h-23h; Từ ngày 28-29 tháng chạp âm lịch: Mở cửa từ 6h-24h. Ngày 30 Tết: Mở cửa từ 6h-12h. Khai trương năm mới từ 8h sáng mùng 2 Tết. Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết: Mở cửa từ 8h-12h. Từ mùng 6 Tết: Toàn hệ thống hoạt động kinh doanh bình thường.