TPHCM: Khai mạc Lễ hội Tết Việt 2024

TPHCM: Khai mạc Lễ hội Tết Việt 2024


Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Dũng đánh trống khai mạc lễ hội

(Thanhuytphcm.vn) – Tối 18/1, Lễ hội Tết Việt 2024 do Sở Du lịch, Sở Công thương TPHCM và Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam phối hợp tổ chức đã khai mạc tại Công viên Lê Văn Tám (Quận 1).

Tham dự Lễ khai mạc có Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cùng lãnh đạo sở, ban ngành TP.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho rằng, với chủ đề “Tết Việt, Tết cổ truyền dân tộc - Tôn vinh truyền thống, kiến tạo tương lai” và 5 nhóm hoạt động chính “Xem Tết - Chơi Tết - Du Tết - Ăn Tết - Chợ Tết” của Lễ hội Tết Việt Xuân Giáp Thìn, đặc biệt là các chương trình tái hiện hoạt động truyền thống ngày Tết giúp người dân và du khách trải nghiệm các giá trị văn hoá Tết 3 miền.

Bên cạnh đó, hoạt động liên kết sản phẩm các vùng miền phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân và các hoạt động chung tay chia sẻ yêu thương, chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em cơ nhỡ, hứa hẹn sẽ mang đến ý nghĩa trọn vẹn cho Lễ hội – vừa phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm của người dân và du khách, vừa kích cầu du lịch và tiêu dùng, vừa chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng.

“Ý nghĩa này sẽ là điểm sáng trong hành trình xây dựng Lễ hội Tết Việt trở thành sự kiện du lịch - văn hoá thường niên của TPHCM, xây dựng TPHCM trở thành điểm đến sống động - hấp dẫn – tràn đầy hứng khởi, góp phần định vị thương hiệu du lịch TPHCM” – đồng chí Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.

Trong 4 ngày diễn ra lễ hội, bên cạnh các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại, nhiều nghi thức ngày Tết của dân tộc cũng sẽ được tái hiện một cách hấp dẫn, thu hút, như: biểu diễn âm nhạc đầu xuân, lễ dựng cây nêu, lễ cúng tổ tiên, lễ đón giao thừa,…

 Trình diễn bộ sưu tập áo dài Tết ba miền tại chương trình khai mạc

Không chỉ tái hiện các mỹ tục cổ truyền ngày Tết của dân tộc mà Lễ hội Tết Việt 2024 còn tôn vinh các giá trị văn hóa, ẩm thực đặc trưng của Việt Nam. Ngay cổng chính lễ hội, 3 ngôi nhà Việt được phục dựng, bài trí bàn thờ gia tiên cùng mâm cỗ ngày Tết của 3 miền Bắc - Trung - Nam, với 121 món ăn do các nghệ nhân thực hiện. Ngoài ra, tại sự kiện, người dân và du khách còn được chiêm ngưỡng, thưởng thức mâm cỗ được thực hiện bởi các đơn vị được cẩm nang ẩm thực Michelin đề xuất.

Với chủ đề “Tết Việt xưa và nay”, sự kiện mở cửa tự do chào đón công chúng tham quan, trải nghiệm nhiều hoạt động tái hiện các mỹ tục cổ truyền ngày Tết của dân tộc. Trong 4 ngày diễn ra (18/1 - 21/1), Lễ hội dự kiến sẽ thu hút trên 80.000 lượt khách đến vui chơi, thưởng thức. Ngoài ra, tại đây cũng sẽ có nhiều hoạt động thiện nguyện, chăm lo Tết cho các người dân khó khăn, bệnh nhân nghèo. Đặc biệt, chương trình sẽ tiếp đón 200 em nhỏ cơ nhỡ từ các mái ấm tình thương đến tham quan, vui chơi tại lễ hội…

Sự kiện khai mạc, có phần trình diễn bộ sưu tập áo dài Tết ba miền, qua đó giới thiệu tới du khách những nét đặc trưng của văn hóa từng vùng miền qua mỗi bộ trang phục như họa tiết rồng mây uốn lượn của triều Lý ở miền Bắc, họa tiết cung đình thêu tay kỳ công lấy cảm hứng từ chiếc áo Nhật Bình triều Nguyễn ở miền Trung, chiếc áo bà ba cách điệu kết hợp cùng tà áo dài mềm mại với họa tiết hoa sen và vân mây đặc trưng của miền Nam.