Việt Nam vẫn giữ vị thế nhất định về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Việt Nam vẫn giữ vị thế nhất định về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

(TBTCO) - Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, để thực hiện thành công các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 02, cần sự nỗ lực của cả phía Chính phủ và doanh nghiệp.

Dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát khiến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
có những hạn chế nhất định.

PV: Ông đánh giá thế nào về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Trước dịch Covid-19, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ đã có những bước tiến rất đáng kể, cải thiện tương đối nhanh và được cộng đồng doanh nghiệp cũng như các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Ông Nguyễn Văn Toàn

Trong thời kỳ dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là năm 2021 khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát khiến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có những hạn chế nhất định do phải tập trung nỗ lực chống dịch. Tuy nhiên, Việt Nam không bị tụt hậu nhiều. Những chỉ số đánh giá của Việt Nam có bị giảm hơn, tức là không tăng trưởng, không nâng hạng được như những năm trước dịch Covid-19, nhưng nhìn chung Việt Nam vẫn có những cải tiến tốt và vẫn giữ được những vị thế nhất định trong khu vực và trên thế giới.

PV: Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 năm 2022, với 10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Ông có bình luận gì về sự quyết tâm của Chính phủ tới vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Sang năm 2022, Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế khi đã gần như vượt qua được đại dịch và đang ở giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết 02 của Chính phủ theo tôi là rất phù hợp và kịp thời, bởi vì phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì mới phục hồi và phát triển toàn diện và vững chắc được. Do vậy, thời điểm ra Nghị quyết 02 vào tháng 1/2022 là rất hợp lý và nghị quyết đã nhấn mạnh những hành động phải làm tiếp theo để cải thiện môi trường kinh doanh bên cạnh việc khôi phục và phát triển kinh tế. Điều quan trọng là làm sao vận hành được những mục tiêu này.

Một điều hết sức quan trọng nữa là chúng ta đã có những nghị quyết về phát triển công nghệ số, xã hội số, chính phủ số, doanh nghiệp số, sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển môi trường đầu tư kinh doanh rất tốt. Bởi khi thực hiện chính phủ số, doanh nghiệp số, xã hội số thì tính minh bạch sẽ rất cao và việc quản lý cũng sẽ thuận lợi hơn, tiết kiệm hơn.

PV: Ông nhận xét thế nào về những nỗ lực của Bộ Tài chính trong góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Bộ Tài chính là một trong những bộ đi đầu trong cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin. Đây không chỉ là đánh giá riêng của cá nhân tôi mà điều này đã được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp công nhận khi nhiều năm liền. Bộ Tài chính cùng với Ngân hàng Nhà nước luôn đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính.

Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã cho ra mắt Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và ứng dụng nộp thuế điện tử Etax-mobile. Đây là một dấu mốc mà tôi đánh giá rất cao, là công cụ hết sức đắc lực trong cải cách hành chính của Bộ Tài chính, giúp tiết kiệm các chi phí cho cả doanh nghiệp lẫn nhà quản lý, tạo tính minh bạch và sự công bằng cho những người có hoạt động đầu tư kinh doanh và đóng thuế tại Việt Nam. Rõ ràng, đây là một tiến bộ quan trọng của Bộ Tài chính đóng góp cho việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

PV: Các nhiệm vụ cũng như giải pháp trọng tâm để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được nêu rõ trong Nghị quyết 02. Vậy, theo ông, để thực hiện thành công Nghị quyết 02 thì điều quan trọng cần lưu ý là gì?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Tôi cho rằng, điều này cần cả nỗ lực của Chính phủ và phía doanh nghiệp chứ không chỉ đơn phương một phía. Đối với Chính phủ, theo tôi, điều quan trọng là các cơ quan của Chính phủ phải nâng cao năng lực quản lý, điều hành. Chúng ta đã có chương trình hành động, có luật, có tất cả các giải pháp rồi, vấn đề này điều hành và quản lý như thế nào để thực hiện được hiệu quả. Trong quá trình quản lý điều hành cũng cần phải có những điều chỉnh làm sao cho phù hợp với thực tế và cuộc sống. Vì vậy, cần nâng cao năng lực và đạo đức của người thi hành công vụ, công chức thực thi quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp. Vấn đề tham nhũng, minh bạch cần tiếp tục được cải thiện.

Còn đối với doanh nghiệp thì các doanh nghiệp phải hiểu được về pháp luật, về những việc được làm và đâu là trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, phải nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp thì mới có thể phát triển được. Tự bản thân doanh nghiệp phải có sự chuyển đổi phát triển phù hợp với môi trường đầu tư kinh doanh và qua đó mới tận dụng được môi trường đầu tư kinh doanh trong sản xuất và phát triển của mình.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn https://thoibaotaichinhvietnam.vn/viet-nam-van-giu-vi-the-nhat-dinh-ve-cai-thien-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-102507.html