Đẩy mạnh chuỗi công nghiệp công nghệ cao
Đẩy mạnh chuỗi công nghiệp công nghệ cao
Nhiều khu công nghiệp công nghệ cao đã được hình thành với những dây chuyền sản xuất hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Quả ngọt từ công nghiệp công nghệ cao
Là doanh nghiệp sản xuất máy đọc mã vạch có 100% vốn đầu tư nước ngoài, thời gian qua công ty TNHH Datalogic Việt Nam nằm trong Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung và đầu tư dây chuyền sản xuất tự động hóa và ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất. Hiện nay Datalogic Việt Nam đang sản xuất 75-80% tổng sản phẩm máy đọc mã vạch của cả tập đoàn. Các sản phẩm của Datalogic Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ, châu Á…. Trong đó, châu Âu chiếm 45%, châu Mỹ từ 30 – 35%...
Ông Trần Tiến Phát, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Datalogic Việt Nam cho biết, hiện nay khoảng 80% dây chuyền sản xuất trong nhà máy đã được tự động hóa. Điển hình là hệ thống phân công tự động đã giúp công ty tối ưu hóa nguồn lao động. Theo đại diện công ty hiện nay tất cả dữ liệu phân công công việc cho công nhân đều được phần mềm trí tuệ nhân tạo lập trình hàng ngày thay vì phân công thủ công như trước đây. "Khi chưa áp dụng hệ thống này, ít nhất cần 50 chuyền trưởng để phân công công việc cho công nhân, giờ thì không cần nữa, hệ thống tự động quản lý và rà soát một cách chính xác thay cho con người", ông Trần Tiến Phát chia sẻ.
Nhờ đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ cao, hệ thống quản lý chặt chẽ, nên sản phẩm của công ty bảo đảm tính chuẩn xác, giảm sai số.
Nhiều chuỗi công nghiệp công nghệ cao đã được hình thành trong thời gian qua
Hay như tại Công ty Cổ phần May Nam Hà, sau 6 tháng triển khai dự án cải tiến Kaizen, Công ty đã giảm tỷ lệ hàng sai lỗi từ 8,8% xuống còn 8,1%, giảm 25% hàng tồn trên chuyền, hàng tồn so với năng lực sản suất giảm từ trung bình 2,37 ngày xuống còn 1,34 ngày, sản lượng bình quân ngày tăng từ 415 sản phẩm lên 899 sản phẩm.
Tính đến nay, Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh có 165 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư tương đương 8,6 tỷ USD. Năm 2021, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh đạt 22,5 tỷ USD và lũy kế đến đầu năm nay đạt gần 108 tỷ USD.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao
Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới công nghệ ngày càng cao, tuy nhiên trên thực tế, công nghiệp công nghệ cao vẫn chưa phát triển tương xứng với kỳ vọng đặt ra. Phần lớn các khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc mô hình hỗn hợp, đa ngành, đặc biệt các doanh nghiệp hầu như không có những mắt xích liên kết với nhau về kinh tế.
Trước thực trạng này, các địa phương đã chủ động đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao. Điển hình như tại TP. Hồ Chí Minh đã xúc tiến chủ trương phát triển những cụm công nghiệp ngành trọng điểm ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh cả thị trường trong và ngoài nước.
PGS, TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong chiến lược thu hút đầu tư, Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Cụ thể, tập trung ưu tiên thu hút với bốn mũi nhọn: Vi điện tử - công nghệ thông tin - viễn thông; cơ khí chính xác - tự động hóa; công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; năng lượng mới - vật liệu mới - công nghệ nano.
Dự kiến tổng vốn thu hút đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD với hơn 50 dự án công nghệ cao. Tổng giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của các doanh nghiệp trong nước giai đoạn 2021 - 2025 tăng gấp 2 lần giai đoạn 5 năm trước, đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 30 tỷ USD giá trị xuất khẩu.
Thống kê thực trạng phát triển công nghiệp công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, bên cạnh 17 khu chế xuất - khu công nghiệp hiện hữu thì có hai nhóm khu công nghiệp nên được nghiên cứu thu hút công nghiệp công nghệ cao. Trong đó, nhóm khu công nghiệp mới hình thành và đang thu hút đầu tư gồm: Khu công nghiệp Tân Phú Trung, An Hạ, Cơ khí ô tô, Lê Minh Xuân 3. Trong thời gian tới, các khu công nghiệp tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và thực hiện thu hút các nhà đầu tư công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.
Còn nhóm các khu công nghiệp đã thành lập nhưng chưa triển khai như Lê Minh Xuân 2, Phong Phú, Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng. Đáng chú ý, Khu công nghiệp Phạm Văn Hai có diện tích 668 ha đang được TP. Hồ Chí Minh trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào Quy hoạch các khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh.
Theo các chuyên gia, để đầu tư hiệu quả và phát triển thành công khu công nghiệp này, thành phố cần xác định các nhóm doanh nghiệp mục tiêu cần thu hút để có kế hoạch đầu tư, chương trình hoạt động phù hợp. Cùng với đó, xác định các ngành sản xuất ưu tiên thu hút đầu tư để từ đó xác định các giá trị, lợi ích vượt trội của mô hình khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao đem lại cho nhóm doanh nghiệp này.
Nguồn https://congthuong.vn/day-manh-chuoi-cong-nghiep-cong-nghe-cao-177561.html