Đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường RCEP
Đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường RCEP
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường RCEP nhiều tiềm năng nhưng đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp cần được hỗ trợ từ các bộ, ngành.
RCEP tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng cũng rất nhiều áp lực trong xuất khẩu. Ảnh: TL
Tiềm năng xuất khẩu vào thị trường RCEP
Theo ước tính, tổng các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới sẽ tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỉ người, tương đương 26.200 tỉ USD, tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Đặc biệt, Hiệp định RCEP có hiệu lực mở ra cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực; đồng thời giúp doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là khi xuất khẩu đến các đối tác thương mại hàng đầu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới, trong đó xuất khẩu sang các nước thành viên Hiệp định RCEP (chiếm 63,5% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam) bao gồm ASEAN (6,7%) và Hàn Quốc (9,2%) ổn định, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc (16,5%) tăng trưởng mạnh nhất, xuất khẩu sang Nhật Bản (16,8%) cũng duy trì tăng trưởng khả quan.
Thành tựu trong những năm qua là những dấu ấn để khẳng định vị trí của ngành thủy sản Việt Nam, sẽ là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể xâm nhập mạnh hơn vào các quốc gia thành viên của RCEP.
Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường tiềm năng nhưng nhiều cạnh tranh
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, RCEP cũng mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng thủy sản. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp thủy sản phải chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.
Nhằm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận những thông tin cập nhật về các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu thủy sản của thị trường các nước tham gia RCEP để từ đó doanh nghiệp và nhà sản xuất Việt Nam áp dụng và tuân thủ, ngày 27.5.2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại các nước RCEP tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu thủy sản sang các thị trường RCEP.
Đây là phiên tư vấn thứ 17 trong chuỗi 30 phiên tư vấn thuộc “Chương trình hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa với các thị trường nước ngoài và các cam kết quốc tế về sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức trong năm 2022.
Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho rằng, việc tham gia Phiên tư vấn xuất khẩu thủy sản sang các thị trường RCEP là cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tìm hiểu kỹ về yêu cầu thị trường, hàng rào kỹ thuật của các nước RCEP để có biện pháp xúc tiến xuất khẩu hiệu quả, bền vững với các thị trường này trong thời gian tới.
Hiệp định RCEP giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand bắt đầu đàm phán từ ngày 9.5.2013. Tháng 11.2019, các nước thành viên đã cơ bản hoàn tất đàm phán văn kiện RCEP (trừ Ấn Độ - đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định này). Ngày 15.11.2020, 15 nước thành viên RCEP (trừ Ấn Độ) đã ký kết RCEP. Đến ngày 2.11.2021, đã có 6 nước ASEAN (Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam), và 4 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN. Theo đó, Hiệp định RCEP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 với các nước này. Tiếp sau đó, RCEP lần lượt có hiệu lực với Hàn Quốc vào ngày 1.2.2022 và có hiệu lực với Malaysia từ 18.3.2022. |
Nguồn https://laodong.vn/kinh-te/day-manh-xuat-khau-thuy-san-cua-viet-nam-vao-thi-truong-rcep-1048817.ldo