Cần đơn giản hóa thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp
Cần đơn giản hóa thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp
Hà Nội - Ngày 18.9, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 diễn ra phiên thảo luận chuyên đề về “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”.
Quang cảnh hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động”. Ảnh: Lâm Hiển
Tại phiên thảo luận chuyên đề, các đại biểu đã có tham luận nhằm tìm ra các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.
Cần xác định đúng, chính xác các đối tượng cần hỗ trợ
Tại phiên thảo luận, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận: “Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội – thực trạng và một số giải pháp trong thời gian tới”.
Theo PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, đại dịch COVID-19 đã gây tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Trong bối cảnh đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhóm doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch đã được Đảng và Nhà nước triển khai liên tục và kịp thời trong thời gian qua. Trong đó, ngày 30.1.2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình…
“Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 2.9.2022, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình sơ bộ đạt 55,5 nghìn tỉ đồng, trong đó Các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.073 tỉ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 3.045 tỉ đồng cho gần 4,54 triệu lao động; giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26.8.2022 là 34.970 tỉ đồng; chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6.2022 là 7.400 tỉ đồng. Ngoài ra, gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỉ đồng” - PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê cho hay.
Theo đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, các chính sách, giải pháp đã rất chủ động, linh hoạt và kịp thời giúp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì một mặt bằng tỉ giá, lãi suất hợp lý, cơ bản ổn định so với các nước lớn và trong khu vực đang chịu nhiều biến động, qua đó giúp xu hướng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng được củng cố và phát triển tích cực.
PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê cũng đưa ra các đề xuất, giải pháp để cải thiện tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên toàn quốc.
Theo PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, cần lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về tính khả thi, dễ tiếp cận của chính sách, kể cả khi chính sách đã ban hành vẫn nên tiếp thu và có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; tăng cường thông tin, truyền thông đưa các giải pháp đến gần hơn các đối tượng cần được hỗ trợ; cần xác định đúng, chính xác các đối tượng cần hỗ trợ, tìm ra các đối tượng có khả năng dẫn dắt ngành, lĩnh vực để tập trung hỗ trợ.
Rà soát các tiêu chí liên quan tới điều kiện đánh giá các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, chỉnh sửa các tiêu chí sao cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, tránh tối đa hiện tượng các doanh nghiệp cần vốn, nhà nước có vốn hỗ trợ nhưng lại không thể giải ngân.
PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm cả thủ tục tư vấn, thành lập doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa và trong một số lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, nông thôn, dịch vụ vận tải, logistics.
PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê đưa ra đề xuất tạm dừng thanh kiểm tra doanh nghiệp, đặc biệt là thanh kiểm tra thủ tục hành chính, kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp đã được lên kế hoạch từ đầu năm (trừ trường hợp có dấu hiệu xâm phạm lợi ích nhà nước và vi phạm hình sự), để doanh nghiệp tập trung nguồn lực vào hồi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tăng cường hậu kiểm và giảm tiền kiểm nhằm đảm bảo doanh nghiệp tập trung nguồn lực tối đa để vượt qua giai đoạn then chốt này và phục hồi.
Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị nếu việc triển khai các chính sách do yếu tố chủ quan, e ngại trách nhiệm, chậm trễ trong quá trình thực thi chính sách…
Tỷ lệ bao phủ BHXH, BHTN còn thấp trong lực lượng lao động
Tại phiên thảo luận, ông Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội đã trình bày tham luận “Mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội, thúc đẩy việc làm bền vững trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.
Theo ông Lâm Văn Đoan, trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đã cơ bản phục hồi và đang phát triển theo xu hướng tích cực. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 giảm mạnh, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng, lao động có việc làm tăng mạnh, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ; thị trường lao động tăng trưởng mang tính bền vững hơn với mức tăng tập trung chủ yếu ở lao động có việc làm chính thức; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm; thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì những suy giảm hoạt động kinh tế toàn cầu, nhất là sự phục hồi chậm chạp của chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang tác động đến sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cũng nêu một số vấn đề xã hội cần quan tâm trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, có vấn đề chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chất lượng lao động còn hạn chế, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức lớn; tỷ lệ bao phủ BHXH, BHTN còn thấp trong lực lượng lao động, đa số lao động khu vực phi chính thức chưa tham gia BHXH; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đang bị chững lại và giảm đột ngột trong năm 2022…
Liên quan đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời trong một số ngành, lĩnh vực, ông Đoan chia sẻ thông tin: Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tại một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra mất cân đối cung – cầu, thiết hụt nguồn cung cục bộ, riêng trong quý I.2022 có xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục…
Tại phiên thảo luận, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam chia sẻ về chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới”. Theo bà Thanh, năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp được cộng hưởng và gia tăng khi được chia sẻ một cách đầy đủ trong sự kết nối với các hiệp hội ngành nghề, cũng như nhận được sự lắng nghe, hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, từ địa phương đến trung ương. Điều này cũng thể hiện sự quan tâm, cùng đồng hành, chia sẻ giá trị và trách nhiệm của các cơ quan quản lý với cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt, câu chuyện về phát triển bền vững sẽ là một hành trình dài hạn. Để các doanh nghiệp đang thực sự quan tâm đến vấn đề này có thể phát triển một cách tốt hơn, Chính phủ cần có cơ chế cho các doanh nghiệp đang đi tiên phong về môi trường, với các thể chế liên quan đến những ưu tiên, ưu đãi về thuế và đất đai cho những địa điểm đặt các nhà máy sản xuất, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn...
Nguồn https://laodong.vn/thoi-su/can-don-gian-hoa-thu-tuc-hanh-chinh-ho-tro-doanh-nghiep-1094569.ldo