Chương trình hành động của ngành Công Thương tạo nền tảng cho bán lẻ tăng trưởng bền vững
Chương trình hành động của ngành Công Thương tạo nền tảng cho bán lẻ tăng trưởng bền vững
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2022 tăng cao hơn nhiều so với kế hoạch được bắt nguồn, tích luỹ từ nền tảng của nhiều năm trước đó. Để có được những thành quả như vậy phải kể đến những Chương trình lớn mang tầm quốc gia mà Bộ Công Thương đang tăng tốc hành động.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với những hoạt động hội chợ, các chuyến hàng quảng bá sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, cùng những chương trình đào tạo, tập huấn; chương trình truyền thông liên quan đến xúc tiến thương mại. Từ tháng 7 năm 2022, Bộ Công Thương tổ chức công tác giao ban xúc tiến thương mại của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị, tổ chức liên quan của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan thực hiện hàng tháng nhằm cung cấp thông tin về thị trường, những chính sách, quy định mới về thị trường và các khuyến nghị kịp thời cho các doanh nghiệp.
Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại cũng tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng kịp thời đổi mới, đa dạng hóa phương thức xúc tiến thương mại, qua đó hỗ trợ thiết thực có hiệu quả cho các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương. Bộ cũng đã tổ chức hàng trăm phiên tư vấn, kết nối thông tin thị trường cho các hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương mà ở đó, các Thương vụ đóng vai trò vừa là cầu nối vừa là nhà tư vấn thị trường xuất khẩu.
Tiếp đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, với sự phối hợp, tham gia của các bộ, ngành, các cơ quan đoàn thể Trung ương; UBND, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; các đơn vị cung ứng giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm…, tạo nên một mặt trận thống nhất, truyền đi thông điệp rộng khắp trên 63 tỉnh, thành phố.
Qua Chương trình Hành động vì an toàn thực phẩm thường niên, Bộ Công Thương triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm, bao gồm tư vấn xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường xuất khẩu hàng Việt Nam vào các chuỗi siêu thị của doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam, đưa hàng Việt ra nước ngoài, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia; phối hợp với các bộ ngành kiểm soát và ngăn chặn việc sản xuất kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Một chương trình nữa mang tầm quốc gia mà Bộ Công Thương triển khai, đó là Chương trình khuyến công quốc gia. Theo đó, các hộ kinh doanh, hộ sản xuất muốn ứng dụng khoa học công nghệ, muốn ứng dụng thiết bị máy móc ở quy mô nhỏ được nhận vốn để hoàn thiện được bao bì, mẫu mã, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất.
Cuói cùng, Chương trình mà phát triển thương mại biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2015 và tiếp tục hoạt động cho đến năm nay là giai đoạn thứ hai tiếp đến năm 2025 cũng đã phát huy nhiều hiệu quả. Việc thực hiện Chương trình đã đem lại những kết quả khả quan về mức tăng trưởng hàng năm về giá trị của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên các địa bàn còn nhiều khó khăn. Thúc đẩy phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là lợi thế của miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đưa vào các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước và phục vụ xuất khẩu.
Đồng thời, Chương trình còn tạo được hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ cho phát triển hoạt động thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm được sản xuất trên địa bàn, hình thành hệ thống phân phối, mối liên kết bạn hàng giữa các vùng, miền để tạo thành một chuỗi cung ứng – tiêu thụ có tính liên tục góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh 4 Chương trình kể trên, chúng ta còn thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, giai đoạn từ năm 2014 - 2020 và nay là giai đoạn 2021 - 2025. Đề án có 3 nhóm Chương trình. Một là Nhóm chương trình hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng; Hai là hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; và Ba là hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam.
Với Nhóm Chương trình thứ nhất của Đề án là “tập trung nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, từ 2015 đến nay, Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức đã hoàn thành sứ mệnh thay đổi nhận thức, hành vi của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng Việt Nam; từ mục tiêu tuyên truyền đã trở thành hành động, thành văn hóa sản xuất, tiêu dùng hàng Việt Nam.
Những Chương trình và Đề án này là nền tảng để sản xuất hàng hoá trong nước phát triển, doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước, góp phần quan trọng vào tăng trưởng tổng mức bán lẻ và kiềm chế lạm phát.
Nguồn Bộ Công Thương Việt Nam.