Chuyển đổi số ngành Công Thương tiến xa hơn cần nỗ lực số "nội tại"
Chuyển đổi số ngành Công Thương tiến xa hơn cần nỗ lực số "nội tại"
Nhiệm vụ thực hiện việc chuyển đổi số (CĐS) của ngành Công Thương đang được thực hiện mạnh mẽ, tạo những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để tiến xa hơn vẫn luôn cần hơn những nỗ lực số “nội tại”.
Vì điều này, chiều 21/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT và KTS) ngành Công Thương năm 2023, chủ đề hội thảo “xu hướng công nghệ mới trong CĐS ngành Công Thương” đã được tổ chức.
CĐS giúp gia tăng các cơ hội đầu tư
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nhấn mạnh, vai trò, yêu cầu của CĐS đang mang lại cho ngành Công Thương nói chung và các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói riêng những cơ hội quý báu để phát triển và tất cả nhờ sử dụng các yếu tố ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ, nền tảng số mới.
Đặc biệt, ngành Công Thương luôn hỗ trợ các DN trong việc thúc đẩy các hoạt động ứng dụng số, đổi mới công nghệ, sáng tạo. Điều này giúp gia tăng các cơ hôi đầu tư, mở rộng thị trường giao thương số trong và ngoài nước.
Ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, CĐS sẽ tạo ra các mô hình vận hành tự động hoá, tối ưu các quy trình,vận hành, nghiệp vụ.
Hơn nữa, nhiều đơn vị thuộc Ngành đã xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, mốc lộ trình trong việc triển khai các ứng dụng CNTT, công nghệ số, phần mềm, nhất là các mô hình vận hành tự động hoá trong các quy trình,vận hành, nghiệp vụ.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chú trọng việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CĐS cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý; các DN, tập đoàn thuộc Bộ quản lý, trong đó có lĩnh vực sản xuất năng lượng, công nghiệp phát triển theo hướng thông minh, tạo sản phẩm thông minh…
“Đặc biệt, ngành Công Thương thời gian qua đã tích cực, chú trọng việc cập nhật các xu hướng công nghệ số mới của thế giới để ứng dụng CĐS trong Ngành, từ đó phát triển ngành theo hướng số hoá bền vững”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cần hoàn thiện hệ thống giám sát thông tin trên không gian mạng
Nói về những nỗ lực số nội tại, ông Cao Cẩm Linh, Hiệp hội DN logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, CĐS ngành Công Thương nói chung hiện nay đã và đang thúc đẩy, tạo đà phát triển, có kết quả trên các lĩnh vực: công nghiệp, logistics, năng lượng, TMĐT...
Chưa dừng lại, CĐS còn mang lại nhiều lợi ích để: Tăng mức độ hài lòng của người dân, DN; rút ngắn thời gian phục vụ, linh hoạt trong vận hành, khai thác, mở rộng nhu cầu; tăng hiệu quả và minh bạch trong vận hành (Giảm 10 - 20% chi phí vận hành hoặc nhân công; hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác nhờ phân tích và quản trị dữ liệu; tối ưu hóa cách thức quản lý, vận hành để tăng năng suất (thêm việc nhưng không thêm người)…
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị và ưu điểm trên, khó khăn của ngành Công Thương vẫn còn nhiều khó khăn, đó là: Sức cạnh tranh của các DN trên địa bàn còn yếu; kết cấu hạ tầng kinh tế chưa đồng bộ; tranh chấp về thương mại biến động phức tạp, khó lường và chứa đựng nhiều rủi ro; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế.
Khó khăn của Ngành nói chung là vậy, còn đối với một số đơn vị Sở Công Thương vẫn còn tình trạng: Kết quả thực hiện đối với các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) còn thấp, thiếu tương tác với đơn vị, người dân, DN; việc quản lý hành chính nội bộ chưa đáp ứng công việc trên môi trường số rộng, bao quát; các ứng dụng và dịch vụ chuyên ngành vẫn thiếu các phần mềm số chuyên ngành và thiếu thông tin tổng hợp…
Chính vì điều này, nhiều đơn vị Sở Công Thương đã xây dựng, đề ra 03 mục tiêu thực hiện: Đổi mới căn bản công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên lĩnh vực công nghiệp và thương mại, năng lượng, logistics...; thực hiện CĐS đồng bộ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực Công Thương, đóng góp nâng thứ hạng của địa phương về xếp hạng CĐS (DTI) hàng năm.
Đưa ra đề xuất, giải pháp khắc phục hạn chế và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, theo ông Cao Cẩm Linh, các Sở Công Thương cần: Đẩy mạnh nâng cao chất lượng đối với các DVCTT; số hoá mạnh mẽ các quy trình quan lý hành chính, nội bộ; tích cực ứng dụng các công nghệ số mới, dịch vụ số chuyên ngành; đẩy mạnh đồng bộ cùng các giải pháp CĐS khác.
Đặc biệt, các Sở Công Thương cần áp dụng các giải pháp công nghệ, nền tảng số mới để bổ sung và hoàn thiện trang/cổng thông tin điện tử thông qua việc: Nâng cấp giao diện và bố cục của cổng thông tin điện tử; tích hợp chatbot, callbot và trả lời các yêu cầu thủ tục hành chính (TTHC); tích hợp, trả lời các phản ánh của người dân…
Cùng với đó, công tác đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cũng phải áp dụng thường xuyên và các Sở Công Thương cần hoàn thiện hệ thống giám sát thông tin trên không gian mạng và cần có đảm bảo hệ thống phân tích, báo cáo số liệu thông minh luôn vận hành trơn chu theo thời gian thực.
Hơn nữa, vì Sở Công Thương các địa phương hiện đang quản lý các vấn đề phạm vi rộng nên nhất thiết phải tập trung đẩy mạnh giải pháp số dựa trên các ứng dụng, dịch vụ số chuyên ngành, đảm bảo: Có kho dữ liệu chuyên ngành; ứng dụng CNTT vào hoạt động tại các trung tâm logictics; phát triển TMĐT, thanh toán điện tử.
Khi áp dụng các giải pháp CĐS khác, theo ông Cao Cẩm Linh, các Sở Công Thương cần có sự thay đổi mạnh mẽ về chuyển đổi nhận thức và gắn với việc đào tạo nguồn nhân lực có khả năng, kiến thức về CĐS và có khả năng truyền thông về CĐS cho các đối tượng khác.
Các Sở Công Thương cần xây dựng chiến lược hành động CĐS rõ ràng và ban hành quy chế, quy trình, quy định, tối ưu phương thức hoạt động. “Tuy nhiên, cần xác định rõ lộ trình, mục tiêu hành động rõ ràng và sớm hình thành văn hóa số, năng lực số chuyên môn, chuyên ngành”, ông Cao Cẩm Linh đề xuất./.