Cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi
Cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi
Trong giai đoạn hậu Covid-19, nhu cầu cấp thiết nhất đối với khối Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNNV) là bổ sung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời quá trình hồi phục cho sản xuất kinh doanh. Với sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành và Viện Nghiên cứu DNNVV, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi hấp dẫn.
Nguồn vốn vay ưu đãi hấp dẫn cho DNNVV
Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhằm hỗ trợ DNNVV trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt giảm lãi suất cho vay của Quỹ phát triển DNNVV đối với các DNNVV về mức 2,16%/năm (ngắn hạn) và 4%/năm (trung và dài hạn) - Lãi suất cho vay cố định hoặc có thể giảm trong suốt thời hạn vay vốn.
Theo đó, các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, DNNVV tham gia chuỗi giá trị, có nhu cầu vay vốn với mục đích: Đầu tư thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này.
Trong giai đoạn hậu Covid-19, nhu cầu cấp thiết nhất đối với khối DNNNV là bổ sung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời quá trình hồi phục cho sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Thời hạn vay vốn tối đa không quá 7 năm. Thời gian ân hạn cho một dự án (vay vốn trung và dài hạn) tối đa là 2 năm. Phương thức cho vay là cho vay gián tiếp thông qua các ngân hàng.
Phương thức trả nợ cũng được thực hiện đa dạng, phù hợp với dòng tiền của DNNVV. Được chủ động trả nợ trước hạn và không chịu bất cứ khoản tiền hay phí phạt trả nợ trước hạn.
Cùng với đó, DNNVV được hỗ trợ tín dụng từ Ngân hàng nhận vốn cho vay gián tiếp. Cụ thể, ngân hàng cho vay phần còn lại trong tổng mức đầu tư của dự án vay vốn. Ngân hàng cam kết áp dụng mức lãi suất ưu đãi đối với DNNVV của Ngân hàng trong từng thời kỳ. Ngoài ra, DNNVV còn được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi khác của Ngân hàng kèm theo chương trình này nhằm nâng cao hiệu quả khoản vay; được tham gia vào các chương trình hỗ trợ tăng cường năng lực do Quỹ tổ chức.
Với sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành và Viện Nghiên cứu DNNVV, nhiều DNNVV đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi hấp dẫn.
Hàng trăm doanh nghiệp đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi
Trao đổi với PV Tạp chí Thương Trường, ông Tô Xuân Thao – Viện trưởng Viện nghiên cứu DNNVV (sau đây gọi tắt là Viện) cho biết: Thời gian qua Viện thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ và các Bộ ngành trung ương. Xây dựng các phòng ban chuyên môn nhằm phân tích các chính sách mới, qua đó, sắp xếp nhân sự có chuyên môn phù hợp để phối hợp xây dựng các đề án nhằm đưa chính sách vào thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Dựa trên các biên bản hợp tác giữa Viện và các tổ chức tín dụng, các đơn vị ngân hàng, Viện xây dựng các nhóm làm việc phối hợp giữa nhiều cơ quan nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tất cả các bước từ quy trình chuẩn bị hồ sơ, xây dựng dự án sản xuất kinh doanh tốt cho đến khảo sát thẩm định trực tiếp dự án để đảm bảo tính khả thi của quá trình tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Thời gian qua, đã có hơn 300 doanh nghiệp trên khắp cả nước thông qua các hoạt động hỗ trợ của Viện đã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trên.
Theo ông Tô Xuân Thao, DNVVN là khối kinh tế chiếm tỉ lệ 96% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, mặc dù ưu thế về số lượng, nhưng đây lại là khối doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng nhất trước những tác động tiêu cực của kinh tế nếu xảy ra khủng hoảng.
“Sau 2 năm kinh tế cả nước bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid -19, qua nghiên cứu khảo sát, Viện nghiên cứu DNVVN nhận thấy, trong giai đoạn hậu Covid-19, nhu cầu cao và cấp thiết nhất đối với khối DNNNV là bổ sung nguồn vốn, bổ sung dòng tiền nhằm đáp ứng kịp thời quá trình hồi phục cho sản xuất kinh doanh. Vì thế, trong định hướng năm 2022-2023, Viện đang và sẽ đẩy mạnh hỗ trợ DNVVN tiếp cận các nguồn ngân sách ưu đãi”, Viện trưởng Viện nghiên cứu DNVVN chia sẻ.
Cán bộ Viện Nghiên cứu DNNVV khảo sát hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn ngân sách ưu đãi
Ông Tô Xuân Thao cho biết thêm, dựa trên kết quả đã đạt được trong công tác nghiên cứu và hỗ trợ chính sách cho DNVVN trong gần 10 năm, hiện Viện tiếp tục nhận được nhiều đề nghị hỗ trợ làm cầu nối giữa khối doanh nghiệp tư nhân, khối kinh tế tập thể (HTX) với các đơn vị Quỹ Chính phủ và phi Chính phủ. Viện nghiên cứu DNVVN cũng đề ra phương hướng tiếp tục nghiên cứu quy chế của các tổ chức tín dụng mới nhằm tìm hiểu, trao đổi để lựa chọn các nguồn Quỹ bổ sung, hướng tới đa dạng nguồn Quỹ để đảm bảo phù hợp với định hướng hoạt động của Viện.
Bên cạnh đó, Viện cũng triển khai thêm các chương trình đào tạo để giúp cho DN nâng cao năng lực quản trị tài chính; Tổ chức các hội thảo, tọa đàm, sự kiện kết nối với các nguồn tài chính để DN có thể tiếp cận được nhiều thông tin hơn từ các quỹ tín dụng; Phối hợp cùng các ngân hàng xây dựng đội ngũ chuyên gia để hỗ trợ trực tiếp các DN khi họ cần chuẩn bị các hồ sơ vay vốn, hoặc hỗ trợ DN cấu trúc lại khoản vay phù hợp với các giai đoạn sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Viện còn phối hợp với Hội đồng doanh nhân Việt – Mỹ trong công tác thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam qua thị trường Mỹ. Hiện, Viện đã xây dựng xong đề án hỗ trợ này cho doanh nghiệp Việt và đã đưa vào áp dụng thực tiễn từ tháng 2/2002. Hiện đề án đang được chỉnh sửa hoàn thiện để đề xuất phối hợp với Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công thương).
Điều kiện để DN có thể vay vốn ưu đãi của Quỹ phát triển DNNVV được quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ và thuộc 3 nhóm:
- Đối với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo:
+ Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh (SXKD) khả thi;
+ Đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án SXKD tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án SXKD và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án SXKD;
+ Đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay quy định pháp luật có liên quan.
- Đối với DNNVV tham gia cụm liên kết ngành:
+ Có dự án, phương án SXKD khả thi, nằm trong khu vực địa lý của cụm liên kết ngành và có hợp đồng hợp tác, kinh doanh với doanh nghiệp khác trong cụm liên kết ngành hoặc cùng xây dựng, sử dụng thương hiệu vùng;
+ Đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án SXKD tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án SXKD và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án SXKD.
+ Đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay quy định pháp luật có liên quan.
- Đối với DNNVV tham gia chuỗi giá trị:
+ Có dự án, phương án SXKD khả thi, được triển khai để trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm của chuỗi giá trị hoặc có hợp đồng hợp tác, kinh doanh với doanh nghiệp trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm của chuỗi giá trị;
+ Đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án SXKD tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án SXKD và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án SXKD;
+ Đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay quy định pháp luật có liên quan.
Nguồn https://thuongtruong.com.vn/news/co-hoi-cho-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-tiep-can-nguon-von-vay-uu-dai-83526.html