Coi trọng sở hữu trí tuệ trong chiến lược kinh doanh đổi mới công nghệ của doanh nghiệp
Coi trọng sở hữu trí tuệ trong chiến lược kinh doanh đổi mới công nghệ của doanh nghiệp
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh có ý nghĩa sống còn với bất kỳ doanh nghiệp nào, trong đó sở hữu trí tuệ giữ vai trò quan trọng. Để sở hữu trí tuệ góp phần nâng cao giá trị và tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp thì cần phải quản lý và sử dụng có chiến lược trong kinh doanh đổi mới công nghệ.
Sở hữu trí tuệ là chìa khoá để tạo động lực đổi mới sáng tạo
Hiện nay, hoạt động trong bất kỳ một lĩnh vực nào, sản xuất sản phẩm hay cung cấp dịch vụ thì bản thân doanh nghiệp cũng cần xây dựng một chiến lược kinh doanh phù hợp. Nếu không có chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp sẽ không có định hướng lâu dài để xây dựng và phát triển. Việc xây dựng chiến lược kinh doanh phải mang tính thực tế và dễ hình dung chính xác những mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của doanh nghiệp.
Trong quá trình thực hiện chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp đều phải huy động các nguồn lực, nghiên cứu, sáng tạo ra và/hoặc sử dụng rất nhiều đối tượng sở hữu trí tuệ (SHTT). Vì vậy doanh nghiệp cần xem xét một cách có hệ thống các biện pháp cần thiết nhằm định hướng nghiên cứu, đầu tư, phân bổ nguồn lực cho hoạt động sáng tạo, bảo hộ, quản lý cũng như thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm đạt hiệu quả tốt nhất từ các quyền sở hữu trí tuệ, và quan trọng nhất là, cần xây dựng chiến lược về SHTT một cách khoa học và hợp lý. Để SHTT thực sự trở thành một loại tài sản đặc biệt góp phần nâng cao giá trị và tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, loại tài sản này cần phải được quản lý và sử dụng có chiến lược.
Về vai trò của SHTT đối với doanh nghiệp, các chuyên gia nhận định SHTT là chìa khoá để tạo động lực đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, tăng cường nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới phù hợp với xu hướng thị trường, tiếp nhận các thành tựu kỹ thuật có sẵn thông qua chuyển giao công nghệ để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Không chỉ vậy, SHTT còn tạo ra những sản phẩm dịch vụ với hiệu quả vượt trội và giá thành hợp lý, nhờ đó sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có thể vượt qua các sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh cùng lĩnh vực trên thị trường.
Doanh nghiệp cần thiết phải xây dựng chiến lược về SHTT một cách khoa học và hợp lý. Ảnh: TL minh họa
Có thể thấy, nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh và chiến lược SHTT. Người lãnh đạo phải định hướng và xác định chiến lược của công ty, và nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của SHTT trong chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. SHTT cũng giúp phát triển giá trị tài sản cho doanh nghiệp thông qua thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tăng doanh thu với các sản phẩm dịch vụ ưu việt và hấp dẫn được ứng dụng tài sản SHTT mới. Đồng thời nó giúp thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư, tăng giá trị của doanh nghiệp trong các giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) và cổ phần hoá.
Quyền sở hữu trí tuệ thúc đẩy giá trị gia tăng và lợi nhuận doanh nghiệp
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở nước ta với quá trình chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo đang diễn ra mạnh mẽ; nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đã gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi và thích ứng. Chính vì vậy, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng và là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp Việt Nam tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tốc và phát triển.
Liên quan đến vấn đề này, theo TS. Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay, vấn đề SHTT rất quan trọng đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp cần nhận thức rõ về quyền SHTT trong hoạt động kinh doanh. Khi chưa tạo ra quyền SHTT, chúng ta nghĩ rằng quyền SHTT là một yếu tố cản trở vì cần phải bỏ ra kinh phí để sử dụng được nó, nếu không bỏ kinh phí thì sử dụng sao chép bất hợp pháp (đây là yếu tố không còn được chấp nhận trong nền kinh tế) nên buộc phải xác định nó là yếu tố hỗ trợ hay cản trở phụ thuộc vào quan điểm, nhận thức, cách tiếp cận, hành động trong vấn đề tạo ra nó.
Sự gắn bó giữa công nghệ với kinh doanh sẽ là yếu tố gắn kết giữa quyền SHTT, bởi công nghệ sẽ là vấn đề về SHTT phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sự đổi mới kỹ thuật số hiện đang phá vỡ các mô hình hoạt động và kinh doanh của doanh nghiệp nhưng các công nghệ số (di động, đám mây, cảm biến, phân tích, IoT, AI...) có thể biến ý tưởng kinh doanh của doanh nghiệp từ không thể thành có thể (xe tự lái, ứng dụng kỹ thuật thực tế ảo...).
Cũng theo TS. Trần Lê Hồng, sự thay đổi mô hình kinh doanh dưới hình thức chuyển đổi số, gắn với dịch vụ sẽ tạo nên hiệu quả tốt cho các doanh nghiệp. Hành lang pháp lý về SHTT ngày nay đang dựa trên cơ hội của quá khứ. Hiện tại, số hóa đang thay đổi những cơ hội này và hành lang pháp lý cũng sẽ tự động thay đổi. Doanh nghiệp nên nhận thức được điều này để sẵn sàng và tận dụng được những lợi thế mà nó đem lại./.
Nguồn https://thoibaotaichinhvietnam.vn/coi-trong-so-huu-tri-tue-trong-chien-luoc-kinh-doanh-doi-moi-cong-nghe-cua-doanh-nghiep-105277.html