Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2022: Cú hích để TP.HCM tăng tốc kinh tế số

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2022: Cú hích để TP.HCM tăng tốc kinh tế số

(PLO)- Các doanh nghiệp chuyển đổi số cần kiên trì, quyết liệt theo đuổi đến cùng chứ không nên trông chờ có kết quả ngay.

Ngày 15-4, UBND TP.HCM sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai”.

Tìm kiếm các giải pháp khả thi thúc đẩy kinh tế số

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm nay sẽ xoay quanh bốn chủ đề chính: Bức tranh chung về chuyển đổi số trong doanh nghiệp (DN) ở TP.HCM, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030; Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại TP.HCM, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN: Thách thức và giải pháp; Chuyển đổi số trong DN: Kinh nghiệm và bài học thành công của DN trong nước và quốc tế.   


 Trong vài năm trở lại đây, ngành ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số. Ảnh: TL

Phát biểu tại buổi họp báo về diễn đàn này mới đây, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP.HCM, cho biết: Từ đầu năm đến nay, nhiều hoạt động kinh tế của TP đã khôi phục trở lại, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Đặc biệt, qua đại dịch COVID-19 đã cho thấy số hóa trong hoạt động của DN và trong đời sống của người dân ngày càng trở nên cần thiết hơn. Hiện nay, kinh tế số đang lan tỏa rất nhanh và có hiệu quả nhưng sự hiểu biết về kinh tế số của các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa vẫn còn nhiều hạn chế; nhận thức, hiểu biết về kinh tế số chưa được đồng bộ.

Vì vậy, diễn đàn là cơ hội để lãnh đạo TP.HCM trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, các DN trong và ngoài nước về chuyển đổi số và kinh tế số. Qua đó nhằm mục đích thống nhất và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và kinh tế số. Đồng thời, thông qua diễn đàn giúp tìm kiếm các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn TP.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, thông tin thêm: Diễn đàn dự kiến sẽ có sự tham gia của hơn 900 đại biểu, bao gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam; đại diện các cơ quan ngoại giao; các định chế tài chính quốc tế như World Bank, IMF, IFC, ADB... Đặc biệt, số chuyên gia trong và ngoài nước nhận lời tham gia sự kiện hiện có 34 người, trong đó diễn giả quốc tế có 25 người, tăng gấp đôi so với hai lần tổ chức trước.

Qua diễn đàn này, TP.HCM có thể tiếp thu ý kiến của các chuyên gia trong việc chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá thực trạng, triển vọng, cơ hội cũng như thách thức đối với việc phát triển kinh tế số. Từ đó góp phần tạo động lực để triển khai hiệu quả xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, tương tác cao trong tương lai.

Chi phí đầu tư chuyển đổi số vô cùng tốn kém

GS-TS Nguyễn Thị Cành, chuyên gia kinh tế, chỉ ra rằng: Dù Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng đã xây dựng một khuôn khổ pháp lý cho phát triển kinh tế số thông qua các chương trình, đề án nhưng chính sách cụ thể để thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế số vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, trụ cột quan trọng của kinh tế số là nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số của TP.HCM.

Bên cạnh đó, phát triển công nghệ số, hạ tầng số còn hạn chế về thể chế và nguồn lực tài chính. Trong đó, lĩnh vực tài chính là ngành dịch vụ trọng yếu của TP.HCM trong phát triển kinh tế số cũng gặp nhiều rào cản về vốn, về thể chế.

Chuyển đổi số giúp DN tương tác tốt với nhân viên, đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng, thúc đẩy tăng trưởng.
Để giải bài toán trên, GS-TS Nguyễn Thị Cành cho rằng trước tiên cần nhận thức rằng kinh tế số phát triển dựa vào nhiều yếu tố, trong đó có bốn trụ cột quan trọng là thể chế số, nhân lực số, công nghệ số và hạ tầng số.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Duy Khanh, nhấn mạnh: Chuyển đổi số là công việc dài hơi và tốn kém chi phí. Phải xem chi phí chuyển đổi số là chi phí đầu tư và phải được khấu hao trong 10 năm, 20 năm chứ không phải là chi phí sản xuất để tính liền vào giá thành sản phẩm.

Do đó, các DN muốn chuyển đổi số cần phải kiên trì, quyết liệt theo đuổi đến cùng chứ không nên trông chờ nhìn thấy kết quả chỉ trong một thời gian ngắn. Ví dụ, với Công ty Cơ khí Duy Khanh phải mất tới năm năm mới hoàn thành xong lộ trình chuyển đổi số và đến thời điểm này thì toàn bộ dữ liệu đã được số hóa 100%.

“Nhờ vậy, hiệu suất làm việc của người lao động trong công ty tăng lên rõ rệt. Đặc biệt với hệ thống quản lý mới minh bạch hơn, rõ ràng hơn đã giúp giải quyết bài toán về ổn định sản xuất, chất lượng sản phẩm, hoạch định chiến lược. Qua đó, doanh thu tăng cao hơn” - ông Tống nói.•

Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, quy mô thị trường kinh tế số của TP.HCM ước tính đạt 191.768 tỉ đồng, tương đương khoảng 8,27 tỉ USD.

Xem xét đưa chuyển đổi số vào kích cầu đầu tư

Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Duy Khanh Đỗ Phước Tống cho rằng đầu tư kinh phí cho chuyển đổi số cần dài hơi và vô cùng tốn kém. Do đó, chính quyền TP.HCM nên xem xét đưa chuyển đổi số vào chương trình kích cầu đầu tư để hỗ trợ DN.

Theo đó, thay vì DN chỉ đầu tư vào máy móc để nâng cao năng lực sản xuất thì bây giờ cần đầu tư cả vào chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực quản trị.

“Nếu DN nào đáp ứng được các tiêu chí của chương trình kích cầu đầu tư mà TP đưa ra thì sẽ được hỗ trợ về lãi suất cho vay” - ông Tống đề xuất.

Nguồn https://plo.vn/dien-dan-kinh-te-tp-hcm-2022-cu-hich-de-tp-hcm-tang-toc-kinh-te-so-post675596.html