Doanh nghiệp bán lẻ tăng tốc trong năm 2022

Doanh nghiệp bán lẻ tăng tốc trong năm 2022

Thị trường bán lẻ dù tăng trưởng thấp trong 2021 nhưng vẫn được đánh giá là đầy tiềm năng, hứa hẹn sẽ tiếp tục bùng nổ cuộc đua mới giữa các "ông lớn" trong và ngoài nước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2022 ước đạt 470,7 nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Một năm 2022 ước đạt 470,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 0,3% (cùng kỳ năm 2021 tăng 3,6%).

Tháng 1/2022 là tháng giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết; giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2022 tăng 0,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng Một tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tháng 01/2022 tăng 0,66%.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 01/2022 tăng 1,94%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 7 nhóm tăng giá và 4 nhóm giảm giá.


Nguồn: Thương trường

Các nhóm hàng tăng giá có thể kể đến như: Nhóm giao thông tháng 01/2022 tăng cao nhất với 14,55% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 1,41 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu tăng 43,56% (Xăng A95 tăng 7.090 đồng/lít; xăng E5 tăng 7.290 đồng/lít) và giá dầu diezen tăng 5.860 đồng/lít.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 8,23% theo giá nguyên vật liệu đầu vào.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,75% chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung thuốc lá giảm.

Bên cạnh đó, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng Một tăng 0,88% so với cùng kỳ năm trước; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,22%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,25%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,57%.

Theo báo Tin tức, giới phân tích cho rằng, khi hoạt động kinh doanh dịch vụ dần trở về trạng thái "bình thường mới" chính là thời điểm phục hồi của các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là các nhà bán lẻ niêm yết có thương hiệu, hệ thống quản lý mạnh trên thị trường.

Như Công ty cổ phần Tập đoàn MaSan, năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất 88.629 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020. Riêng quý IV/2021, doanh thu thuần đạt 23.828 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang cho biết, năm qua, Masan không ngừng tích hợp các mảnh ghép chiến lược và hoàn thiện mô hình bán lẻ mini-mall, sẵn sàng để nhân rộng trên toàn quốc. Mục tiêu sắp tới là chuyển đổi The CrownX trở thành nền tảng tiêu dùng – công nghệ hàng đầu. Năm 2022, Masan sẽ số hóa nền tảng từ sản xuất, hậu cần cho đến phân phối để phục vụ 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam.

Hay Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, lũy kế cả năm 2021, trong khi doanh thu bán sỉ giảm 5,5%, mảng bán lẻ và vàng miếng lần lượt tăng trưởng 10,5% và 25% so với năm trước. Với việc cải tiến công nghệ và mẫu mã, mảng bán lẻ nhanh chóng tăng trưởng trở lại khi các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ và mạng lưới cửa hàng có thể mở cửa lại hoàn toàn.

Ba xu hướng thúc đẩy tăng trưởng ngành bán lẻ

Trao đổi với Người Lao Động, Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại Tp.HCM (Saigon Co.op) nhận định, trong năm 2022, xu hướng hiện đại hóa kênh bán hàng truyền thống, thay đổi mô hình mua nhanh bán gọn sẽ sớm đi vào thực tiễn. Một xu hướng nữa là chiến lược bán lẻ đặt khách hàng cá nhân lên hàng đầu. Các nhà bán lẻ tối ưu hóa trải nghiệm để giữ chân khách hàng và áp dụng nhiều chỉ số đánh giá quá trình bán hàng sẽ có được lợi thế tốt hơn để chiếm lĩnh thị trường. 

Với chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực bán lẻ, tập trung vào khách hàng theo mô hình chuỗi giá trị dựa trên dữ liệu, Saigon Co.op không ngừng nâng cấp công nghệ cho các giải pháp thu thập, lưu trữ, quản lý và phân tích dữ liệu một cách toàn diện, dựa trên nền tảng hạ tầng điện toán đám mây vững chắc, an toàn, có tính linh hoạt và khả năng tự vận hành cao.

MM cũng sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển kênh bán hàng đa kênh. Hệ thống này đang nghiên cứu và hy vọng sẽ sớm đưa vào sử dụng phần mềm Pick & Go. 


Các hệ thống phân phối bán lẻ tại Tp.Hồ Chí Minh đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân. Ảnh: TTXVN

"Mục tiêu của MM từ nay đến năm 2025 là trở thành nhà cung cấp thực phẩm hàng đầu trong ngành bán lẻ. Chúng tôi dự kiến mở thêm trung tâm có qui mô nhỏ hơn tại nội thành với mô hình Food service (siêu thị cung cấp thực phẩm); Depot (kho lưu trữ và phân phối) cho các tỉnh phát triển du lịch và mô hình Hybrid Food Service – một địa điểm kết hợp mua sắm tại trung tâm cho khách hàng hộ gia đình đồng thời bán hàng cho khách hàng chuyên nghiệp ở các thành phố du lịch lớn phát triển về dịch vụ lữ hành, nhà hàng, khách sạn" – đại diện MM tiết lộ. 

AEON Việt Nam thì tập trung mở thêm nhiều địa điểm kinh doanh với đa dạng mô hình bán lẻ, bao gồm trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh; chuyển đổi số, đặc biệt tập trung thúc đẩy O2O (Offline – To – Online; tạo giá trị độc đáo bằng ý tưởng mới cho chuỗi cung ứng; phát triển sản phẩm để đáp ứng nhu cầu khách hàng đồng thời nỗ lực hơn nữa trong các hoạt động phát triển bền vững về môi trường và trách nhiệm xã hội. AEON Việt Nam đặt mục tiêu mở 30 trung tâm mua sắm cho tới năm 2030 cùng các mô hình khác" – Tổng giám đốc AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki khẳng định. 

Xu hướng thứ 2 là nhu cầu ngày càng tăng đối với điện thoại thông minh chính hãng cao cấp và các sản phẩm làm việc tại nhà sẽ tiếp tục sau đại dịch.

Đối với điện thoại thông minh cao cấp, dù thị trường điện thoại di động đã dần bão hòa với mức tăng trưởng trong giai đoạn 2019-2021 chỉ khoảng 5- 7%/năm, nhưng từ năm 2022, các nhà phân phối điện thoại di động được ủy quyền sẽ duy trì mức tăng trưởng cao hơn nhờ nhu cầu đối với các sản phẩm cao cấp ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch; việc thắt chặt các quy định về hàng xách tay giúp các nhà bán lẻ được ủy quyền có thể đạt được nhiều thị phần hơn.

Bên cạnh đó, việc thắt chặt bảo hành với yêu cầu biên lai các sản phẩm chính hãng từ các nhà phân phối ủy quyền cho các sản phẩm Apple sẽ tập trung nhu cầu các sản phẩm của Apple hướng vào các đại lý được ủy quyền.

Đối với sản phẩm làm việc tại nhà, theo điều tra dân số Việt Nam, chỉ có 30,7% hộ gia đình có máy tính, bao gồm cả máy tính để bàn và máy tính xách tay, cho thấy thị trường máy tính vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là trong giai đoạn trong và sau đại dịch khi nhu cầu về các sản phẩm máy tính sẽ tăng mạnh nhờ nhu cầu làm việc tại nhà và giải trí.


Các chuyên gia phân tích kỳ vọng những công ty bán lẻ và phân phối quy mô lớn sẽ phục hồi nhanh chóng và tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022. Ảnh: TTXVN. 

Theo TTXVN/Vietnam+, với xu hướng này, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) và  Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã chứng khoán: FRT) được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu đối với các sản phẩm và máy tính xách tay chính hãng của Apple, trong khi Công ty cổ phần Thế giới số (mã chứng khoán: DGW) và Công ty cổ phần Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí (mã chứng khoán: PSD) sẽ được hưởng lợi từ giai đoạn phân phối tới các nhà bán lẻ.

Cuối cùng là chuỗi cửa hàng bách hóa hiện đại được hưởng lợi từ sự chuyển dịch tiêu dùng sau đại dịch sang thương mại hiện đại.

Theo Kantar Worldpanel, vào giữa tháng 10 năm 2021, thị phần của các kênh trực tuyến và siêu thị nhỏ đã giảm trở lại khoảng 10% và 6% sau khi đạt đỉnh trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2021.

Tuy nhiên, thị phần này vẫn ở mức cao so với trước dịch, khoảng 3% đối với kênh trực tuyến và 5% đối với kênh siêu thị nhỏ cho thấy khả năng duy trì hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội của các kênh này và sự thay đổi xu hướng tiêu dùng sau đại dịch.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2025, giá trị gia tăng của khu vực thương mại trong nước sẽ đóng góp khoảng 13,5% GDP và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng khoảng 9-9,5%/năm trong giai đoạn từ năm 2021- 2025.

Tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của kênh thương mại hiện đại đạt khoảng 35-40% vào năm 2025.

Với dự báo này, ngành thương mại hiện đại có thể duy trì đà tăng trưởng trên hai con số trong suốt giai đoạn 2021-2025.

Do đó, doanh nghiệp có chuỗi bán hàng hiện đại sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt hơn thị trường chung.

Theo các doanh nghiệp, mặc dù năm 2021, thị trường bán lẻ Việt Nam có mức tăng trưởng thấp do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng về dài hạn vẫn là một thị trường đầy tiềm năng. Theo phân tích của Aeon, trong 5-10 năm tới, kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bán lẻ nói riêng đều rất tiềm năng với nhiều điều kiện phát triển thuận lợi, khi Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về tỉ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu trong khu vực Đông Nam Á (9,2%/năm). Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Việt Nam và sự thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc của ngành bán lẻ trong thời gian tới, doanh thu của các nhà bán lẻ hàng đầu dự đoán sẽ gấp 3 lần so với thời điểm hiện tại.

Nguồn https://www.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-ban-le-tang-toc-trong-nam-2022-a543272.html