Doanh nghiệp ngành tiêu dùng nhanh nhiều cơ hội
Doanh nghiệp ngành tiêu dùng nhanh nhiều cơ hội
Lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng trong tầm kiểm soát, quy mô ngành bán lẻ mở rộng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành tiêu dùng nhanh, theo TS Lê Duy Bình.
Nền kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 tuy còn nhiều thách thức nhưng vẫn ghi nhận những thông tin tích cực từ thị trường, đặc biệt là nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Theo Bộ Công thương, tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.679.230 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2021.
TS Lê Duy Bình - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam.
Trong khi đó, theo TS Lê Duy Bình - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam, lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng Việt Nam đang ở mức kiểm soát. Nếu các chỉ số này được duy trì ổn định sẽ củng cố lòng tin của người dân với doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh. Bởi lạm phát thấp sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quyết định của người tiêu dùng, đặc biệt là người có thu nhập thấp, công nhân, người làm công ăn lương vì đối tượng này khá nhạy cảm khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.
Cũng theo tiến sĩ, việc Nhà nước có các biện pháp để thuận lợi cho phát triển kinh tế vĩ mô sẽ góp phần ổn định hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong nhành. Quy mô chủ yếu của ngành hàng bán lẻ trong đó phần lớn hàng tiêu dùng nhanh được mở rộng, thậm chí mở rộng hơn trước đại dịch cũng là những điều kiện thuận lợi cho cho doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam.
Ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển Giải pháp Tài chính Khách hàng VietinBank.
"Nếu nắm bắt được cơ hội thì sẽ doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường bằng việc duy trì sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, hệ thống kênh phân phối để đưa hàng hóa đến người tiêu dùng, đặc biệt là những tháng cuối năm có nhiều dịp chi tiêu lớn như Noel, tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán", TS Lê Duy Bình chia sẻ.
Bằng kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp FMCG thuộc nhiều quy mô khác nhau, ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển Giải pháp Tài chính Khách hàng VietinBank nhận định, doanh nghiệp FMCG với đặc thù vòng đời sản phẩm ngắn, thời gian tiêu thụ hàng hóa nhanh và khối lượng sản phẩm lớn cần chú trọng đến việc quản trị tài chính, quản trị thanh khoản, đặc biệt là quản trị chuỗi cung ứng đầu ra, đầu vào vì một khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sẽ tạo ra hiệu ứng "domino" trong toàn chuỗi.
Ông Trần Lệ Nguyên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An, Đồng sáng lập, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Kido.
Vậy doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh cần làm gì để ứng phó với các khủng hoảng và biến động? Làm thế nào để nắm bắt cơ hội bứt phá kinh doanh, chuẩn bị tốt trước các rủi ro? Các vấn đề này sẽ được thảo luận tại tọa đàm "Doanh nghiệp FMCG phục hồi kinh tế, bứt phá sau đại dịch". Sự kiện được phát sóng trên VnExpress và VnExpress.net cùng Fanpage VietinBank lúc 20h, ngày 9/11.
Các chuyên gia sẽ cùng thảo luận các vấn đề xoay quanh việc phục hồi và bứt phá sau Covid-19 của doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh FMCG.
Tham gia sự kiện, các chuyên gia sẽ trao đổi, thảo luận nhiều hơn về ngành hàng tiêu dùng nhanh không chỉ xoay quanh hiệu suất và quản lý chi phí mà sẽ dựa trên mức độ an toàn và khả năng thích ứng của doanh nghiệp nhằm quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh của chính mình.
Tọa đàm gồm ba phần. Thứ nhất, các chuyên gia sẽ đưa ý kiến khái quát về ngành FMCG và nhóm ngành thương mại phân phối. Thứ hai là phần chia sẻ của các diễn giả về cơ chế vận hành và quản trị doanh nghiệp trong và sau đại dịch. Từ đó, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sẽ được thảo luận ở phiên cuối tọa đàm.
Chia sẻ tại tọa đàm lần này có TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam. Ông từng là chuyên gia kinh tế và cố vấn chính sách cấp cao tại Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GIZ), nghiên cứu viên tại Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) và là chuyên viên phân tích tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Là chuyên gia tích cực tham gia vào các sáng kiến của Chính phủ về cải cách khung pháp lý cho doanh nghiệp, đầu tư, tăng cường quản trị kinh tế và năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, tại tọa đàm, TS Lê Duy Bình sẽ có những trao đổi sâu về sự vận hành và phát triển của doanh nghiệp ngành FMCG Việt Nam so với thế giới. Tiến sĩ cũng sẽ giải thích lý do ngành hàng tiêu dùng nhanh lại có thể đứng tương đối vững trong đại dịch.
Ông Trần Lệ Nguyên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An, Đồng sáng lập, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Kido cũng sẽ đưa nhiều ý kiến đóng góp hữu ích về các vấn đề xoay quanh doanh nghiệp FMCG.
Tại tọa đàm, ông Nguyên sẽ bàn về những yêu cầu cụ thể trong việc quản trị doanh nghiệp và vận hành sản xuất, phân phối. Bên cạnh đó là những trải nghiệm, chiến lược của Kido, cách thức vận hành để vượt qua thách thức đại dịch và nhiều ảnh hưởng từ biến động thị trường.
Cùng tham gia thảo luận tại tọa đàm lần này còn có ông Trần Hoài Nam - Phó Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển Giải pháp tài chính khách hàng VietinBank. Ông Nam có kinh nghiệm quản lý trên 20 năm ngành tài chính ngân hàng về các nghiệp vụ quản lý rủi ro, khách hàng doanh nghiệp lớn, khách hàng doanh nghiệp SME...
Tham gia tọa đàm, với chia sẻ từ góc độ ngân hàng, đại diện VietinBank sẽ bàn thêm về chiến lược đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành trong và sau đại dịch của nhà băng này. Ông Nam cũng sẽ nói rõ hơn về các gói dịch vụ, giải pháp và chính sách ưu đãi của VietinBank dành cho doanh nghiệp FMCG thời gian tới.
Nguồn: Huyền Anh - VNExpress.