Giải pháp nào cho xuất khẩu nông sản Việt Nam?
Giải pháp nào cho xuất khẩu nông sản Việt Nam?
Nhiều loại nông sản của Việt Nam hiện nay dù đã được xuất khẩu sang nhiều nước lớn trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Australia,… tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam vẫn xuất khẩu nông sản thô là chủ yếu, hàm lượng chế biến thấp, chiếm khoảng 70-80% tổng kim ngạch xuất khẩu, nên giá trị và mức độ cạnh tranh không cao...
Xây dựng chuỗi cung ứng cho xuất khẩu nông sản Việt Nam
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tiếp tục điểm sáng trong bức tranh kinh tế khi duy trì được đà tăng trưởng hết sức ấn tượng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2024 đạt 32.81 tỷ USD, tăng 15.8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, nhóm ngành rau quả là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng so với năm ngoái, kim ngạch tháng 5 ước đạt 700 triệu USD, tăng 7.4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ ước tính xuất siêu 8.01 tỷ USD.
Nhiều dư địa cho xuất khẩu nông sản Việt Nam
Nhiều loại nông sản Việt Nam hiện nay dù đã được xuất khẩu sang nhiều nước lớn trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Australia,… tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam vẫn xuất khẩu nông sản thô là chủ yếu, hàm lượng chế biến thấp, chiếm khoảng 70-80% tổng kim ngạch xuất khẩu, nên giá trị và mức độ cạnh tranh không cao. Có thể thấy rằng, đây không phải là hướng đi bền vững và hiệu quả.
Theo các chuyên gia, dư địa thị trường xuất khẩu là rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên ngoài việc đảm bảo chất lượng và số lượng ổn định cho đối tác, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cũng cần đa dạng hoá sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng cho trái cây mùa vụ bằng việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu,...
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, hiện nay các doanh nghiệp ở địa phương đa số có quy mô vừa, nhỏ và rất nhỏ. Vì vậy, dù có tiềm năng xuất khẩu nhưng các đơn vị này lại không thể đáp ứng được những đơn hàng có giá trị lớn cũng như sản lượng lớn của nước ngoài. UBND các địa phương cần phải có cơ chế khuyến khích để hình thành và phát triển những doanh nghiệp chuyên biệt về ngoại thương.
EU, Hoa Kỳ, Australia,… là những thị trường rất khắt khe, dù đã đưa được hàng hoá vào thị trường này nhưng về lâu dài, nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn mà đối tác đưa ra, sẽ khó vào được một lần nữa.
“Ta phải có sự đồng bộ. Xuất khẩu nông sản là một chuỗi cung ứng. Nếu đảm bảo được chuỗi này thì tất cả các khâu của chuỗi cung ứng sẽ hoạt động rất trơn tru.” - Ông Trần Tuấn Minh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Việt Nam - ASEAN chia sẻ.
Chất lượng sản phẩm hay giá cả cạnh tranh là những yếu tố quan trọng giúp nông sản Việt Nam giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng tại nhiều thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác.
Đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá sản phẩm xuất khẩu
Nhìn từ thành công xúc tiến xuất khẩu vải thiều của tỉnh Bắc Giang, thời gian qua, tỉnh luôn nhất quán chỉ đạo xuyên suốt từ tỉnh tới cơ sở, là sản xuất các sản phẩm nông sản có chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, công nghệ, đảm bảo truy suất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của thị trường,…
Vải thiều tươi Việt Nam được bày bán trên kệ siêu thị Nhật Bản
Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh sản xuất, chế biến sâu sản phẩm vải thiều như vải sấy khô, nước ép vải, vải đông lạnh và vải đóng hộp,... nhằm đa dạng hoá sản phẩm xuất khẩu, thu hút sự tham gia của các chủ thể tham gia chuỗi giá trị từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, góp phần đưa quả vải của tỉnh đi được xa hơn và bền vững hơn.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động kết nối, mời gọi các doanh nghiệp ký liên kết tiêu thụ, và đã có khoảng 10 doanh nghiệp có kế hoạch và ký hợp đồng tiêu thụ vải thiều xuất khẩu với người trồng vải và chuẩn bị tốt các điều kiện tham gia các chương trình, hội nghị xúc tiến, kết nối giao thương; tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.
Bằng các cách làm này, vải thiều Bắc Giang đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, có chỗ đứng trong nhiều năm ở thị trường các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ,…
Mới đây, Cần Thơ đã xuất khẩu lô xoài tượng da xanh đầu tiên sang thị trường Australia và Hoa Kỳ. Theo ông Lê Chí Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ, lô xoài tượng da xanh lần đầu tiên được xuất khẩu là bước khởi điểm tạo động lực cho người nông dân trồng xoài tích cực học hỏi kiến thức khoa học kỹ thuật, những quy định mới của thị trường trong và ngoài nước.
Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường, góp phần gia tăng giá trị trái xoài Cờ Đỏ, đồng thời giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống người dân.
Cần Thơ xuất khẩu thành công lô xoài tượng da xanh đầu tiên sang thị trường Australia và Hoa Kỳ (Ảnh: qdnd.vn)
Thời gian tới, huyện Cờ Đỏ mong muốn tiếp cận được các chính sách, các chương trình hỗ trợ cho nông dân trong khâu liên kết tiêu thụ, những quy định, kỹ thuật mới, chương trình hay từ phía cơ quan trung ương và thành phố Cần Thơ giúp cho nông dân Cờ Đỏ ngày càng phát triển và đưa nhiều hơn sản phẩm nông sản Cờ Đỏ xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế.
Để các mặt hàng nông sản mang thương hiệu Việt Nam khẳng định giá trị trên các kệ hàng hóa tại hệ thống phân phối quốc tế, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng; tuân thủ các yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, chính sách hiện hành nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa ngành hàng và chuyển từ phát triển chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi giá trị ngành hàng, bắt nhịp xu hướng tiêu dùng của thị trường toàn cầu.