Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM: Kinh tế thành phố có tín hiệu phục hồi

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM: Kinh tế thành phố có tín hiệu phục hồi


Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng kinh tế thành phố quý II sẽ được cải thiện.

Mở đầu buổi họp báo định kỳ của ngành công thương TP.HCM quý I chiều 3/4, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương thành phố, nhìn nhận đang có những thông tin không tốt dấy lên nỗi lo cho kinh tế thành phố.

Tuy nhiên, với ngành Công Thương, bao gồm các lĩnh vực công nghiệp và thương mại, ông đánh giá diễn biến chung đang được cải thiện.

Chỉ số công nghiệp đang có xu hướng phục hồi

Nói về chỉ số IIP giảm 0,9% trong quý I, ông cho rằng lý do đến từ quy mô sản xuất công nghiệp của thành phố khá lớn, lại bước vào năm 2023 với bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn tác động đến mảng công nghiệp xây dựng vốn chiếm tỷ trọng lớn.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh mức giảm này thấp hơn mức giảm chung của cả nước. Trả lời Zing về việc nhiều địa phương khác vẫn ghi nhận tăng trưởng chỉ số IIP, ông Vũ cho rằng đây là những tỉnh vừa thu hút được lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, đang chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, trong khi TP.HCM đã chuyển dịch từ lâu.

"Mặt khác, chỉ số IIP của thành phố có giảm nhưng tốc độ giảm đã thu hẹp qua từng tháng. Cụ thể, IIP tháng 1 giảm 15%, 2 tháng giảm 2,5%, 3 tháng giảm 0,9%. Tôi cho rằng đây là dấu hiệu phục hồi trong thời gian tới", ông Vũ phân tích thêm.

Theo Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cả 5 nhóm ngành công nghiệp ghi nhận sự sụt giảm trên địa bàn đều là những ngành phụ thuộc khá lớn vào thị trường xuất khẩu. Do đó, trong bối cảnh tổng cầu thế giới sụt giảm, cả số lượng đơn hàng lẫn giá trị đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm vẫn tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp thành phố, khi tăng trưởng 8,2%, tốt hơn mức tăng 5,4% của cùng kỳ.


Vì vậy, trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt thông qua Diễn đàn và Hội chợ hỗ trợ xuất khẩu TP.HCM 2023 dự kiến diễn ra ngày 25-28/5, tập trung vào 7 nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của TP.

"Chúng tôi muốn đưa TP.HCM thành nơi mà những người hoạch định chính sách gặp nhau, nơi những nhà mua hàng lớn quốc tế thảo luận về khuynh hướng tiêu dùng ở các thị trường tiềm năng. Qua đó, doanh nghiệp sản xuất nắm bắt được xu hướng, mở rộng thị trường và nguồn cung ứng nguyên liệu ổn định", ông Vũ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông cũng cho biết sẽ tiếp tục kết nối các doanh nghiệp với ngân hàng, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề lao động. Ông tự tin TP.HCM đang có nhiều giải pháp hỗ trợ cho ngành công nghiệp dày hơn, sâu hơn các địa phương khác.

Khảo sát của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy gần 50% doanh nghiệp trên địa bàn đánh giá quý I năm nay khó khăn hơn quý IV/2022. Tuy nhiên, nhìn về triển vọng quý II, có đến 37,4% doanh nghiệp cho rằng xu hướng sẽ tốt hơn, bên cạnh 36,3% đơn vị khác tin tưởng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Sức mua tăng, siêu thị tung nhiều gói kích cầu

Ở góc độ bán lẻ, TP.HCM ghi nhận tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3 tháng đầu năm ước đạt gần 264.000 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 9,1%.

Trả lời Zing tại họp báo, đại diện Saigon Co.op và Satra cho hay doanh thu quý I lần lượt tăng 5% và 7,2% so với cùng kỳ. Còn tại Central Retail, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, đại diện hệ thống, chia sẻ sức mua tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Tuy vậy, bà nhìn nhận đây là tín hiệu vui nhưng không an toàn.

"Thực sự người Việt vẫn thắt lưng buộc bụng nên thị trường đang chững lại. Chúng tôi chưa dám đưa ra dự báo nào cho quý II", bà Thu Hiền chia sẻ.

Tại MM Mega Market, ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Thu mua cũng cho hay sức mua đối với cả nhóm khách hàng cá nhân và nhóm khách hàng chuyên nghiệp như nhà hàng, khách sạn đã tăng 11,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giỏ hàng đang bị hụt đi khoảng 10% do hiện tại người tiêu dùng chỉ dành ngân sách cho sản phẩm thiết yếu.

 Các hệ thống phân phối đều ghi nhận sức mua 3 tháng đầu năm tăng trưởng so với cùng kỳ.
Ảnh: Phương Lâm.

Trong bối cảnh này, đại diện Sở Tài chính cho biết các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ở TP.HCM năm nay vẫn thống nhất giữ ổn định mức giá so với năm 2022.

"Ở một số ngành hàng, đặc biệt liên quan gia súc, gia cầm, doanh nghiệp đã đủ điều kiện tăng giá bán hàng bình ổn (giá các yếu tố đầu vào tăng quá 5% - PV), nhưng qua làm việc với Sở, họ vẫn ủng hộ và không điều chỉnh tăng để hỗ trợ người tiêu dùng trong bối cảnh lạm phát", đại diện Sở Tài chính chia sẻ.

Central Retail cũng cho biết bên cạnh tham gia chương trình bình ổn thị trường, hệ thống đã chủ động làm thêm nhiều hoạt động khác để kích cầu, như tuần hàng hải sản, đặc sản, trái cây... hay chương trình giá luôn rẻ cho hơn 1.000 sản phẩm suốt năm, kỳ vọng phần nào thu hút khách hàng tới.

Còn MM Mega Market triển khai chương trình giá sỉ như giá ở chợ đầu mối với các mặt hàng thiết yếu, đồng thời "khóa giá" một số mặt hàng.

"Hiện tại, đã có khoảng 37 doanh nghiệp cam kết không tăng giá trong thời gian tới, ít nhất trong quý II, với hơn 50 sản phẩm thiết yếu. Hy vọng tình hình trong quý II sẽ tốt hơn kỳ vọng", ông Nguyễn Đức Toàn chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, với những giải pháp hỗ trợ tiết giảm chi phí logistics và kết nối cung cầu hàng hóa thời gian qua, mảng bán lẻ của thành phố sẽ được trợ lực tốt.

Khảo sát nhanh với các hệ thống phân phối, Sở Công Thương cho biết Lotte dự kiến doanh thu quý II tăng 25%; Mega Market tăng 11,8%; Satra tăng 5-7%; Saigon Co.op tăng 5%

Nguồn: Zing News