Giảm thu để 'tiếp sức' doanh nghiệp
Giảm thu để 'tiếp sức' doanh nghiệp
Chi phí xăng dầu, logistics, nguyên vật liệu nhập khẩu, lao động… đồng loạt tăng giá đã gia tăng gánh nặng lên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm áp lực tăng giá, duy trì sức mua của thị trường, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp…
Khó khăn bủa vây
Khó khăn bủa vây
Ghi nhận từ các doanh nghiệp, giá xăng dầu tăng phi mã buộc nhà sản xuất phải điều chỉnh tăng giá thành sản phẩm. Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh Nguyễn Hoàng Ngân cho biết, nguyên liệu được công ty tích trữ từ cuối năm ngoái nhằm phục vụ sản xuất quý 1 đã sử dụng hết và phải nhập nguyên liệu mới để sản xuất quý 2.
Các đối tác cung ứng nguyên liệu thông báo, giá nguyên liệu tăng từ 6%-8% nên công ty phải chủ động điều chỉnh giá bán sản phẩm ở mức tương ứng. Dự kiến, đầu tháng 4, công ty sẽ áp dụng giá bán mới.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Nam Chiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhất Hương chia sẻ, công ty không còn khả năng cắt giảm các chi phí khác để kìm đà tăng giá bán sản phẩm trong quý 2. Đợt nhập nguyên liệu mới cho quý 2 này có mức giá tăng khoảng 10%, nên doanh nghiệp buộc phải tăng giá thành sản phẩm.
Bên cạnh áp lực xăng dầu tăng cao, các doanh nghiệp quan ngại vấn đề đến từ bên ngoài, như nhiều thị trường xuất khẩu tiếp tục áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, làm cho nội lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường vốn đã yếu nay càng thêm khó khăn.
Đơn cử, tại thị trường xuất khẩu chủ lực Hoa Kỳ, Bộ Thương mại nước này vừa áp mức thuế chống bán phá giá sản phẩm túi nhựa Việt Nam tới 76%. Trước đó, Malaysia đã điều tra chống bán phá giá nhựa Việt Nam, thậm chí Philippines đã áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm hạt nhựa nhập khẩu từ Việt Nam…
Các doanh nghiệp dệt may thông tin, tình hình kinh tế tiếp tục bất ổn đã khiến nhiều chuỗi cửa hàng dệt may, giày da của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Uniqlo, H&M, Zara, Mango… buộc phải ngưng hoạt động hoặc đóng các chuỗi cửa hàng bán lẻ tại nhiều thị trường lớn. Thực tế này đã làm sụt giảm đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong nước, gây khó khăn cho kế hoạch phục hồi sản xuất.
Doanh nghiệp dệt may gặp khó do nguyên vật liệu tăng giá. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đối với mặt hàng nông thủy hải sản, vốn là ngành hàng xuất khẩu chủ lực Việt Nam thì gặp khó khi hàng loạt quốc gia tăng cường rào cản kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS, Bộ NN-PTNT cho biết, chỉ tính từ 21-1 đến 20-2, các thành viên WTO đã đưa ra 77 dự thảo lấy ý kiến và 42 thông báo có hiệu lực áp dụng liên quan đến kiểm soát chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trong đó, EU có 6 thông báo về thay đổi mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; Nhật Bản có 25 thông báo về thay đổi mức dư lượng thuốc thú y, bảo vệ thực vật và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch; còn Canada, Hoa Kỳ lần lượt là 10 và 8 thông báo thay đổi mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…
Rà soát cắt giảm thuế, phí
Trong bối cảnh rào cản khó khăn đa chiều như vậy, các doanh nghiệp cho rằng, có nhiều khoản chi phí mà phía cơ quan chức năng phải rà soát và cắt giảm hoặc giãn thời gian thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nội lực. Đối với giá xăng dầu, tín hiệu đáng mừng là các bộ đã trình giảm thuế môi trường 2.000 đồng/lít xăng, chờ Chính phủ trình Quốc hội thông qua, nhưng giá vẫn còn rất cao, cần giảm nữa.
Tiếp đó, 15 hiệp hội doanh nghiệp đã đồng kiến nghị Chính phủ nên bãi bỏ hoặc lùi thời hạn áp dụng việc không thu đóng góp tài chính với bao bì, sản phẩm có giá trị thương mại và vật liệu thân thiện với môi trường, giảm mức đóng góp cho nhựa tái sinh sản xuất ở Việt Nam.
Mới đây, 7 hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị lên TPHCM, Chính phủ về việc chưa triển khai thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TPHCM. Nếu áp dụng việc thu phí này sẽ tạo ra các bất hợp lý sau: Thời điểm áp dụng chưa phù hợp, mức phí chưa công bằng sẽ tạo thêm gánh nặng và tăng thời gian thực hiện thủ tục hành chính, dẫn đến việc “phí chồng phí”.
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam đề xuất, TPHCM xem xét chưa triển khai thực hiện áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển cho đến hết ngày 31-12 năm nay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí, phục hồi sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, thành phố cũng cần điều chỉnh các mức thu mới giảm để không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Giá nguyên liệu bất ổn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, trong đó có ngành thép. Ảnh: HOÀNG HÙNG
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng tin học TPHCM, phân tích, để hỗ trợ người dân cũng như doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần rà soát lại các khoản phí, thuế xem có thể giảm, hoặc tạm ngừng thu để giúp doanh nghiệp hạ nhiệt giá hàng hóa trên thị trường và sẽ thu bù, thu thêm khi nền kinh tế ổn định hơn. Song song đó, những chính sách hỗ trợ từ cơ quan chức năng đưa ra phải nhanh chóng đi vào thực tiễn.
Có thể thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi sản xuất nhưng lại đối mặt với nhiều “cú sốc” như giá xăng dầu tăng, cước vận tải biển tiếp tục tăng cao, giá nguyên liệu tăng... Ngay từ lúc này, chính quyền cần có quyết sách khoan sức dân, hà hơi tiếp sức cho doanh nghiệp để dưỡng nguồn thu, tạo đà cho nền kinh tế phát triển ổn định!
Nguồn https://baomoi.com/giam-thu-de-tiep-suc-doanh-nghiep/c/42043448.epi