Hàng Tết dồi dào, bảo đảm an toàn thực phẩm
Hàng Tết dồi dào, bảo đảm an toàn thực phẩm
Nhiều sở, ngành, doanh nghiệp ở TP HCM đang phối hợp chặt chẽ để cung ứng hàng hóa đầy đủ, đa dạng, giá ổn định và kiểm soát an toàn thực phẩm để người dân yên tâm vui xuân đón Tết.
Những ngày gần đây, sức mua thị trường Tết tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP HCM tăng đáng kể so với trước đó. Không khí mua sắm trong những ngày giáp Tết Nguyên đán ngày càng rộn ràng hơn.
Hàng nhiều, giá rẻ
Chuẩn bị vào 10 ngày cận Tết, các hệ thống phân phối bên cạnh việc tăng cường nguồn hàng hóa đã bắt đầu tung chương trình khuyến mãi; tập trung vào nhóm hàng thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, mứt, thực phẩm ăn liền… với mức giảm giá lên đến 50% - 70%. Nhiều đơn vị tuyển thêm lao động thời vụ, có kế hoạch tăng cường đội ngũ chăm sóc khách hàng, hỗ trợ công việc tại các quầy hàng, quầy thu ngân, giao hàng… cho khách.
Theo thống kê nhanh đến ngày 28-1, ở một số hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM như Saigon Co.op, MM Mega Market, Emart, Aeon, Lotte Mart, Big C, GO!, Tops Market…, lượng khách mua sắm đã tăng 15% - 20% so với đầu tháng 1-2024. Doanh thu bán hàng cũng tăng tương ứng với lượng khách. Quản lý nhiều siêu thị thở phào vì giá trị giỏ hàng của khách đã tăng so với trước.
Người dân TP HCM bắt đầu đổ về các siêu thị để mua sắm Tết
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP HCM, cho biết: "Nếu mua phải hàng dỏm, hàng giả, người dân có thể gọi đến đường dây nóng của Cục QLTT thành phố - 028.3932.1014, Tổng cục QLTT - 1900.888.655".
Ngày 28-1, trả lời câu hỏi của ông Trần Ngọc Phát, Giám đốc HTX Quản lý chợ Rạch Ông (quận 8, TP HCM), về công tác chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán trong chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời", ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết nhờ thời tiết thuận lợi, sản lượng hàng hóa sản xuất rất cao.
Năm nay, TP HCM có 45 doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Đây là những DN hàng đầu, là đầu mối của nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến lưu thông, phân phối; đồng thời là các DN quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.
"Lượng hàng hóa DN chuẩn bị cho thị trường Tết lên đến 22.000 tỉ đồng, riêng hàng bình ổn thị trường là 8.500 tỉ đồng. Các DN cam kết giữ ổn định giá 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết. Các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% - 43%. DN cũng sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)...; kiên quyết không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hóa, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống" - ông Phương nhấn mạnh.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, sự chuẩn bị của các DN trong bối cảnh thị trường hiện nay sẽ bảo đảm hàng hóa Tết dồi dào, giá cả ổn định. Các DN cũng tính toán việc chăm lo cho thành phần yếu thế, người lao động thu nhập thấp nhận lương thưởng cận Tết nên đã thiết kế giảm giá sâu với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.
Theo khảo sát thực tế tại TP HCM, sức mua hiện nay đã tăng nhưng vẫn còn ở mức thấp so với cùng thời điểm này những năm trước. Tiểu thương các chợ truyền thống, chợ đầu mối vẫn than vắng khách.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền, cho biết giá hầu hết các loại rau đều rẻ hơn 20% - 25% so với mọi năm. Với tình hình này, đến cao điểm chợ Tết (27, 28 tháng chạp), giá cả sẽ ổn định, khó có khả năng tăng cao.
Ông Lê Văn Tiển, Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, cũng xác nhận giá bán một số mặt hàng đang thấp hơn hoặc ổn định so với mọi năm. Với tình hình cung - cầu hiện nay, giá bán cận Tết khả năng duy trì ổn định, trừ một số mặt hàng như hoa, trái cây chưng Tết có thể tăng cục bộ vào 2 ngày giáp Tết do nhu cầu tăng mạnh.
Tập trung kiểm tra, giám sát
Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các loại thịt, cá, trứng, bánh mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát, các loại hạt…
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM, cho hay thời gian này, thời tiết phía Nam thường nắng nóng gay gắt - yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Sở An toàn thực phẩm đã thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành tổ chức kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Giáp Thìn và lễ hội xuân 2024 trên địa bàn. Việc kiểm tra sẽ tập trung ở các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm lớn; các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... Sở còn bố trí các đội an toàn thực phẩm làm việc 24/24 giờ tại các chợ đầu mối để duy trì công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa ra vào chợ.
"An toàn thực phẩm được quan tâm, bảo đảm tại các hệ thống kinh doanh hợp pháp như siêu thị, chợ đầu mối, chợ lẻ... Tuy nhiên, tại TP HCM đang tồn tại tình trạng buôn bán bất hợp pháp, buôn bán vỉa hè, đòi hỏi các cơ quan quản lý giải quyết đồng bộ, tận gốc" - bà Lan lo ngại.
Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM kêu gọi người dân nâng cao nhận thức, chủ động lựa chọn mua sắm thực phẩm tại các cơ sở uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Trước mối lo của người dân thành phố về tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng dịp Tết, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM, cho biết ngay từ giữa tháng 11-2023, cục đã ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024. Theo đó, QLTT sẽ tập trung kiểm tra chặt chẽ các nhóm mặt hàng thiết yếu và có nguy cơ.
Cục QLTT TP HCM đã chỉ đạo các đội QLTT thường xuyên tập trung kiểm tra tại các địa bàn nổi cộm, các tuyến phố du lịch, trung tâm thương mại và các nhóm hàng hóa trọng điểm. QLTT sẽ kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các nhà sản xuất - kinh doanh chân chính.
Không để người dân nào không có Tết
Chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" tháng 2-2024 với chủ đề "Xuân yêu thương - Tết sum vầy" do HĐND TP HCM và Đài Truyền hình TP HCM, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức ngày 28-1.
Bên cạnh các thông tin về hàng hóa phục vụ Tết và công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, chương trình còn cung cấp những thông tin liên quan công tác chăm lo, an sinh xã hội trên địa bàn TP HCM trong dịp Tết. Cùng với đó, chương trình chia sẻ nhiều hình ảnh về bức tranh văn hóa, tinh thần của người dân TP HCM trong Tết Giáp Thìn 2024.
Tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương tập trung chăm lo vật chất, tinh thần để không có người dân nào không có Tết.
Cụ thể, tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng; bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa dịp Tết, kiểm soát giá cả.
Về các hoạt động văn hóa - văn nghệ, lễ hội, cần tổ chức ấn tượng, lan tỏa đến các vùng sâu, vùng xa; văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường... Tăng cường giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông…
Ông Dương Anh Đức cũng yêu cầu các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ phương tiện di chuyển những ngày cuối năm.
Tăng lượng hàng, bán đến khuya
Theo Sở Công Thương TP HCM, hiện nay, mỗi ngày 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn cung ứng khoảng 7.600 tấn nông sản. Dự kiến vào thời điểm cận Tết, lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 - 15.000 tấn/ngày.
Ở kênh bán lẻ hiện đại, các siêu thị, cửa hàng cũng đã sẵn sàng phương án tăng lượng hàng 2 - 3 lần so với ngày thường trong những ngày cận Tết. Song song đó, các siêu thị có phương án kéo giãn thời gian hoạt động để bảo đảm nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng. Cụ thể:
- Từ ngày 20 đến 27 tháng chạp: Mở cửa từ 7 giờ đến 23 giờ.
- Từ ngày 28 đến 29 tháng chạp: Mở cửa từ 6 giờ đến 24 giờ.
- Ngày 30 tháng chạp: Mở cửa từ 6 giờ đến 12 giờ.
- Khai trương năm mới: 8 giờ mùng 2 Tết.
- Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết: mở cửa từ 8 giờ đến 12 giờ.