Điểm sáng kinh tế Việt Nam
Điểm sáng kinh tế Việt Nam
Việt Nam đã duy trì tăng trưởng cao, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn mất ổn định, đối mặt với rủi ro suy thoái
Các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam. Mới nhất, hãng đánh giá tín dụng Moody’s vừa nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2.
Phục hồi, tăng trưởng ấn tượng
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã duy trì tăng trưởng cao, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn mất ổn định, đối mặt với rủi ro suy thoái. Các cân đối lớn về năng lượng, lương thực được bảo đảm, nợ công, nợ chính phủ giảm mạnh… trong thời gian khá dài.
Ngay cả giai đoạn khó khăn nhất của dịch COVID-19 trong năm 2020-2021, thành quả này cũng được duy trì. Nhờ đó, nền kinh tế có bước phục hồi tích cực ngay từ đầu năm 2022, tăng trưởng GDP 6 tháng năm 2022 ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, dự kiến cả năm sẽ vượt mục tiêu đề ra (6%-6,5%). Đáng chú ý, GDP quý II/2022 tăng 7,72%, cao nhất trong hơn 10 năm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết tính chung 8 tháng năm 2022, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 85,6% dự toán, tăng 19,4% so với cùng kỳ. Kết quả dự kiến cả năm cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) liên tục nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế GDP năm 2022 của Việt Nam lên lần lượt là 7% và 7,5%.
Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) cập nhật năm 2022 (công bố ngày 21-9) giữ nguyên triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023. Bản cập nhật báo cáo kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc ADB tại Việt Nam, đánh giá kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022, tiếp tục đà phục hồi trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Kinh tế ổn định nhờ các cân đối kinh tế mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ.
Ngành sản xuất chế tạo được đánh giá đang phục hồi nhanh hơn dự kiến Ảnh: THANH NHÂN
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, cho biết Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh. Ngoài những động lực truyền thống như về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, nền tảng kinh tế vĩ mô vững mạnh là điều kiện quan trọng nhất giúp Việt Nam phục hồi và tăng trưởng nhanh. Tại một số nước, kể cả những nước phục hồi và tăng trưởng tốt, nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô không ổn định và chắc chắn như Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Cường đánh giá đây chính là lý do tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng "Ổn định". "Việt Nam là nền kinh tế duy nhất ở châu Á - Thái Bình Dương được nâng cấp trong khi các nền kinh tế khác hoặc bị hạ xuống hoặc giữ nguyên" - chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB bình luận.
Kiểm soát tốt lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng tăng 2,58%, tương đương các năm 2018-2021. Kết quả này phản ánh nỗ lực của Chính phủ trong công tác quản lý, điều hành giá. Ông Andrew Jeffries cho biết kinh tế Việt Nam phải đối mặt không ít thách thức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát đang tăng cao tại Mỹ, châu Âu… "Việt Nam đã có sự tự cường rất cao để bảo đảm cân đối cho nền kinh tế" - ông Andrew Jeffries bày tỏ.
Ông Andrea Coppla, chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, nêu nhận định trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều bất lợi, suy giảm, sự tăng trưởng của các đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam sẽ chậm hơn. Lạm phát có chiều hướng tăng ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, trong đó có nguồn cung ứng về năng lượng... Tuy nhiên, thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam phục hồi rất nhanh chóng và rất ấn tượng. Tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong quý II, quý III/2022 rất tốt. Ngành công nghiệp cũng đã có tăng trưởng vượt bậc…
PGS-TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh giá kết quả tăng trưởng trong 8 tháng qua và một số chỉ tiêu quan trọng của nền kinh tế "hết sức ngoạn mục". "Điều này cũng dự báo năm nay Việt Nam đi ngược vòng xoáy của kinh tế thế giới" - ông Hoàng Văn Cường nói.
Ông nhấn mạnh kết quả này thể hiện "nghệ thuật" trong điều hành kinh tế, kiên định trong ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cũng rất linh hoạt. "Khả năng áp lực về lạm phát của Việt Nam từ nay đến cuối năm không còn cao như giai đoạn trước. Nếu chúng ta tiếp tục duy trì chính sách chắc tay như vừa qua sẽ kiểm soát tốt lạm phát, đạt mục tiêu đề ra" - ông Cường nhận định.
Chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành cũng nhìn nhận sức chống chịu của hệ thống các tổ chức tài chính, ngân hàng Việt Nam đã tốt hơn nhiều. Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô vững vàng hơn nhờ kinh nghiệm điều hành chính sách tốt hơn trước đáng kể. "Minh chứng cụ thể là sự phối hợp chính sách giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước hay tính linh hoạt và kịp thời trong điều hành cung tiền, bảo đảm thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước" - ông Thành nêu.
Xuất khẩu dự báo lập kỷ lục mới
Nhấn mạnh về gam màu sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao. Tám tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 497,64 tỉ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 250,8 tỉ USD (tăng 17,3%). "Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng ước tính xuất siêu 3,96 tỉ USD, là điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn" - bà Hương đánh giá.
Trong khi đó, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa tháng 9-2022 đạt 26,34 tỉ USD. Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 9-2022 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15-9 đạt 526,04 tỉ USD, tăng 15,7%, tương ứng tăng 71,46 tỉ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.
Về phía doanh nghiệp (DN), ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX), cho hay kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 30,2 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm. Với mức tăng trưởng 20%, ông Trường cho rằng đây là tốc độ tăng trưởng "hơn 10 năm qua không có".
Điểm sáng về xuất nhập khẩu hàng hóa còn được Bộ Công Thương dự báo sẽ duy trì và có kết quả nổi bật trong những tháng còn lại của năm 2022, nhờ đó có thể tạo nên kỷ lục mới về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, tổng kim ngạch của cả năm 2022 ước đạt trên 700 tỉ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu.
TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhìn nhận thời gian qua, hệ thống kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã chống lại các bất ổn thế giới tương đối thành công. Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch lo ngại những bất ổn này còn kéo dài và rất khó đoán định. Vì vậy, Việt Nam luôn cần ở tâm thế sẵn sàng chống chịu với những bất ổn đó, duy trì tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong điều hành vĩ mô.
Đã có 48.100 DN hoạt động trở lại
Trên cả nước, số DN đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động trong 8 tháng tiếp tục ghi nhận những cột mốc mới, cao nhất từ trước đến nay với 149.500 DN, tăng 31,1% so với cùng kỳ. Trong đó, 48.100 DN trở lại hoạt động, tăng 48,3%. "Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy các chính sách của Chính phủ trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, tạo niềm tin cũng như cơ hội cho cộng đồng DN" - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết.
Riêng lĩnh vực du lịch, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, bộ ngành, địa phương và đặc biệt là sự nỗ lực của các DN, lĩnh vực du lịch đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 với tổng thu trên 356.000 tỉ đồng. Gần 90% các đơn vị du lịch, lưu trú đã hoạt động trở lại.
Nguồn https://nld.com.vn/kinh-te/diem-sang-kinh-te-viet-nam-20220925212352512.htm