Kết nối cung - cầu, tạo đầu ra cho sản phẩm vùng ĐBSCL

Kết nối cung - cầu, tạo đầu ra cho sản phẩm vùng ĐBSCL

Việc triển khai nhiều hoạt động kết nối giao thương giữa TPHCM với vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang tạo điều kiện để sản phẩm của các doanh nghiệp vùng ĐBSCL đến gần hơn với người tiêu dùng TPHCM.

Vùng ĐBSCL được đánh giá có tiềm năng, lợi thế về phát triển thương mại, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và là địa bàn hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Hàng năm, ĐBSCL cung cấp lượng lớn gạo, trái cây, thủy hải sản cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp như rau củ quả, thủy sản… của vùng gặp khó khăn về đầu ra do đơn hàng xuất khẩu sụt giảm.

Trong bối cảnh đó, ngành công thương các tỉnh vùng ĐBSCL xác định việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường nội địa nói chung, thị trường TPHCM nói riêng là rất quan trọng. Bởi lẽ thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường TPHCM - với dân số đông, nhu cầu sử dụng các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng rất lớn. Từ đó, các tỉnh ĐBSCL đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường cung cấp các nguồn nguyên liệu, lương thực, thực phẩm cho thị trường TPHCM.

“Theo xu hướng chung, hiện việc tìm đầu ra của doanh nghiệp tỉnh Long An còn khó khăn. Do đó, Sở Công thương tỉnh Long An tăng cường kêu gọi doanh nghiệp tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, đặc biệt là hoạt động xúc tiến thương mại tại TPHCM. Thông qua những sự kiện này, doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu tiêu dùng của người dân, qua đó tiếp cận xu hướng tiêu dùng sản phẩm mới. Điều đặc biệt là hầu hết các hội chợ, sự kiện triển lãm được tổ chức ở TPHCM luôn có nhiều doanh nghiệp Long An đăng ký tham gia. Sau mỗi lần đưa hàng tới TPHCM, doanh nghiệp và hợp tác xã của tỉnh đã tìm được đầu ra, liên kết với nhà phân phối tại TPHCM”, bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, chia sẻ.

Hàng hóa được kết nối vào TPHCM qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu

Theo ước tính, từ đầu năm đến nay, đã có hàng chục chương trình hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối giao thương giữa TPHCM với các tỉnh khu vực ĐBSCL được tổ chức. Một vài sự kiện nổi bật có thể kể tới như diễn đàn Mekong Connect 2023, triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TPHCM, hội chợ khuyến mãi “Shopping Season”... hay gần đây nhất là một số hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa được tổ chức tại Sóc Trăng, An Giang. Qua những chương trình này, doanh nghiệp sản xuất, hợp tác trong vùng ĐBSCL đã được kết nối với nhà phân phối và người tiêu dùng ở TPHCM.

Ông Nguyễn Hữu Công, chủ cơ sở sản xuất chanh leo ngọt Sáu Công (tỉnh Sóc Trăng), cho biết, cuối tháng 11-2023, sau khi tham gia Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa tỉnh Sóc Trăng, cơ sở Sáu Công đã trao đổi với siêu thị Co.opmart và thống nhất được phương án đưa các sản phẩm chanh leo vào hệ thống siêu thị này. Tương tự, theo đại diện Công ty TNHH Huy Nam (Kiên Giang), việc tích cực tham gia các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ triển lãm, phiên chợ bán hàng do ngành công thương tổ chức ở TPHCM đã giúp công ty thu nhận ý kiến, nhu cầu thực tế của khách hàng để hoàn thiện sản phẩm cả về hình thức lẫn chất lượng cũng như tìm kiếm và phát triển thêm đại lý phân phối.

Ngoài những hoạt động kể trên, cuối tháng 12-2023, Sở Công thương TPHCM sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các địa phương, trong đó có vùng ĐBSCL. Hoạt động này nhằm kết nối 2 chiều, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ; đưa hàng hóa các tỉnh, thành vào hệ thống phân phối tại TPHCM và ngược lại. Đồng thời, sự kiện cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm nguồn hàng chất lượng cao, giá cả hợp lý để bổ sung nguồn cung hàng hóa bình ổn thị trường nhằm phục vụ người dân TPHCM, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán 2024 sắp tới.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, hoạt động kết nối cung - cầu từ sáng kiến của TPHCM đã triển khai 11 năm và mang lại hiệu quả lớn. Đặc biệt, trong tình hình kinh tế hiện nay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những lý do khách quan nên việc tăng cường sức mua, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa là rất quan trọng. Các hệ thống phân phối đang tích cực tìm kiếm nguồn hàng chất lượng, giá tốt, mẫu mã phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng để cung ứng ra thị trường nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Nhiều nhà sản xuất cũng tìm cách tiếp cận các hệ thống phân phối để tiêu thụ hàng hóa của mình. Tuy nhiên, nếu để doanh nghiệp tự thân vận động sẽ gặp rất nhiều khó khăn và hội nghị kết nối giao thương là cơ hội mà TPHCM và các tỉnh, thành tạo ra để giúp các bên gặp nhau, vừa tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, vừa giúp doanh nghiệp có mạch kết nối thuận lợi và hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn.