Khu chế xuất Tân Thuận hướng tới trở thành khu công nghệ cao

Khu chế xuất Tân Thuận hướng tới trở thành khu công nghệ cao

Đề án xây dựng khu chế xuất Tân Thuận thành khu công nghệ cao thông qua việc điều chỉnh chính sách quy hoạch và thí điểm nhiều ưu đãi đang nhận được sự ủng hộ từ Thành ủy TP.HCM.

Chiều 23/4, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cùng các đồng chí Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng đã có buổi tham quan và làm việc tại VNG - doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu tại khu chế xuất Tân Thuận.

Nâng cao hiệu quả hoạt động

Tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo đã lắng nghe báo cáo quản lý khu chế xuất từ đại diện ban lãnh đạo khu chế xuất Tân Thuận (Hepza) và đại diện UBND quận 7. Chương trình làm việc cũng tiếp tục với phần trình bày báo cáo hoạt động từ VNG và định hướng phát triển của công ty trong thời gian tới.

Chuyến thăm này nằm trong khuôn khổ chương trình hành động của TP.HCM liên quan đến lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số có hiệu quả, cung cấp thực tế công tác đầu tư, quản lý và vận hành khai thác tại doanh nghiệp. Từ đó, Thành ủy sẽ có những chỉ đạo kịp thời nhằm hỗ trợ các đơn vị liên quan thực hiện tốt chương trình hành động đề ra.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ, thành phố đang cùng ban quản lý khu chế xuất Tân Thuận thực hiện đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của khu chế xuất, hướng tới xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp như ưu đãi về đất đai, nhà ở cho người lao động. Qua đó, khu chế xuất có thể thu hút các doanh nghiệp công nghệ thông tin và nhà đầu tư nước ngoài.

 Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cùng các đồng chí Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng có buổi làm việc tại VNG vào ngày 23/4.

Ông Phạm Thanh Trực - Phó trưởng ban quản lý Hepza - cho biết từ năm 2017, Hepza đã phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện đề án chuyển đổi khu chế xuất thành khu công nghiệp đến năm 2030, định hướng 2045.

“Sau khi kết thúc chu kỳ hoạt động năm 2042, khu chế xuất sẽ tiếp tục tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, dược phẩm và tập trung một phần cho đào tạo. Chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện để các doanh nghiệp như VNG có thể dễ dàng triển khai thực hiện các dự án nằm trong khu chế xuất Tân Thuận”, ông Phạm Thanh Trực chia sẻ.

Lợi thế thu hút nguồn nhân lực tri thức cao

Hiện nay, khu chế xuất đang làm việc với các cơ quan liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án thí điểm Tân Thuận, dự kiến đến tháng 6/2024 sẽ có kết quả. Trước đây, doanh nghiệp chỉ có thể xây dựng không quá 40% tòa nhà 3 tầng trở lên, quy định này đang được điều chỉnh theo hướng tăng tỷ lệ thành 70% và không hạn chế số tầng.

Bên cạnh đó, việc kéo dài thời hạn cho thuê đất tại khu chế xuất cũng là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm để yên tâm đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất lâu dài. Hiện nay, thời hạn cho thuê đất tại khu chế xuất Tân Thuận chỉ còn 18 năm.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM - cùng đoàn đại biểu tham quan trung tâm dữ liệu VNG Data Center.

Chỉ tính riêng tại khu chế xuất, VNG đang vận hành 2 cơ sở lớn quan trọng là trụ sở chính VNG Campus rộng hơn 52.000 m2 và VNG Data Center - trung tâm dữ liệu có quy mô tủ rack lớn nhất Việt Nam. Chia sẻ tại buổi làm việc, lãnh đạo VNG nhận định khu chế xuất Tân Thuận có rất nhiều tiềm năng để chuyển đổi thành khu công nghệ cao và dịch vụ thương mại.

Hiện nay, đã có khá nhiều doanh nghiệp công nghệ cao đang đặt trụ sở tại khu chế xuất Tân Thuận tương tự VNG và những doanh nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ đòi hỏi có sự chính xác và hàm lượng kỹ thuật cao như chip điện tử, thiết bị cảm biến… Với vị trí địa lý thuận lợi như liền kề quận 1, kết nối những quận lân cận thông qua các tuyến đường thông suốt và hạ tầng đồng bộ, khu chế xuất Tân Thuận đang có lợi thế lớn trong việc thu hút nguồn nhân lực tri thức cao.

Lãnh đạo VNG cho biết thêm, hiện nay có nhiều nhân sự đang làm việc tại VNG là các chuyên gia nước ngoài và các du học sinh đã có nhiều năm làm việc tại những tập đoàn công nghệ lớn như Google, Facebook, Amazon… trở về cống hiến cho đất nước. VNG hiện có khoảng 4.600 nhân viên tại Việt Nam và 9 quốc gia trên thế giới (Singapore, Thái Lan, Malaysia…) với tỷ lệ lao động có trình độ từ đại học trở lên đạt 95%, trong đó kĩ sư lập trình chiếm tỷ trọng trên 40%.

Để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi khu chế xuất Tân Thuận thành khu công nghệ cao nói trên, các doanh nghiệp đều nhận thấy cần phải xây dựng môi trường làm việc tốt nhằm thu hút nhân tài.

“VNG cũng mong muốn trong tương lai có thể xây dựng khu văn phòng theo mô hình làm việc chung (co-working space) để kết nối trí thức, tinh thần khởi nghiệp và từ đó thu hút các quỹ đầu tư”, ông Võ Sỹ Nhân - Chủ tịch VNG - nhấn mạnh.

Nguồn Tạp chí Zing News