Khuynh hướng tiêu dùng xanh Việt Nam 2023

Khuynh hướng tiêu dùng xanh Việt Nam 2023

Ngày 28/6/2023, tại Hà Nội, Diễn đàn Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam đã diễn ra thành công bàn về các vấn đề quan trọng liên quan đến ngành hàng tiêu dùng Việt Nam. Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường, chương trình đã trao đổi, chia sẻ thông tin và định hướng phát triển cho ngành tiêu dùng Việt Nam.

 Quang cảnh diễn đàn

Tham dự chương trình có TS. Võ Trí Thành đã chủ trì tọa đàm. Các diễn giả khác bao gồm: Bà Đặng Thúy Hà – Giám đốc bộ phận Consumer Insight NielsenIQ Việt Nam, Ông Đỗ Văn Việt - Trưởng phòng Thương mại điện tử tại Ban phát triển nguồn nhân lực Vecom, Ông Bùi Cao Học - CEO & Founder công ty TNHH Công nghệ CloudGO, Ông Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, Bà Trịnh Nguyễn Ngọc Linh – Quản lý cấp cao Dự án Intage Việt Nam cùng với sự tham gia trực tiếp của khoảng 200 đại diện cho các cơ quan, cục, vụ, viện, trường đại học, các doanh nghiệp...

Đây là chương trình diễn đàn thường niên, tập trung vào các vấn đề quan trọng liên quan đến ngành hàng tiêu dùng. Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực, chương trình đã tạo ra một diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin và định hướng phát triển cho ngành tiêu dùng Việt Nam.

Diễn đàn được tổ chức nhằm mục tiêu nghiên cứu, đánh giá tổng quan thị trường tiêu dùng Việt Nam trong những năm qua, nhằm nhận biết điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của ngành. Điều này giúp các doanh nghiệp và nhà quản lý hiểu rõ hơn về môi trường kinh doanh và định hướng phát triển bền vững cho ngành tiêu dùng. Làm rõ tác động ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tình hình kinh tế chính trị thế giới đối với khuynh hướng tiêu dùng của thị trường Việt Nam. Điều này giúp các doanh nghiệp thích ứng và tận dụng cơ hội trong thị trường biến động. Gọi tên các xu hướng tiêu dùng tương lai và tâm lý tiêu dùng khách hàng. Điều này giúp các doanh nghiệp và nhà quản lý định hình các chiến lược tiếp cận và phát triển sản phẩm dựa trên nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng.

Xu hướng tiêu dùng an toàn và bảo vệ môi trường

Tại Diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp đều nhận định rằng, xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững là nổi bật trong năm 2023. Đánh giá về nhu cầu phát triển bền vững của người tiêu dùng, Giám đốc Bộ phận Consumer Insight NielsenIQ Việt Nam Đặng Thúy Hà cho rằng, nhu cầu người tiêu dùng gia tăng chính là yếu tố quyết định cho xu thế phát triển bền vững trong các doanh nghiệp. Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra nhiều hậu quả nặng nề đối với cuộc sống con người trong quy mô toàn cầu. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 xảy ra đã thay đổi suy nghĩ của con người về sống xanh, lối sống bền vững. Người tiêu dùng hiện nay quan tâm đến việc doanh nghiệp có mang lại giá trị phát triển bền vững cho môi trường hay không. Họ kỳ vọng các doanh nghiệp có sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường.


Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp Nguyễn Minh Tiến nhận định: Những năm gần đây, xu hướng sử dụng thực phẩm an toàn, thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên trở nên phổ biến. Ý thức quan tâm về sức khỏe cao, người tiêu dùng sẵn sàng trả chi phí cao hơn cho những sản phẩm chất lượng. Nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp nông sản đã đầu tư mạnh vào quy trình sản xuất khiến sản phẩm phát triển cả về chất và lượng.

Theo số liệu nghiên cứu của Dự án Intage Việt Nam về tiêu dùng xanh của người tiêu dùng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, kết quả có tới 95% người tiêu dùng có nhận thức về việc bảo vệ môi trường thông qua những hành động có tích cực đến môi trường, thay đổi hành vi, thói quen hàng ngày.

Đáng chú ý, 73% người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên, 59% lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 61% tắt các thiết bị điện trọng nhà khí không sử dụng, 39% hạn chế dùng thực phẩm đóng gói, công nghiệp; 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa, thay thế bằng túi canvas… Căn cứ vào kết quả này, các doanh nghiệp và nhà bán lẻ kỳ vọng gia tăng doanh số nhờ vào danh mục sản phẩm thân thiện với môi trường nếu có mức giá cạnh tranh và dễ tìm mua.

Khảo sát về xu hướng tiêu dùng xanh từ góc nhìn của người tiêu dùng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh của Intage Việt Nam cũng cho thấy, tiêu dùng xanh đang trở thành vấn đề tất yếu. Khảo sát của NielsenIQ cũng cho thấy, 38% người tiêu dùng đánh giá sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường là cực kỳ quan trọng. Tỷ lệ tương tự đánh giá là rất quan trọng. Trong khi đó, chỉ có 3% người tiêu dùng cho rằng điều này không quan trọng.


Để không đứng ngoài xu thế này, cách doanh nghiệp cần chủ động chứng minh các hành động và kết quả phát triển bền vững. Các doanh nghiệp sản xuất cần thực hiện hoạt động đánh giá từ chuyên gia nội bộ hoặc bên thứ ba về kế hoạch hành động giảm phát thải và hiệu quả thực thi. Đồng thời, thay thế, giảm thiểu nhựa trong bao bì. Đầu tư, cam kết sử dụng năng lượng bền vững, thân thiện với môi trường.

Để xu hướng sử dụng, tiêu dùng nông sản sạch phát triển bền vững, hướng tới một cộng đồng khỏe mạnh, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp cho rằng các cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm. Có các biện pháp nghiêm khắc đối với tình trạng làm hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đồng thời thực hiện các giải pháp, chính sách nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản và an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ phát triển thương hiệu nông sản sạch.



Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất nông sản nâng cao năng lực, tăng cường nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường và cơ hội để điều chỉnh sản xuất theo hướng phù hợp đáp ứng các tiêu chuẩn kĩ thuật và xu hướng, nhu cầu khách hàng. Tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng tổ chức sản xuất và chuyển đổi tư duy sản xuất sản phẩm xanh, sạch, thân thiện môi trường; đổi mới về khoa học công nghệ chế biến, bảo quản; áp dụng các tiêu chuẩn kĩ thuật, quy trình sản xuất đạt chuẩn.

Mua sắm trực tuyến kết hợp giải trí bùng nổ

Tại diễn đàn, TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, ngoài việc đầu tư sản xuất đáp ứng yêu cầu theo xu thế thị trường, các doanh nghiệp phải thực hiện chuyển đổi số nhằm đưa nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng giới trẻ, rất cần vai trò của người đứng đầu trong việc việc chuyển đổi; đồng thời chuyển đổi số cần gắn với thế giới thực, chiến lược thực của doanh nghiệp mới có thể thành công.

Thông qua các sàn thương mại điện tử, “Shop online” phát triển trên môi trường số như Tik tok, Facebook mà hàng ngàn hộ gia đình làm nông sản từ những vùng cao như Lạng Sơn, Lào Cai… đã bán được hàng trăm đơn hàng chỉ qua “livestream”. “Nhờ những mô hình kinh doanh mới mà chuyển đổi số đem lại, có những khía cạnh doanh nghiệp có thể bắt nhịp được. Dù trong trung hạn có thể sẽ tốn kém nhưng về mặt dài hạn, chuyển đổi số mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho thị trường bán lẻ Việt Nam” – TS Võ Trí Thành nêu quan điểm.


Đánh giá về tốc độ tăng trưởng của thị trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam, ông Đỗ Văn Việt - Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết: Năm 2023 là năm bùng nổ của Tiktok. Cũng từ đó, thuật ngữ mua sắm mới “Shoppertainment”, xu hướng mua sắm online kết hợp giải trí, đã và đang trở thành xu hướng nổi bật hiện nay. Xu hướng mua sắm qua Live Commerce, phát sóng trực tiếp, hay Affiliate Marketing, tiếp thị liên kết, hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Theo ông Việt, việc cần làm của các doanh nghiệp và nhà bán lẻ là nắm bắt xu hướng và đưa ra  phương pháp tiếp cận đúng; làm đa kênh, tạo nhiều điểm chạm cho khách hàng. Doanh nghiệp không nên đi theo xu hướng mà phải đón đầu và tạo ra xu hướng cho mình. 

Chương trình Diễn đàn Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam đã nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của đông đảo các doanh nghiệp, chuyên gia và nhà quản lý trong ngành tiêu dùng Việt Nam.

Diễn đàn Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam đã cho những thông tin, đánh giá góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu, định hình và phát triển ngành hàng tiêu dùng Việt Nam, tạo cơ hội giao lưu, kết nối giữa các doanh nghiệp, chuyên gia và nhà quản lý trong ngành qua đó thúc đẩy thị trường tiêu dùng Việt Nam phát triển bền vững.

Nguồn PV. - Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại