Kích hoạt bán hàng với công cụ mới cho ‘vựa nông sản’ miền Tây
Kích hoạt bán hàng với công cụ mới cho ‘vựa nông sản’ miền Tây
Để kích hoạt bán hàng với công cụ mới cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - còn được mệnh danh là “vựa nông sản” miền Tây, đang rất cần “sức khỏe” của các doanh nghiệp (DN) ở vùng này phải thật sự mạnh lên, không ngừng gia tăng số lượng lẫn chất lượng DN, và hành động theo xu hướng mới về sản xuất xanh, sạch. Song song đó là việc tiếp tục thúc đẩy các chuỗi liên kết cho vùng này, điển hình như liên kết chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa ĐBSCL với “cửa ngõ” lớn nhất cả nước về thương mại như Tp.HCM.
Trong kế hoạch hành động năm 2024 và những năm tiếp theo, hôm 7/11, tại tỉnh An Giang, một thành viên chính trong hệ sinh thái nông nghiệp của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) là CTCP Nông sản Lộc Trời đã ký kết với các đối tác như Hopestone Group Pte Ltd, Quan Yi Agri Group Limited để xuất khẩu (XK) trực tiếp trên 100.000 tấn gạo và cung ứng hàng XK cho hàng loạt đối tác trong và ngoài nước…
Kết nối vùng với “cửa ngõ” thông thương
Ngoài ra, một thành viên khác của LTG là Công ty Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời đã ký kết biên bản ghi nhớ với Sở NN&PTNT các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng để triển khai vùng nguyên liệu liên kết sản xuất lúa trên 300.000ha và ký kết khác với những địa phương ở vùng ĐBSCL để liên kết sản xuất trực tiếp với nông dân, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đảm bảo vùng nguyên liệu chất lượng cao cung ứng 5 triệu tấn lúa/năm.
Các nhà thu mua quốc tế quan tâm đến gạo hữu cơ trồng theo cách truyền thống ở vùng ĐBSCL.
Có thể thấy đó là một minh chứng cho việc tiếp tục thúc đẩy liên kết chuỗi từ vùng nguyên liệu cho đến XK ở “vựa lúa” vùng ĐBSCL dù cho Tập đoàn Lộc Trời vẫn còn đối mặt không ít thách thức về lợi nhuận do chịu nhiều áp lực về chi phí quá lớn. Nhất là khi vùng ĐBSCL được xem là vùng nông sản lớn cả nước, nên việc liên kết từ vùng nguyên liệu cho đến tiêu thụ là cực kỳ cần thiết.
Xét về quy mô nông sản, như dữ liệu cập nhật mới của Bộ NN&PTNT, vùng ĐBSCL hiện đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản và trái cây. Vùng này đóng góp 56% sản lượng lúa gạo (24,5 triệu tấn), 98% sản lượng cá tra (1,41 triệu tấn) và 60% các loại trái cây cả nước (4,3 triệu tấn), 95% lượng gạo XK và 60% lượng thủy sản XK của Việt Nam.
Không chỉ vậy, riêng năm 2023 này, tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp tại vùng ĐBSCL đã đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Điển hình là một số dự án của khu vực kinh tế tư nhân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, như: Dự án xây dựng nhà máy chế biến gạo 100.000 tấn/năm tại Long An, có tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Dự án trồng và chế biến trái cây công nghệ cao tại Tiền Giang, có tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Dự án nuôi thủy sản công nghệ cao tại tỉnh Cà Mau, có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng…
Thế nhưng, để “vựa nông sản” miền Tây này có đầu ra ổn định và tăng giá trị trong hoạt động XK thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Bởi lẽ, với đầu ra vẫn còn đối mặt không ít khó khăn từ thị trường trong nước cho đến XK thì việc kích hoạt bán hàng theo liên kết chuỗi cho vùng ĐBSCL và kết nối vùng này với những “cửa ngõ” thông thương là rất cần thiết.
Như thông tin đưa ra tại buổi họp báo ở Tp.HCM vào ngày 8/11 do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức nhằm giới thiệu Diễn đàn Mekong Connec 2023 (sẽ diễn ra trong 2 ngày 15-16/11/2023 tại Tp.HCM), đó là cần kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng ĐBSCL với một “cửa ngõ” lớn nhất cả nước về thương mại như Tp.HCM.
Cần những doanh nghiệp mạnh hành động theo xu hướng mới
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, khẳng định Tp.HCM đóng một vai trò cực kỳ quan trọng mối liên kết, hợp tác với khu vực ĐBSCL. Nhất là về vấn đề liên kết, tích hợp các nguồn lực để phát triển kinh tế. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình kinh tế thế giới tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Trong đó, nổi bật nhất là những xu hướng về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững đang dẫn dắt thị trường. Nhiều DN Việt Nam đã và đang hành động để thích nghi theo xu hướng này.
Còn theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương Tp.HCM, việc liên kết giữa Tp.HCM và vùng ĐBSCL là rất cần thiết trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay, với lợi ích rất rõ. Trong quá trình liên kết này cũng cần nhìn nhận ở góc độ vừa là vùng cung cấp nguyên liệu nhưng cũng vừa là thị trường của các DN.
Ông Vũ nhấn mạnh một khi đã đẩy mạnh liên kết vùng giữa ĐBSCL và Tp.HCM thì đòi hỏi các DN cần phải hành động theo yêu cầu mới của thị trường toàn cầu, đó là phải sản xuất xanh và sạch. Nhất là khi những thị trường khó tính, thị trường quan trọng đang đặt ra yêu cầu cụ thể về sản xuất xanh, sử dụng năng lượng sạch, cũng như những tiêu chuẩn bắt buộc khi thâm nhập thị trường. Họ lấy những tiêu chuẩn thâm nhập thị trường như điều kiện quan trọng để áp lên các mặt hàng XK.
Nhân bàn về vấn đề thúc đẩy XK và kích hoạt bán hàng với công cụ mới trong tình hình mới với sự kết nối giữa Tp.HCM và ĐBSCL, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, cho rằng nếu các DN tham gia vào chuỗi kết nối này có sự đầu tư, cũng như số lượng DN tham gia nhiều trong quá trình thực hiện chuỗi sản xuất xanh, kinh doanh xanh thì sẽ có những kết quả khả quan.
“Chẳng hạn như, từ chủ trương giảm thải carbon của Chính phủ đưa ra, chúng tôi ghi nhận trong ngành lúa gạo và lĩnh vực trồng trọt, thấy rằng, chúng ta đang áp dụng nhanh và tốt. Nếu chương trình này được nhân rộng ra các lĩnh vực khác, tôi nghĩ là sẽ là hướng đi đúng đắn, có triển vọng, giúp cho nền kinh tế ở vùng ĐBSCL có những giá trị cao hơn”, ông Lam chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Lam cũng lưu ý ĐBSCL chiếm khoảng 20% dân số cả nước, nhưng hàng năm số DN thành lập mới chưa đến 8%, không tương xứng với quy mô dân số. Tỉ lệ DN giải thể, rời bỏ thị trường chiếm đến hơn 13%, đó là tăng trưởng âm. Đây là dấu hiệu rủi ro cho ĐBSCL.
Cho nên, để kích hoạt bán hàng với công cụ mới cho “vựa nông sản” miền Tây đang rất cần “sức khỏe” của các DN ở vùng này phải thật sự mạnh lên, không ngừng gia tăng số lượng và chất lượng DN. Và điều quan trọng là các DN trong vùng cần đẩy mạnh việc liên kết với nông hộ và hợp tác xã, cũng như tích hợp và phát triển kinh tế xanh, bền vững, Bởi vì đây là nhu cầu chính yếu và là xu hướng bắt buộc DN phải tiếp cận, theo đuổi và rất cần các DN ở vùng ĐBSCL quan tâm, hướng đến.