Kinh tế Việt Nam: Cuộc phục hồi ngoạn mục

Kinh tế Việt Nam: Cuộc phục hồi ngoạn mục

Năm 2021 là thời khắc hết sức đặc biệt khi khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều ý kiến đánh giá đây là năm khó khăn, thách thức nhất kể từ sau Đổi mới, với những diễn biến chưa từng có tiền lệ, nhanh, phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, quá trình hồi phục nền kinh tế đã có những tín hiệu hết sức tích cực, vượt qua những “cú sốc” về dịch bệnh, giá cả leo thang...

Hàng loạt doanh nghiệp trong nước đã trở lại hoạt động trong quý I/2022. Ảnh: Cường Ngô


Kinh tế đảo chiều ngoạn mục


Trong một nhà xưởng thơm mùi vải mới tại Tổng Công ty May Bắc Giang LGG, không khí làm việc những tháng vừa qua rất sôi nổi. Hơn 4.000 công nhân làm việc không ngừng nghỉ để kịp đơn hàng quý I/2022. Barie phòng chống dịch, hàng rào thép gai được gỡ bỏ để nhường chỗ cho nhịp sống bình thường trở lại. 


Ông Nguyễn Văn Hạnh - Giám đốc điều hành Tổng Công ty May Bắc Giang LGG - cho hay, sau khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành, tỉnh Bắc Giang đã chủ động nới lỏng các hoạt động giãn cách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân làm việc.


“Chúng tôi phải tranh thủ từng giây, từng phút để làm kịp đơn hàng mùa đông cho đối tác. Như thế năng suất mới tăng lên để thu nhập của mọi người khá hơn” - ông Hạnh nói.


Những tháng đầu năm 2022, Việt Nam cũng đón nhận nhiều tin vui đến từ các tập đoàn hàng đầu thế giới. Tập đoàn Nike công bố “Việt Nam sản xuất giày cho Nike chiếm 51% và trở thành “công xưởng” lớn nhất của hãng thời trang thể thao hàng đầu thế giới. Hãng thời trang này, dù không sở hữu nhà máy ở Việt Nam, nhưng đã hợp tác sản xuất với gần 200 nhà máy, sản xuất các mặt hàng chủ lực của hãng như giày snackers. Cả đối thủ của Nike là Adidas cũng đi theo hướng tương tự, với 40% sản lượng giày dép được sản xuất ở Việt Nam.


“Gã khổng lồ” Samsung cũng vừa “rót” thêm 920 triệu USD để đầu tư mở rộng dự án cho cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên. Với lần điều chỉnh này, vốn đầu tư nhà máy Samsung Electro - Mechanics tại Thái Nguyên đã tăng từ 1,35 tỉ USD lên 2,27 tỉ USD. 


Samsung cho biết, trong kế hoạch phát triển, Việt Nam đang vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất toàn cầu và sẽ trở thành trung tâm chiến lược về R&D. Samsung đang xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển mới tại Hà Nội, với quy mô đầu tư lên tới 220 triệu USD, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển trung và dài hạn.


Ngoài Samsung, đầu năm 2022 đã có nhiều “đại bàng” tìm đến Việt Nam như Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đầu tư nhà máy tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư gần 1,32 tỉ USD để sản xuất đồ chơi và thực hiện quyền xuất nhập khẩu, bán buôn bán lẻ hàng hóa. Đây là dự án lớn thứ 2 tại Châu Á và là dự án lớn thứ 6 trên toàn cầu của LEGO. Đặc biệt, lượng vốn đăng ký điều chỉnh trong 3 tháng vừa qua tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước khi đạt hơn 4 tỉ USD.


Thỏi nam châm mang tên Việt Nam


Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, bất chấp đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn là “thỏi nam châm” đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi ghi nhận tổng vốn FDI đạt 31,15 tỉ USD trong năm 2021, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Việc các dự án FDI đầu tư mới, điều chỉnh tăng vốn hàng trăm triệu USD ngay những ngày đầu năm 2022 cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam.


“Trái ngọt” hái được đó là kết quả tăng trưởng GDP quý I/2022 đạt 5,03%, đạt mức cao nhất so với quý I của các năm 2020-2021. Đáng chú ý là khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ các năm này. Các chuyến bay thương mại quốc tế đã được mở lại từ 15.2, hoạt động du lịch được mở lại hoàn toàn từ ngày 1.3.


Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ trong tháng 3, tăng 45,5% so với tháng trước, tính chung quý I tăng 12,9% so với cùng kỳ; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 50,5% so với tháng trước, tính chung quý I tăng 22% so với cùng kỳ, gấp 2,2 lần tốc độ tăng của khu vực FDI (10%).


Cũng trong quý I, với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khá thấp (1,92%), nước ta đã bước đầu vượt qua “bão giá” từ những cú sốc lớn của tình hình quốc tế, nhờ khả năng cân đối sản xuất trong nước cũng như các chính sách hiệu quả, thiết thực giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá. Số liệu cập nhật cũng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI cả năm 2021 chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016.


Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường trong tháng 3.2022 cao gấp 3 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tính chung quý I đạt kỷ lục hơn 60.000 doanh nghiệp, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước. 


Đây là những dấu hiệu tăng trưởng tích cực cho năm 2022, phản ánh kỳ vọng, niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào tiến trình mở cửa, phục hồi của nền kinh tế sau hơn 2 năm chịu tác động của dịch bệnh và triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn của Việt Nam.




PGS-TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt gần 670 tỉ USD, tăng gần 23% so với năm 2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 336 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2020, đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu với mức thặng dư khoảng 4 tỉ USD trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu chịu tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịch COVID-19 và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.  

Kết quả tăng trưởng của xuất khẩu năm 2021 là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước với sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong năm 2022, Việt Nam vẫn tiếp tục tập trung cho động lực này và cần tạo điều kiện về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh để phát huy hiệu quả của các doanh nghiệp xuất khẩu.

TS Trần Du Lịch: Ấn tượng với TPHCM

Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế đã được chuẩn bị khá công phu, kịp thời trình Quốc hội để ban hành các gói giải pháp từ tháng 1.2022. Đó là 2 gói hỗ trợ về tài khóa và tín dụng hơn 350.000 tỉ đồng được triển khai, trong đó bao gồm cả giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Nơi bị gãy đổ lớn nhất là TPHCM cũng nhờ đó mà có điều kiện phát triển, đi từ tăng trưởng âm 7,4% năm ngoái lên tăng trưởng gần 2% của quý I năm nay. Kết quả trên có được nhờ loạt giải pháp được triển khai đồng bộ và đang đi vào thực hiện rất tốt. Không chỉ phối hợp chính sách tài khóa tiền tệ mà sử dụng các công cụ từ thể chế, đầu tư công… để đẩy nhanh hấp thụ vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.

TS Nguyễn Đức Kiên: Mọi chính sách của Chính phủ đều hướng đến người dân và doanh nghiệp

Ngay từ đầu dịch COVID-19, Chính phủ đã đưa ra phương châm: Phương châm là “đã nói phải làm”, thực chất, không hình thức, lấy sản phẩm, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan làm thước đo.

Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chính sách vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Chủ động, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện…

Có thể nói, mọi chính sách của Chính phủ đều hướng đến người dân và doanh nghiệp. Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đối mặt.

Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành và thực hiện các giải pháp trong điều kiện cao nhất có thể để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đưa cả nước trở lại trạng thái bình thường mới; thực hiện đồng bộ hai chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và chiến lược khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.




Nguồn https://laodong.vn/thoi-su/kinh-te-viet-nam-cuoc-phuc-hoi-ngoan-muc-1033004.ldo