Lạc quan xuất khẩu nông sản đầu năm

Lạc quan xuất khẩu nông sản đầu năm

Kinhtedothi - Những ngày đầu năm mới, DN Việt đã xuất khẩu hàng trăm tấn nông sản giá trị cao và đón nhận thêm nhiều đơn hàng ký kết. Đây là tín hiệu lạc quan dự báo thị trường nông sản năm 2023 tiếp tục bứt phá.

Tấp nập đơn hàng triệu USD

Trong tuần đầu tiên của năm mới, Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group đã xuất hàng chục container sầu riêng sang Trung Quốc. Tổng Giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho hay, đơn hàng xuất khẩu trái cây tươi trong tháng 1/2023 ghi nhận tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, trái bưởi xuất sang Mỹ và sầu riêng vào Trung Quốc đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng này. Mặt hàng trái cây tươi tiêu thụ nhanh do vậy đối tác đặt đơn mới theo ngày, nhất là từ thị trường Trung Quốc.

 Vùng trồng sầu riêng xuất khẩu tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 1/2023, xuất khẩu trái cây đã tăng trưởng mạnh mẽ với ước mức tăng tới 25% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân khiến trái cây trở thành mặt hàng được xuất khẩu mạnh trong tháng đầu năm là do Trung Quốc mở cửa khẩu, cùng với những nghị định thư được ký kết từ cuối năm 2022 đã tạo đà cho xuất khẩu năm 2023.

Đối với mặt hàng gạo, do gạo Việt đã khẳng định được thương hiệu ở các thị trường khó tính nên ngay những ngày đầu năm 2023, DN xuất khẩu gạo đã đón nhận nhiều đơn hàng trị giá hàng triệu USD.

Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình chia sẻ, đến thời điểm này, Trung An đã ký nhiều hợp đồng cung cấp gạo giao đến đầu quý II/2023 cho các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, châu Âu, Australia và Mỹ, số lượng lên đến gần 1.500 container, tương đương khoảng 30.000 tấn, chủ yếu gạo chất lượng cao và gạo thơm.

“Ngay từ mùng 4 Tết Quý Mão, công ty đã trở lại sản xuất để kịp giao hàng cho đối tác. Giá gạo xuất khẩu đầu năm 2023 đang rất cao, công ty bán với giá trung bình từ 600 - 1.250 USD/tấn; thậm chí gạo 100% tấm cũng bán được giá lên đến 468 USD/tấn" - ông Phạm Thái Bình cho hay.

 Doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt đón nhận nhiều đơn hàng triệu USD từ đối tác.
Ảnh minh họa

Nhiều DN xuất khẩu nông sản nhận định, những tín hiệu lạc quan của hoạt động xuất khẩu những ngày đầu năm mới hứa hẹn nhiều cơ hội mới cho nông sản Việt, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu cho ngành nông nghiệp nói riêng và hàng hóa Việt Nam nói chung.

Trên đà này, DN sẽ nắm bắt và tận dụng cơ hội, phát huy lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, tìm kiếm cơ hội bứt phá mới cho cả năm 2023.

Nâng chất để vươn xa

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, muốn vươn xa trên thương trường quốc tế, các địa phương, DN xuất khẩu nông sản cần nỗ lực nhiều để đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.

Đơn cử như, chuẩn hóa sản xuất, sản xuất xanh để đáp ứng yêu cầu từ Mỹ và EU là đòi hỏi tất yếu nếu DN muốn đi đường dài. Hay các địa phương chú trọng thiết lập mã số vùng trồng để tăng sản lượng và quản lý chất lượng nhóm hàng rau quả xuất sang Trung Quốc.

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, nông sản Việt có nhiều triển vọng tăng trưởng xuất khẩu, nhất là cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, thủy sản... thu về giá trị cao tại các thị trường khó tính.

Song các DN cần phải thay đổi tư duy, tập trung sản xuất phù hợp với những quy định và luật lệ quốc tế. Đặc biệt, DN cần nắm bắt những thay đổi trong quy định kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu của các nước, nắm bắt nhu cầu, xu hướng tiêu dùng thế giới để xây dựng kế hoạch hành động, đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là những giải pháp bắt buộc để DN Việt đáp ứng yêu cầu của đối tác cũng như xây dựng uy tín, thương hiệu của mình.

Phân tích về cơ hội và thị trường xuất khẩu, PGS.TS Phạm Tất Thắng - Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện nay quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu rất thuận lợi, các FTA được ký kết cũng tạo ra nhiều ưu đãi về thuế, cơ chế cho DN. Đây là động lực để DN Việt đẩy mạnh xuất khẩu, đưa các sản phẩm nông sản hiện diện tại thị trường giá trị cao này.

“Tư duy sản xuất cũng như năng lực của DN Việt đã thay đổi đáng kể, trong đó có nhiều DN đã chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm mẫu mã, quy cách phù hợp với tiêu chuẩn của thị trường. Điều này sẽ hỗ trợ rất lớn, giúp hoạt động xuất khẩu của DN tiếp tục có sự bứt phá trong năm 2023” - PGS.TS Phạm Tất Thắng khẳng định.

Thời gian qua, cùng với nhiều hoạt động hỗ trợ DN, Bộ Công Thương đã khuyến cáo, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính mà đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Đặc biệt, từ 8/1/2023, dù nước bạn đã mở cửa biên giới hoàn toàn nhưng vẫn kiểm soát chặt hàng hóa qua biên giới, nhất là hình thức biên mậu, tiểu ngạch.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải

Nguồn Kinh tế & Đô thị.