Luật Phát triển công nghiệp và câu chuyện phát huy nguồn lực chính sách

Luật Phát triển công nghiệp và câu chuyện phát huy nguồn lực chính sách

Luật Phát triển công nghiệp hiện đang được Bộ Công Thương phối hợp với bộ, ngành hữu quan khẩn trương xây dựng được kỳ vọng sẽ chắp cánh cho mục tiêu Việt Nam trở thành nền công nghiệp hiện đại.


Bộ Công Thương cho biết, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Phát triển công nghiệp (điều chỉnh các hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trọng điểm theo định hướng tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị) sẽ tập trung vào việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở tạo cơ chế, môi trường hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp, phát triển liên kết công nghiệp và kinh tế vùng – địa phương, đồng thời xây dựng mô hình và cơ chế quản lý công nghiệp phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.


Các nội dung của Luật bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của Quốc hội là cơ sở để Chính phủ triển khai các chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp theo từng thời kỳ.


Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xem là văn bản thể hiện chủ trương, đường lối nhất quán và đầy đủ đầu tiên của Đảng để đưa ra những định hướng, mục tiêu cụ thể nhằm phát triển công nghiệp cho đất nước.

 

Việt Nam đã dần trở thành một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp của thế giới


Đến nay Việt Nam đã dần trở thành một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp của thế giới và thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp (CIP) trung bình cao toàn cầu và ASEAN 4 với vị trí thứ 36 trên thế giới và đứng thứ 17 về xuất khẩu công nghiệp chế biến, chế tạo (năm 2019). Một số ngành công nghiệp đã cơ bản hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu như điện tử, dệt may, da giày...


Công nghiệp ngày càng khẳng định vai trò là động lực của tăng trưởng kinh tế quốc gia. Mặc dù vậy, trong quá trình hình thành và phát triển, nền công nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc gây cản trở quá trình phát triển bền vững.


Theo thống kê, hiện có đến 71 bộ luật, luật và pháp lệnh có các quy định và nội dung tác động, tác động trực tiếp đến việc phát triển các ngành công nghiệp. Tuy nhiện theo các chuyên gia, các nội dung này mới chỉ quản lý trực tiếp chủ yếu thông qua các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành và gián tiếp thông qua các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác (như các lĩnh vực về đầu tư, doanh nghiệp, đấu thầu, việc làm, thuế, tín dụng...).


Các chiến lược, quy hoạch này không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, do đó thiếu cơ sở vững chắc để triển khai cũng như giám sát, đánh giá các kết quả đạt được trong quá trình phát triển các ngành chế biến, chế tạo. Việc quản lý phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gián tiếp thông qua các pháp luật chuyên ngành khác (đặc biệt là hệ thống pháp luật về thuế, đầu tư, đất đai...) tạo ra sự không thống nhất, chồng chéo trong quá trình áp dụng, và đặc biệt là không có các cơ chế hỗ trợ đặc thù riêng cho các ngành công nghiệp để khuyến khích phát triển.


Trong giai đoạn hiện nay, nếu công nghiệp nước ta không có những đổi mới mạnh mẽ về cơ cấu nội bộ ngành theo hướng nâng cao năng suất, tăng tỷ trọng ngành công nghệ cao đi kèm với giá trị gia tăng cao, cùng với yêu cầu đẩy mạnh chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nước ta cần ít nhất 20 năm nữa mới có thể đạt mức bình quân đầu người về giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo (MVA) theo ngưỡng của các nước công nghiệp hóa mới theo phân loại của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).


Yêu cầu đổi mới chính sách phát triển công nghiệp quốc gia (mà trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo) – theo hướng thay vì tập trung vào công tác quản lý, cần tập trung vào các nguồn lực để thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phát triển, đủ trình độ tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, tạo tiền đề công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.


Do đó, “đổi mới” thích hợp nhất đối với một quốc gia thu nhập trung bình thấp có dân số đông và cơ cấu dân số như Việt Nam được xem là làm được cái gì đó mới trong bối cảnh của đất nước chứ không phải cố gắng sáng tạo ra một cái gì đó hoàn toàn mới trên thế giới.


Ở đây cần chú ý rằng, việc quan trọng nhất của Luật là phải quy định rõ các tiêu chí, định hướng làm cơ sở pháp lý để Chính phủ xây dựng các chương trình phát triển công nghiệp trong từng giai đoạn (thường là 5 năm), từ đó ràng buộc các cơ quan Trung ương và địa phương về trách nhiệm triển khai chương trình phát triển công nghiệp trên toàn quốc, bố trí nguồn lực thực hiện cũng như có cơ chế giám sát, đánh giá kết quả triển khai Chương trình phát triển công nghiệp


Cùng đó việc xây dựng Luật Phát triển công nghiệp hướng tới xây dựng cơ sở pháp lý thống nhất, đủ mạnh làm cơ sở để triển khai chính sách phát triển công nghiệp quốc gia. Cùng đó thiết kế, xây dựng và tập trung nguồn lực thích đáng để thực thi có hiệu quả các chiến lược, chương trình cụ thể nhằm phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn trong từng thời kỳ.


Theo dự thảo, phạm vi của Luật Phát triển công nghiệp sẽ không “quét” tất cả các ngành công nghiệp với việc các ngành khai khoáng; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.


Thay vào đó là chỉ điều chỉnh chính sách, hoạt động phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nền tảng, trọng điểm tại Việt Nam gồm: Công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp điện tử (trừ các thiết bị thu phát sóng và công nghệ phần mềm); công nghiệp cơ khí; công nghiệp chế tạo phục vụ ngành năng lượng; các ngành công nghiệp khác theo định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.


Khác với các ngành trên, công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò chủ đạo, trực tiếp xây dựng nền tảng vật chất cho nền kinh tế, sản sinh ra những phát minh mới, công nghệ mới có vai trò quan trọng đối với tương lai kinh tế của đất nước, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất trong khu vực công nghiệp, có tác động lan tỏa và quyết định đối với chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Đây là phân ngành công nghiệp cần các chính sách đặc thù, theo hướng tăng cường các chính sách hỗ trợ phát triển và giảm thiểu các chính sách can thiệp trực tiếp như các phân ngành trên.


Theo các chuyên gia, nguồn lực xã hội nên tập trung vào việc xây dựng và nâng cao năng lực, năng suất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước, hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp mạnh, các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong nước (bao gồm cả hoạt động sản xuất và dịch vụ trên toàn chuỗi), có đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp công nghiệp trong nước có thể lớn mạnh, tạo ra giá trị gia tăng trong nước lớn hơn, kết nối được với khu vực đầu tư nước ngoài, và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.


Dự thảo Luật Phát triển công nghiệp được biết đã đề xuất nhiều chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp.


Theo đó, doanh nghiệp công nghiệp muốn phát triển về số lượng và chất lượng, nâng cao hàm lượng kỹ thuật trong sản phẩm của mình, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cũng như giá trị gia tăng của các sản phẩm ngành công nghiệp chính, cần có chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất.


Việc vay vốn từ các tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, là không dễ dàng đối với các doanh nghiệp công nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần có chính sách hỗ trợ tín dụng đủ mạnh từ phía Nhà nước để các doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất…


Do vậy, dự thảo đề xuất các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp như sau: Phát triển thị trường cho các sản phẩm công nghiệp; hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp công nghiệp; phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; hỗ trợ xúc tiến, kết nối thị trường.


Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp tiềm năng và doanh nghiệp dẫn đầu, thông qua chính sách khuyến khích mua bán và sáp nhập, phát triển thị trường quốc tế. Thành lập các Quỹ tái cấu trúc doanh nghiệp công nghiệp để cải thiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp kém hiệu quả.


Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đề xuất chính sách về quy định về quản lý nhà nước đối với đầu tư nước ngoài trong phát triển công nghiệp.


Dự thảo Luật quy định rõ phân cấp thẩm quyền trong quản lý đầu tư nước ngoài cũng như các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao, trong đó kèm theo các điều kiện về công nghệ, nghiên cứu và phát triển; nâng cao tỉ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất của dự án; nâng cao giá trị sản xuất trong nước và đẩy mạnh chuyển giao các công nghệ cao theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.


Điều này sẽ có tác động bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển công nghiệp, từ đó kéo theo việc phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước, các hoạt động chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tạo cơ hội nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất nội địa, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng của sản phẩm hoàn chỉnh.


Giải pháp thực hiện chính sách là quy định các chính sách về quản lý đầu tư nước ngoài trong phát triển công nghiệp, cụ thể: Ưu đãi cho dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong công nghiệp; quản lý tỉ lệ sở hữu nước ngoài; ưu đãi đầu tư đặc biệt cho phát triển công nghiệp; đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt; nội dung ưu đãi đầu tư đặc biệt.


Những bước đầu tiên trong công tác xây dựng Luật Phát triển công nghiệp đã và đang được khẩn trương tiến hành. Các văn bản dự thảo quan trọng như nội dung dự thảo Luật, Báo cáo đánh giá tác động chính sách Dự thảo Luật Phát triển công nghiệp, báo cáo tổng kết về thực trạng và các kết quả phát triển công nghiệp đã được Bộ Công Thương công bố lấy ý kiến người dân và các cơ quan, doanh nghiệp.


‎Tại cuộc họp mới đây của Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, các đại biểu tham dự đều nhất trí cao việc xây dựng và ban hành đạo luật quan trọng này.


Cùng với việc tiếp tục rà soát các nội dung để tránh trùng lắp, chồng chéo, một vấn đề được đại biểu quan tâm là khi xây dựng chính sách cần cố gắng có những đột phá, cụ thể, tránh quy định chung chung để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi, tính dự báo, điều kiện về nguồn lực, giải pháp để thực hiện, tính tương thích của chính sách với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.


Nguồn https://congthuong.vn/luat-phat-trien-cong-nghiep-va-cau-chuyen-phat-huy-nguon-luc-chinh-sach-172574.html