Lý do Agtek đề xuất lập Trung tâm thời trang tại TP. Hồ Chí Minh

Lý do Agtek đề xuất lập Trung tâm thời trang tại TP. Hồ Chí Minh

Agtek cho rằng, thành lập Trung tâm thời trang tại TP.HCM sẽ tạo sự lan tỏa phát triển ngành dệt may và thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ theo các phân khúc cao cấp.
 
Ngành dệt may đang ở đâu trên bản đồ thế giới?

Hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam chiếm 5,2% thị phần toàn cầu. Năm 2021, Việt Nam đứng thứ 4 trong 10 nước xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu (sau Trung Quốc, EU, Bangladesh) và thứ 7 về xuất khẩu hàng dệt may trên thế giới (sau Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Hoa Kỳ). Ngành dệt may cũng là ngành sử dụng nhiều lao động đứng đầu của cả nước, thu hút tới 2 triệu lao động, chiếm 25% lực lượng lao động sản xuất và 12,5% lực lượng lao động cả nước.

Tuy nhiên, dệt may Việt Nam chưa phát triển xứng tầm bởi những hạn chế như: Tỷ trọng nguyên phụ liệu nhập khẩu tương đối lớn. Chúng ta nhập khẩu nhiều mặt hàng vải, bông, phụ liệu... chủ yếu từ Trung Quốc (hơn 51%), Hàn Quốc 9,7%, EU 11,3%, Mỹ 6%... đặc biệt nhập khẩu hàng dệt may từ khối RCEP chiếm 71,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.

 Sản xuất dệt may của Việt Nam nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng chưa xứng tầm.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp trong ngành, ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean - cho biết: Hiện doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia vào chuỗi thứ ba của chuỗi cung ứng hàng dệt may, với phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung ứng trọn gói và yếu kém liên kết trong khâu thiết kế, xây dựng thương hiệu và phân phối, trong đó CMT (65%) và FOB (30%) nên giá trị gia tăng vẫn rất thấp.

“Nguyên nhân chính là do khách hàng yêu cầu thiết kế phải đảm bảo sản phẩm phù hợp với thị trường và người tiêu dùng. Việt Nam lại chưa có môi trường đào tạo và phát triển chuyên nghiệp như quốc tế để đạt đến trình độ này, do đó, chuỗi cung ứng của các công ty Việt Nam còn hạn hẹp, giới hạn trong khuôn khổ gia công. Chuỗi giá trị dệt may còn chịu ảnh hưởng của người mua, việc tạo ra sản phẩm cuối cùng trải qua nhiều giai đoạ và hoạt động sản xuất thường diễn ra ở nhiều quốc gia”- ông Việt cho biết thêm.

Riêng với ngành dệt may tại TP. Hồ Chí Minh, theo đánh giá của Hội Dệt May thêu đan TP. Hồ Chí Minh (Agtek), ngành hiện chiếm vị trí lớn trong ngành công nghiệp dệt may của cả nước (chiếm trên 23% thị phần), đã góp phần tạo ra việc làm và mang lại kim ngạch xuất khẩu cao và có được chỗ đứng trong chuỗi gia giá trị toàn cầu của ngành dệt may. Tuy nhiên, chỗ đứng của TP. Hồ Chí Minh hiện nay trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu chủ yếu là khâu cắt may - khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị.

Cụ thể, chuỗi giá trị dệt may toàn cầu hiện nay được chia thành 5 khâu cơ bản gồm: Cung cấp nguyên phụ liệu (bông tự nhiên, xơ); sản xuất đầu vào (sản phẩm trong khâu này là sợi doanh nghiệp dệt, in nhuộm, vải); thiết kế mẫu sản phẩm; kinh doanh xuất khẩu do các trung gian thương mại đảm nhận; tiếp thị và phân phối. Nhưng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn rất thiếu liên kết với những người tiêu dùng sản phẩm cuối cùng mà chỉ thực hiện các hợp đồng gia công lại cho các nhà sản xuất khu vực. Chưa kể hoạt động marketing và phân phối đang là khâu yếu của ngành dệt may Việt Nam.

“Dệt may Việt Nam chưa có đủ điều kiện và cơ hội để được tham gia và được thừa nhận. Nguyên nhân gốc rễ vẫn do mảng thiết kế và phát triển thiết kế của doanh nghiệp Việt Nam còn quá yếu, mặt khác nguồn nhân lực thiết kế đào tạo chuyên nghiệp bài bản không ít nhưng môi trường hiện tại không đáp ứng cho họ phát triển và trau dồi kinh nghiệm. Ngoài ra, công nghiệp phụ trợ của ngành chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu nguyên liệu đầu vào đủ sức sản xuất các sản phẩm thời trang mang thương hiệu Việt cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước”- Agtek đánh giá.

 Khi thành lập Trung tâm thời trang sẽ tạo nơi cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày sản phẩm, giới thiệu đến khách hàng. Ảnh minh họa

Cần thiết hình thành Trung tâm thời trang tại TP. Hồ Chí Minh

Trước thực trạng trên, năm 2016, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030, trong đó có ngành dệt may.

Đề án cũng đã chỉ ra các nguyên nhân của thực trạng phát triển ngành dệt may thành phố hiện nay, đề ra những giải pháp và chương trình hành động cho thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Trong đó, “Thành lập trung tâm thời trang tại TP. Hồ Chí Minh để tạo sự lan tỏa phát triển đối với ngành dệt may và thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ theo các phân khúc cao cấp” là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu mà đề án đã chỉ ra.

Ông Phạm Văn Việt kỳ vọng, việc thành lập trung tâm thời trang đa chức năng tại thành phố sẽ góp phần rất lớn trong việc giải quyết cái “vòng luẩn quẩn” trong phát triển ngành dệt may như đã nêu ở trên. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, cần đẩy mạnh mạnh định vị TP. Hồ Chí Minh là trung tâm thời trang, phát triển mạnh các khâu đào tạo, thiết kế, biểu diễn, thương mại thời trang cao cấp để dần trở thành khâu có giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi giá trị dệt may, làm đầu tàu cho ngành dệt may cả nước phát triển.

Phân tích cụ thể, đại diện của Agtek cho biết: Thiết kế là khâu có tỷ suất lợi nhuận cao trong chuỗi giá trị và rất thâm dụng. Các nước đi trước trong ngành công nghiệp dệt may, sau khi đã dịch chuyển hoạt động sản xuất sang các nước đi sau thường chỉ tập trung vào khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm mới nhằm tạo ra những thương hiệu nổi tiếng để đạt được tỷ suất lợi nhuận cao nhất. Việc cạnh tranh thương hiệu đang rất khốc liệt trên thị trường dệt may thế giới, các thương hiệu cạnh tranh nhau bằng các mẫu thiết kế đẹp, sáng tạo.

Do vậy việc thành lập Trung tâm thời trang với hoạt động trọng tâm là thiết kế, giới thiệu sản phẩm, trao đổi cập nhật kiến thức thực tiễn với chuyên gia quốc tế ngay tại Việt Nam, tạo nguồn cảm hứng, nhận thức và sự kết hợp hài hòa giữa xu hướng thời trang trong nước và ngoài nước, sẽ là một bước tiến vô cùng quan trọng làm nền tảng, cơ hội và động lực để doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiếp lên một vị trí mới trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng Trung tâm thời trang kịp thời sẽ mang lại nhiều đóng góp không chỉ cho ngành dệt may, cho nền kinh tế TP. Hồ Chí Minh như: gia tăng nguồn thu từ tiền cho thuê đất dự án, thuế thu nhập doanh nghiệp, xúc tiến các hoạt động thương mại đồng thời tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch, kéo theo sự phát triển của các ngành: thương mại, dịch vụ, logictics. “Khi đi vào hoạt động đầy đủ các chức năng, Trung tâm thời trang có khả năng thu hút 2 triệu lượt khách đến tham quan, mua sắm mỗi năm, dự kiến tăng 10 - 15% mỗi năm” - đại diện Agtek chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Hồng- Chủ tịch của Agtek cho biết, mặc dù đề án này nhận được sự ủng hộ chủ trương của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh song tới nay việc thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, trong đó vướng mắc mấu chốt nhất vẫn là cấp đất xây dựng.

Theo tính toán của Agtek, Trung tâm thời trang tại TP. Hồ Chí Minh khi được thành lập sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất hàng may mặc ở những phân khúc cao hơn cắt may như là FOB cấp 2, cấp 3 cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ dệt may phát triển. Đồng thời hoạt động này sẽ có thể giúp nâng tỷ lệ bán hàng trong nước của các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu lên 70 – 80%, gia tăng cung ứng vào thị trường 30-40% nguyên phụ liệu nội địa và tăng 3-4% mỗi năm, góp phần giải quyết rất lớn về yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa dệt may theo nội dung các hiệp định FTA Việt Nam đã ký kết với các nước trên thế giới.

Đáng chú ý, trung tâm còn được kỳ vọng góp phần gia tăng thương mại hàng hóa thời trang và tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch, gia tăng nguồn thu cho thành phố thông qua kết nối các thương hiệu nổi tiếng thế giới trưng bày và bán hàng; tổ chức các chương trình thời trang; xây dựng bảo tàng thời trang để thu hút khách du lịch. Bởi lẽ khi đi vào hoạt động đầy đủ các chức năng, Trung tâm có khả năng thu hút 2 triệu lượt khách đến tham quan, mua sắm mỗi năm, tăng 10 – 15% mỗi năm.

Nguồn Tác giả Mai Ca - Báo Công Thương