Mời khách đến mua hàng: Chủ động tìm đầu ra cho hàng Việt

Mời khách đến mua hàng: Chủ động tìm đầu ra cho hàng Việt

Thay vì chờ các nhà mua hàng quốc tế đến tìm nguồn cung, nhiều cách thức xúc tiến thương mại được TP.HCM triển khai, kết nối tại chỗ cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh xuất khẩu sụt giảm mạnh.

 Sản phẩm nông sản của Công ty Vina T&T được làm sạch, đóng gói để xuất khẩu
Ảnh: NGUYỄN TÙNG

Tại hội chợ Xuất khẩu của TP.HCM lần đầu được tổ chức mới đây, theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, đã có hơn 200 lượt kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và đoàn doanh nghiệp nước ngoài, hệ thống phân phối. 

Đáng chú ý là có 43 nhà mua hàng đến từ 27 doanh nghiệp thuộc đoàn Myanmar đã tiếp xúc với 50 doanh nghiệp Việt Nam.

Cơ hội xuất khẩu tại chỗ

Dù đã có đơn hàng xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, nhưng để tìm đường xuất khẩu "chính danh" vẫn là chuyện quá sức với Công ty TNHH Kash fine food, chuyên kinh doanh các sản phẩm hạt dinh dưỡng. 

"Để tự xuất ngoại sẽ rất khó, nên các hội chợ xuất khẩu ngay tại TP giúp lựa chọn rất phù hợp", đại diện đơn vị này chia sẻ tại hội chợ Xuất khẩu TP.HCM 2023 vừa được tổ chức mới đây.

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khác cũng tham gia hội chợ này với mục tiêu tìm đầu ra cho sản phẩm trong bối cảnh sức mua của các thị trường quen thuộc sụt giảm mạnh. Và với việc tổ chức hội chợ và hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp, TP.HCM là một trong những địa phương đã có nhiều nỗ lực nhằm thu hút khách mua hàng từ các thị trường truyền thống lẫn tiềm năng thời gian gần đây.

Tại hội chợ này, ông Aik Htun, chủ tịch Trung tâm Kinh doanh quốc tế Myanmar, cùng các doanh nghiệp nước này đã có những phiên làm việc tập trung vào nhóm ngành nông sản, thực phẩm đồ uống, thủy sản, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng. 

Sau buổi kết nối, đoàn doanh nghiệp Myanmar đã có chuyến tham quan khảo sát nhà máy Công ty thực phẩm Anh Kim Food và dự kiến ký kết phân phối sản phẩm cháo Cây Thị tại Myanmar.

Trong khi đó, Công ty CP thực phẩm Bình Tây đã ký kết thành công về việc phân phối sản phẩm tiêu dùng tại Hàn Quốc, Công ty TNHH TM DV XNK Vina T&T ký kết thành công về việc phân phối sản phẩm tại Mỹ cũng như thị trường khó tính Đài Loan... 

Theo ông Miguel A. Ferrer - chuyên tư vấn doanh nghiệp nước ngoài, từ sau dịch COVID-19, các nhà mua hàng quốc tế đã có sự thay đổi trong cách tìm kiếm nguồn cung, không còn phụ thuộc vào một nhà cung cấp hay mua một chủng hàng, mà đa dạng hóa các nguồn cung.

Là người đang tổ chức kết nối thương mại với một số nước như Trung Quốc, Bỉ..., ông Miguel A. Ferrer đánh giá nông sản VN có nhiều cơ hội mở rộng thị trường. 

"Tôi cho rằng một hội chợ quốc tế tổ chức ở Việt Nam hỗ trợ khách tham quan mọi dịch vụ, kết nối doanh nghiệp, tham quan nhà máy... là cách thức cho thấy TP.HCM cũng như các doanh nghiệp đang rất nỗ lực, nghiêm túc với cách xúc tiến mới", ông Miguel nhận xét.

Gặp gỡ trực tiếp nhà mua hàng với chi phí thấp

Nói về việc tìm đầu ra cho hàng hóa của doanh nghiệp xuất khẩu, ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết trong bối cảnh xuất khẩu của các doanh nghiệp gặp khó do biến động thị trường quốc tế, ngành công thương TP đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm xuất khẩu đến với người tiêu dùng trong nước và các nhà mua hàng nhập khẩu.

"TP.HCM đã phối hợp mời những đối tác, người mua nước ngoài cũng như tìm hiểu các phương thức xúc tiến trực tuyến nhằm giúp DN tiếp cận được nhiều thị trường. 

Chúng tôi cũng liên tục cập nhật thông tin về xu hướng phát triển của thị trường thế giới và các chuỗi cung ứng quốc tế, phương thức tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết để gia tăng xuất khẩu", ông Phương nói.

Theo ông Phương, ngay như ở hội chợ xuất khẩu của TP.HCM vừa qua, chỉ riêng hoạt động kết nối B2B đã có 387 đơn hàng được ký kết thành công với giá trị ước tính lên tới 63.000 USD. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã tiếp xúc với khách hàng cá nhân, bán hàng tại hội chợ. Những nhà mua hàng quốc tế cũng tham quan nhà máy sản xuất, học tập kinh nghiệm, giao lưu giữa doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế.

"Để đánh giá hiệu quả ngay lập tức có thể chưa thấy rõ, nhưng đây là những nền tảng để giúp các doanh nghiệp tìm được đầu ra, phát triển thêm thị trường mới mà từ trước đến nay còn khá xa lạ", ông Phương kỳ vọng.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, cho rằng việc tạo điều kiện tối đa cho khách quốc tế tham dự, mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp trong ngành tiếp cận khách hàng là cách thức mà các quốc gia phát triển công nghiệp triển lãm đều triển khai.

"Để làm được điều này đòi hỏi đơn vị tổ chức phải có công tác hỗ trợ, chăm sóc khách mua hàng chu đáo, từ việc đưa đón tận sân bay, đặt phòng khách sạn, phương tiện di chuyển đến địa điểm triển lãm, tham quan nhà máy lẫn nhu cầu ẩm thực, giải trí...", ông Khanh nói.

 Nhiều nhà mua hàng đến từ các nước đã có mặt tại Việt Nam để tìm kiếm nguồn cung hàng hóa thông qua hội chợ xuất khẩu - Ảnh: N.BÌNH

Doanh nghiệp tự lo nhưng cần được hỗ trợ

Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho rằng việc tổ chức đưa người mua hàng đến Việt Nam, được tận mắt xem sản phẩm trong thực tế... là cách làm rất hay, cần được phát huy. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một cách hỗ trợ phần nào từ phía Nhà nước, còn lại doanh nghiệp vẫn phải chủ động. 

"doanh nghiệp cũng cần phải tự đi tìm thị trường, tự xây dựng chính sách cho ngành hàng tươi, tự giới thiệu, nhờ trung gian, nhờ tham tán các nước... đến khi có uy tín khách hàng tự tìm đến", ông Tùng nói.

Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho rằng thị trường đang rất khó vì có nhiều người bán nhưng thiếu người mua và dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Do đó, trước hết các doanh nghiệp phải tự xoay xở, sau đó mới dựa vào những hỗ trợ của Nhà nước.

"Dù rất khó, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đã tự đăng ký tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế tại Mỹ, EU, Nhật Bản cũng như các chương trình giao thương trong nước. Đó là hướng ra vì tăng thêm các kết nối và thu hút được bạn hàng nhiều hơn trong thời gian tới", ông Hòe nói.

Ông Trần Hữu Hậu, tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), cũng cho rằng xúc tiến thương mại mang lại hiệu quả đặc biệt với ngành điều. 

"Ngành điều tổ chức hội nghị quốc tế, thu hút được khách hàng các nước, cả người mua hàng lẫn cung ứng nguyên liệu cho ngành điều VN, là nhờ xúc tiến thương mại quốc gia", ông Hậu nói.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, Bộ Công Thương cần tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại theo từng thị trường cụ thể. Chẳng hạn, với thị trường Trung Quốc, từng địa phương đều có những đặc thù tiêu thụ sản phẩm khác nhau và còn nhiều dư địa gia tăng thị phần cho nông, thủy sản Việt Nam. 

Ngoài ra, cần bổ sung ngân sách cho hoạt động xúc tiến thương mại tại Trung Quốc, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ lớn như hội chợ thủy sản hằng năm tại Thanh Đảo, Trung Quốc.

"Với các mặt hàng thủy sản, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xây dưng thương hiệu cho ba sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ", một chuyên gia đề xuất.

Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ mời nhà nhập khẩu

Theo ông Vũ Bá Phú - cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, thời gian qua Bộ Công Thương cũng đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại chỗ nhưng không thể bao quát được hết các địa phương.

Trong thực tế, nhiều địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức với hoạt động xúc tiến thương mại. Kinh phí mà địa phương dành cho xúc tiến thương mại còn rất èo uột, việc đầu tư cho con người, nhân sự chưa tương xứng.

Vẫn còn hạn chế nhân lực có năng lực phù hợp đáp ứng nhu cầu đón đoàn, như ngoại ngữ, kỹ năng, quy trình tổ chức ra sao, giới thiệu chương trình, cung cấp danh mục thế nào.

Do đó, nếu các địa phương chủ động tổ chức như TP.HCM, chỉ cần liên hệ, Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật, các khâu chuẩn bị. Bộ cũng sẽ liên hệ với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ địa phương kết nối hiệu quả hơn. Thay vì một đoàn chỉ có vài doanh nghiệp, có thể tìm kiếm nhiều nhà nhập khẩu hơn đến Việt Nam, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với người mua hàng nước ngoài.


* Ông Vũ Bá Phú (cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương):

Mô hình cần được khuyến khích nhân rộng

Việc TP.HCM chủ động tổ chức hội chợ xuất khẩu, phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương mời nhà xuất khẩu vào Việt Nam để tìm đối tác là bước đi phù hợp trong thu hút nhà nhập khẩu nước ngoài vào mua hàng của Việt Nam, kết nối tại chỗ.

Với các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, có đủ kinh phí để tham dự các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ của nước ngoài, gặp gỡ các đối tác quảng bá sản phẩm, giới thiệu sản phẩm khi đi xúc tiến thương mại ở nước ngoài.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để bỏ ra vài nghìn USD đi xúc tiến thương mại ở nước ngoài là rất khó, gần như không đủ năng lực, tiềm lực để thực hiện việc này.

Do đó, việc đưa các nhà nhập khẩu vào Việt Nam để kết nối, tìm kiếm bạn hàng cho doanh nghiệp là hình thức rất phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hơn nữa, nếu ra nước ngoài, mình chỉ có cơ hội giới thiệu hạn chế số lượng doanh nghiệp, mỗi đoàn cũng chỉ tổ chức được vài chục doanh nghiệp. Nhưng nếu đón nhà nhập khẩu vào Việt Nam, có thể kết nối, bố trí để gặp gỡ với hàng trăm doanh nghiệp Việt.

Như vậy, việc tiếp xúc, gặp gỡ các nhà mua hàng của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng sẽ hiệu quả hơn. Và khi đến Việt Nam, nhà nhập khẩu sẽ được đưa đi tham quan nhà máy, khảo sát năng lực sản xuất của doanh nghiệp, đánh giá về sản phẩm là người thật, việc thật cũng mang lại hiệu quả tốt hơn so với việc quảng bá, giới thiệu bằng tài liệu khi doanh nghiệp ra nước ngoài.

Theo tôi, việc UBND TP.HCM vừa qua đẩy mạnh hoạt động này là bước đi tiên phong của các địa phương, cần được khuyến khích nhân rộng để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tác giả Ngọc An -  Báo Tuổi trẻ Online