Nâng tầm nông sản Việt và mở rộng thị trường xuất khẩu

Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về phát triển nông nghiệp và xuất khẩu nông sản với sự phong phú, chất lượng và mang tính đặc sản của các loại rau quả. Đặc biệt, chỉ trong tháng 06/2023, sản lượng xuất khẩu rau quả Việt Nam thu về gần 1 tỷ USD - một con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử hơn 30 năm qua.

Trong thời gian qua, Nhà Nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về lĩnh vực xây dựng thương hiệu. Các hoạt động hợp tác chặt chẽ diễn ra giữa các bộ - ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để xây dựng và phát triển thương hiệu rau quả Việt. Bên cạnh đó, thông qua việc hỗ trợ, xây dựng mô hình kiểu mẫu đạt tiêu chuẩn VIETGAP, GLOBALGAP đã góp phần giúp thị trường xuất khẩu trái cây Việt Nam không ngừng được mở rộng.

Nhiều chuyên gia nhận định: xuất khẩu ngành hàng rau quả Việt Nam đang đi đúng định hướng. Đó là không chạy theo số lượng, nâng cao chất lượng, duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống hay các thị trường lớn tiềm năng, đồng thời xây dựng vùng sản xuất thương hiệu và tập trung cho chế biến. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số bài toán cấp thiết cần được giải quyết như: tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm rau quả và thực hiện truy xuất nguồn gốc để đáp ứng nhu cầu của từng thị trường.

Đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết: "Việt Nam chúng ta có thế mạnh về vị trí địa lý khi nhận được ưu ái từ thiên nhiên để phát triển các loại nông sản và nằm cạnh một thị trường tiêu thụ rau quả lớn như Trung Quốc - thị trường đang bắt đầu có xu hướng tăng cường quan tâm đến các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, vai trò của Bộ nông nghiệp Việt Nam đang được đề cao để truyền tải kiến thức và kỹ thuật cho người nông dân chúng ta áp dụng trong các hoạt động trồng trọt, sản xuất và ghi chép nhật ký, sổ sách nhằm đảm bảo rau quả xuất khẩu đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Từ đó, mở rộng hơn các hoạt động xuất khẩu đến thị trường Trung Quốc và các thị trường tiêu thụ ở các quốc gia châu Âu."

 
 

Ông còn cho biết thêm: "Trên đà tăng trưởng của các hoạt động xuất khẩu hiện tại, trong giai đoạn nửa cuối năm 2023, sẽ có thể ghi nhận được mức 5 tỷ USD xuất khẩu rau quả Việt Nam. Sở dĩ thị trường xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng trưởng mạnh như thế là do từ cuối năm 2022, Trung Quốc đã gỡ bỏ chính sách Zero – Covid. Đặc biệt, sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu quả sầu riêng chính ngạch vào tháng 7/2022, đến năm 2023 này, Nghị định thư đã phát huy tác dụng. Trong đó, mặt hàng sầu riêng tăng trưởng mạnh nhất, tiếp đến là thanh long và chuối."

Trong thời điểm hiện tại, nhiều loại trái cây Việt Nam đang bước vào mùa vụ thu hoạch và có đặc tính rải vụ dẫn đến các hoạt động xuất khẩu rau quả năm nay được đánh giá còn nhiều dư địa. Theo thống kê ghi nhận được, Việt Nam đã đạt được hơn 3 tỷ USD sản lượng xuất khẩu rau quả khi mới tính đến tháng 6/2023. Bên cạnh đó, chúng ta còn nguồn sầu riêng rất lớn tại Tây Nguyên khi một tháng nữa mới ra trái và mùa vụ sẽ kéo dài đến cuối năm. Như vậy, với đà tăng trưởng này, dự báo nửa cuối năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sẽ cán mốc 5 tỷ USD. Con số này gần như trong tầm tay và vượt chỉ tiêu mà Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đề ra vào năm 2025.

Nâng tầm nông sản Việt và mở rộng thị trường xuất khẩu - Ảnh 2.

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam đạt 5 tỷ USD.

Đặc biệt, ngành hàng rau quả cũng đang tận dụng ngày một tốt hơn lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia nên cơ hội xuất khẩu rau quả sang các thị trường lớn như EU, Australia, New Zealand… cũng rất rộng mở.