Phát triển công nghiệp xanh thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao
Phát triển công nghiệp xanh thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao
Xu hướng phát triển bền vững, hay công nghiệp xanh, đang trở nên rõ nét hơn bao giờ hết, giúp Việt Nam duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Hướng đến nền công nghiệp xanh
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Song bên cạnh những đóng góp tích cực, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng gây ra nhiều vấn đề bất cập đối với môi trường. Do đó, thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao đóng vai trò rất quan trọng trong xanh hóa nền kinh tế, giúp Việt Nam duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các đại biểu tham quan mô hình Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III, tại lễ động thổ Khu công nghiệp này ngày 19/3/2022
Có thể thấy, xu hướng phát triển bền vững, hay công nghiệp xanh, đang trở nên rõ nét hơn bao giờ hết tại Việt Nam. Đơn cử như Tập đoàn Lego của Đan Mạch mới đây đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em trên diện tích 44 ha, tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (tỉnh Bình Dương) với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD. Đây là nhà máy thứ 6 của Lego trên toàn thế giới và là nhà máy thứ 2 tại châu Á. Thương vụ của Tập đoàn Lego đã đánh dấu son trong việc thu hút vốn đầu tư “sạch” vào Việt Nam.
Đáng chú ý, nhằm thu hút mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài xanh vào Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng trong thời gian tới, tháng 3 vừa qua, tỉnh Bình Dương đã khởi công xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III, có diện tích 1.000 ha với tổng vốn đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng. Đây là khu công nghiệp được triển khai xây dựng và thu hút đầu tư theo hướng xanh hơn, thông minh hơn, bền vững hơn, phù hợp với xu thế của thế giới và của Việt Nam.
Ông Lê Huy Đông - Quản lý, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Hà Nội nhận định, Việt Nam đang ở cửa ngõ của sự phát triển, với nhiều tiềm năng để vươn xa hơn trong bản đồ thế giới. Tuy nhiên, ngành công nghiệp của Việt Nam cần nhìn vào bài học từ những nước khác trong khu vực và trên thế giới để tránh đi vào vết xe đổ. Việt Nam cần coi yếu tố “xanh” như là một điều kiện cần thiết trong phát triển công nghiệp.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, để đạt được kết quả bền vững trong ngành công nghiệp, phần nhiều nỗ lực sẽ đến từ chủ trương và quyết định của Chính phủ. Hiện tại, tất cả các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam đều phải báo cáo về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) hàng năm. Yêu cầu này bắt buộc các công ty công bố hiệu quả sử dụng năng lượng cũng như đo lường chính sách lao động và nhân quyền của nguồn nhân lực.
Cùng với đó, ngành công nghiệp đang chuyển hướng, ưu tiên vốn đầu tư vào lĩnh vực chế tạo - sản xuất công nghệ cao và “sạch” hơn. Đây là những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có thể kể đến sản xuất, lắp ráp thiết bị, linh kiện điện tử. Ngoài ra, Chính phủ cũng đưa ra những chính sách khuyến khích việc đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế, như điện gió, điện mặt trời.
Theo các chuyên gia kinh tế, dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao đóng vai trò rất quan trọng trong xanh hóa nền kinh tế của nước ta. Mặt khác, hiện nay xu hướng tiêu dùng của các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới đã thay đổi, họ không chỉ quan tâm đến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, mà còn quan tâm những sản phẩm thân thiện với môi trường. Do đó, phát triển công nghiệp xanh cũng trở thành yếu tố quan trọng để Việt Nam cạnh tranh thu hút đầu tư.
Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài buộc phải chuyển qua sản xuất an toàn, sản xuất bền vững. Xanh hóa sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua được sức ép từ thị trường xuất nhập khẩu và tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Lợi ích, thách thức đối với doanh nghiệp
Ông Lê Huy Đông cho rằng, ngày càng nhiều đơn vị phát triển bất động sản công nghiệp chú trọng vào yếu tố về môi trường. Đầu tiên, mô hình xanh sẽ giúp họ kiểm soát và duy trì được hế thống kỹ thuật trong khu công nghiệp. Tiếp đó, nhiều doanh nghiệp đang chú ý hơn đến việc phát triển đồng bộ hạ tầng nội khu và cải thiện môi trường làm việc nhằm giữ chân người lao động. Đây cũng là yếu tố thuyết phục các chuyên gia nước ngoài đến và làm việc tại Việt Nam.
Đặc biệt, mô hình khu công nghiệp xanh đem lại lợi ích cho nhiều phía. Đứng từ góc độ của khách thuê, nhà máy đạt chứng chỉ “xanh” sẽ giúp họ đạt được những yêu cầu từ Chính phủ và mục tiêu phát triển bền vững của bản thân doanh nghiệp. Do đó, các dự án đáp ứng được tiêu chuẩn môi trường đang được nhiều bên quan tâm và tìm kiếm, không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả ngoài nước. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh dành cho những đơn vị phát triển bất động sản có khả năng đáp ứng được các điều kiện “sạch” ngặt nghèo này.
Tại Việt Nam, đã có nhiều nhà đầu tư sở hữu dự án đạt chứng chỉ công trình xanh. Điển hình Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) hay Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C (hệ thống các khu công nghiệp và cảng biển do nhà đầu tư Vương quốc Bỉ phát triển và vận hành tại TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh). Những đơn vị này đang sử dụng hệ thống năng lượng điện mặt trời áp mái để cung cấp điện cho một phần khu công nghiệp.
Ngoài ra, nhiều dự án trong tương lai cũng được định hướng xanh và thông minh. Mới đây, dự án khu công nghiệp Green Park Nam Bình Xuyên, tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng được rót vốn. Theo đó, dự án sở hữu hệ thống cấp thoát nước khoa học và xử lý nước thải công nghệ cao bao quanh, giúp đảm bảo nguồn nước sạch cho người lao động cũng như nhu cầu tiêu dùng của nhà máy.
Theo các chuyên gia đi kèm với những lợi ích về kỹ thuật, môi trường, nguồn lao động và khách thuê, tại những khu công nghiệp này sẽ đối mặt với một số thách thức. Cụ thể, như gặp khó khăn trong việc đầu tư máy móc và công nghệ để có thể đáp ứng các tiểu chuẩn thân thiện với môi trường. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ nâng mức chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Như vậy, đối với doanh nghiệp nước ngoài, quyết định đầu tư sẽ nằm ở việc cân đối giữa lợi nhuận từ môi trường kinh doanh tại Việt Nam và chi phí chênh để đảm bảo quy tắc công nghiệp xanh.
Có thể thấy, xu hướng phát triển bền vững, hay công nghiệp xanh, đang trở nên rõ nét hơn bao giờ hết tại Việt Nam. Đặc biệt, việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao đóng vai trò rất quan trọng trong xanh hóa nền kinh tế của Việt Nam.
Nguồn https://congthuong.vn/phat-trien-cong-nghiep-xanh-thu-hut-von-dau-tu-nuoc-ngoai-chat-luong-cao-181261.html