Phát triển kinh tế tuần hoàn: Doanh nghiệp cần thêm sự hỗ trợ
Phát triển kinh tế tuần hoàn: Doanh nghiệp cần thêm sự hỗ trợ
Đây là vấn đề được các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo "Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 7/9.
Nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn để doanh nghiệp hành động
Khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn
Hiện nay, phát triển bền vững nói chung và phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) nói riêng đã và đang được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Điều này được thể hiện qua việc Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra định hướng "xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH thân thiện với môi trường"; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển KTTH ở Việt Nam".
Từ những chủ trương, định hướng trên, nhiều chính sách hỗ trợ cũng đã được triển khai. Theo ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức, cá nhân thực hiện KTTH thuộc các hoạt động đầu tư công trình bảo vệ môi trường; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về bảo vệ môi trường thuộc dự án, ngành, nghề ưu đãi đầu tư sẽ được hưởng các chính sách tương ứng về đất đai, vốn đầu tư, thuế, phí và lệ phí, trợ giá sản phẩm, dịch vụ, mua sắm công xanh.
Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân thực hiện KTTH thuộc danh mục dự án xanh được áp dụng chính sách cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Có thể kể tới hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển đổi sản xuất, kinh doanh sang KTTH như Tân Hiệp Phát, Vinamilk, TH Group, Nestle, Coca-cola Việt Nam, Heineken Việt Nam... đã thiết kế các quy trình tái chế, tái sử dụng, mô hình kinh doanh tuần hoàn hoặc theo hướng tuần hoàn.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu Phát triển Vinamilk cho biết, doanh nghiệp bắt đầu từ nguồn lực là đầu tư vào công nghệ thân thiện môi trường, giảm thiểu lượng nguyên nhiên vật liệu sử dụng, gắn kết và hài hòa các lợi ích cùng các bên liên quan; các nhà máy của Vinamilk không sử dụng dầu BO, lò hơi đốt dầu FO, hạn chế chất thải, tối ưu hóa chuỗi giá trị; hệ thống Biogas được áp dụng cho các trang trại giúp giảm thải lượng thải, khí nhà kính vào môi trường...
Toàn cảnh Hội thảo
Doanh nghiệp cần thêm sự hỗ trợ
Tuy nhiên, quá trình triển khai KTTH của doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết, chi phí cao, người tiêu dùng chưa thực sự đồng ý chi trả thêm chi phí phát sinh nếu có, chưa đồng bộ giữa các khâu dẫn đến chưa hoàn chỉnh quy trình tối ưu để ứng dụng KTTH tại doanh nghiệp.
Dưới góc nhìn vĩ mô, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết, quá trình phát triển KTTH nói chung và mô hình kinh doanh tuần hoàn nói riêng đang gặp phải không ít khó khăn, rào cản. Nổi lên là nhận thức về KTTH còn hạn chế, thiếu các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển KTTH và áp dụng mô hình KDTH.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, công nghệ và đào tạo; công tác thông tin, truyền thông về KTTH và kinh doanh tuần hoàn còn hạn chế; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hoạch định chính sách với các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ..., TS. Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh sang kinh tế tuần hoàn, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đề xuất cần xây dựng và thực thi "văn hóa KTTH, văn hóa xanh" trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Đối với doanh nghiệp, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến và tái chế sản phẩm đã qua sử dụng (nhựa, thủy tinh, bao bì nhựa, bao bì ni lông…); tăng cường nguyên liệu sạch, nguyên liệu tại chỗ.
Bên cạnh đó, theo bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho biết, các tổ chức, cá nhân thực hiện KTTH thuộc các hoạt động đầu tư và các lĩnh vực bảo vệ môi trường, hoạt động sản xuất kinh doanh bảo vệ môi trường, thuộc dự án được ưu đãi đầu tư sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai, vốn đầu tư cũng như lệ phí, trợ giá.
Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục nắm thông tin cụ thể hơn về KTTH tại Việt Nam để xây dựng chính sách, đặc biệt là chính sách thuế trong phát triển KTTH để đồng bộ các ngành, nghề được ưu đãi đầu tư, Đại diện Vụ Chính sách thuế thông tin thêm.
Để chuyển đổi sang KTTH thành công, vai trò lớn nhất vẫn là doanh nghiệp. Do đó, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, doanh nghiệp cần thực hiện phân tích chi phí - lợi ích của mô hình KTTH mà doanh nghiệp dự kiến áp dụng trước và sau khi chuyển đổi. Nói cách khác, việc áp dụng mô hình đó sẽ đem lại lợi ích như thế nào cho doanh nghiệp, từ đó đưa ra quyết định có nên chuyển đổi hay không, lộ trình và cách thức chuyển đổi ra sao.
Đồng thời, doanh nghiệp nên tham gia có hiệu quả các chuỗi liên kết, mạng sản xuất, từ trong nước đến phạm vi khu vực và toàn cầu để tăng cường sự kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp khác, nhất là đối với các doanh nghiệp có mối liên hệ về sử dụng chất thải đầu ra làm nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Nguồn https://thoibaonganhang.vn/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-doanh-nghiep-can-them-su-ho-tro-130933.html