Quy định mới của Canada: Doanh nghiệp bao bì cần lưu ý gì?

Quy định mới của Canada: Doanh nghiệp bao bì cần lưu ý gì?

(HQ Online) - Quy định mới của Canada về bao bì bằng nhựa áp dụng từ đầu 2023 có thể tác động đến xuất khẩu thực phẩm chế biến và các sản phẩm khác của Việt Nam sang thị trường này.
Vinamilk đã bắt tay với An Phát Holdings để chuyển sang sử dụng túi sinh học phân hủy AnEco. Ảnh: S.T

Cấm NK sản phẩm nhựa dùng một lần

Theo lộ trình, bắt đầu từ tháng 12/2022, Canada cấm sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi đi chợ, dao dĩa nhựa, bát đĩa nhựa dùng một lần… Bắt đầu từ tháng 6/2023, Canada sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm đồ uống có ống hút và tay xách nhựa và sẽ cấm bán hoàn toàn các sản phẩm này từ 6/2024. Mốc thời gian cấm sản xuất và nhập khẩu đối với các sản phẩm nhựa khác sẽ được công bố dần (túi đựng rác, nhựa trong y tế, nhựa trong mĩ phẩm và đồ vệ sinh cá nhân…).

Trong năm 2023, Chính phủ Canada sẽ xây dựng các quy chuẩn ghi nhãn mới liên quan đến dấu hiệu “có thể tái chế” trên sản phẩm và các quy định về ghi nhãn đối với sản phẩm nhựa có thể tự huỷ. Sau khi có quy chuẩn này, Canada chắc chắn sẽ đưa ra các hướng dẫn cụ thể về việc cấm nhập khẩu các sản phẩm có bao bì bằng nhựa không mang biểu tượng tái chế.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, trong giai đoạn 2012-2021, giá trị nhập khẩu đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến mà Việt Nam có thế mạnh vào thị trường Canada đã tăng gần gấp đôi, từ mức 54 triệu USD năm 2012 lên 100 triệu USD năm 2021. Nhờ được hưởng ưu đãi thuế từ Hiệp định CPTTP, nhóm thực phẩm chế biến là một trong những sản phẩm ghi nhận mức tăng trưởng rất mạnh. Cụ thể, đối với nhóm chè, cà phê và gia vị, mức tăng trưởng giai đoạn 2018-2021 là 52%; nhóm chế phẩm từ ngũ cốc (bánh tráng, bún phở miến, bột ngô, bột gạo…) có mức tăng trưởng 46,8%; nhóm hạt, mứt trái cây, nước trái cây có mức tăng trưởng 53%.

Thương vụ Việt Nam tại Canada khuyến cáo doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến của Việt Nam lưu ý đến các quy định mới về rác thải nhựa của Canada. Đây là chiến lược tổng thể của Canada nhằm loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp nhựa. Chiến lược này được kỳ vọng sẽ giảm lượng khí thải CO2 trung bình 1,8 triệu tấn mỗi năm, đem lại hàng tỷ USD lợi nhuận và tạo thêm 42.000 việc làm mới.

DN Canada ráo riết tìm nhà cung cấp bao bì có khả năng tái chế

Mặc dù chưa có quy định bắt buộc về việc ghi nhãn bao bì nhựa mang biểu tượng tái chế, hiện nay, các doanh nghiệp thực phẩm chế biến Canada đã bắt đầu ráo riết thiết kế và tìm nhà cung cấp các loại bao bì thực phẩm bằng nhựa có khả năng tái chế.

Công ty Basse, một doanh nghiệp sản xuất, đóng gói các loại hạt và mứt trái cây lớn của Canada, chuyên cung cấp hoặc gia công cho các nhãn hàng và chuỗi siêu thị lớn của Bắc Mỹ trong đó có Costco đã chia sẻ với Thương vụ Việt Nam tại Canada về kế hoạch chuyển đổi toàn bộ bao bì của công ty vào năm 2023. Hiện nay, Basse đã nhập khẩu hàng sơ chế từ Việt Nam và đóng gói tại Canada theo các hợp đồng gia công OEM. Basse đang tiến tới lập nhà máy tại Việt Nam và đóng gói tại Việt Nam và rất quan tâm đến khả năng thiết kế và sản xuất bao bì của Việt Nam.

Dự kiến, các yêu cầu mới đối với bao bì sản phẩm nhựa sẽ tập trung vào hàm lượng tái chế (ví dụ nhựa resin), phương pháp tái chế xây dựng theo khuyến nghị của các cơ sở tái chế ở Canada. Canada sẽ hạn chế các sản phẩm sử dụng bao bì nhiều lớp (multipackaging) nếu không cần thiết. Các doanh nghiệp bán lẻ khi nhập hàng vào Canada chắc chắn sẽ đặt ra các yêu cầu này với các nhà sản xuất của Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp của Việt Nam cần cùng hợp tác để phát triển theo hướng bền vững và tuần hoàn hơn nữa.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy – quản lý Chương trình Cao cấp Phòng Phát triển Kinh tế và Quản trị nhà nước thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho rằng: Trong thời điểm hiện tại, bao bì không chỉ đơn thuần là công cụ bảo vệ sản phẩm, mà còn đóng vai trò to lớn trong việc gia tăng giá trị sản phẩm, tạo cho khách hàng thấy sự tin cậy, cam kết của doanh nghiệp trên những thông số chân thực, hiển thị trên bao bì sản phẩm. Đặc biệt, bao bì cũng tác động trực tiếp đến chỉ số sức mạnh thương hiệu và đã trở thành một năng lực cạnh tranh không thể thiếu, một phần tất yếu trong chiến lược marketing của doanh nghiệp không chỉ có ý nghĩa tại thị trường Canada khi hàng hóa của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo đà tăng trưởng của ngành thực phẩm, ngành bao bì, nhựa cũng phát triển tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 25%/năm. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền công nghệ mới, cung cấp ra thị trường nhiều loại bao bì cao cấp, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguồn M.H - Hải quan Online