Rồi trấu và rơm rạ sẽ thành hàng hóa
Rồi trấu và rơm rạ sẽ thành hàng hóa
(KTSG) – Trấu được xem là chất thải nông nghiệp. Nhiều lắm được nông dân sử dụng để lót chuồng nuôi gia súc hay làm chất đốt. Tuy vậy, số doanh nghiệp Việt đang sử dụng vỏ trấu chế biến thành củi trấu hay viên trấu nén ngày càng tăng.
Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao và khủng hoảng Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, các viên nén gỗ và nén trấu từ Việt Nam đang được quan tâm. Vỏ trấu hay rơm rạ thường bỏ đi trước đây sẽ sớm trở thành những “ngôi sao mới” của ngành công nghiệp viên nén được kỳ vọng sẽ sớm đạt giá trị tỉ đô tại Việt Nam.
Các viên trấu nén của Cỏ May Group.
“Đầu cơ trấu”
Từ giữa tháng 10, nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản thuộc Cỏ May Group có thêm sản phẩm phụ mới là trấu viên. Nhưng câu chuyện của sản phẩm mới bắt đầu từ một thương vụ “đầu cơ” trấu cách đây không lâu.
Giá trấu thường rẻ lắm, chỉ 400-500 đồng/ký. Lúc đó, Phạm Minh Thiện và một người bạn trữ 2.000 tấn. Mười tháng sau bán lại, lời mấy trăm triệu đồng. Tính ra tỷ suất lợi nhuận đến 40%.
“Nhưng nếu làm viên trấu thì giá bán đến 2.100-2.200 đồng/ký, có khi lên đến 3.000 đồng/ký. Tỷ suất lợi nhuận cao hơn 300%. Người ta làm ì xèo, giờ mình lọ mọ bắt đầu làm”, Thiện kể.
Đầu tư đâu khoảng dưới 10 tỉ đồng, vài tháng sau, xưởng làm trấu viên của Cỏ May ra đời với năm máy ép viên. Công suất trấu viên hiện giờ là 200 tấn/ngày, có thể lên đến 1.000 tấn. Trấu được xay nhuyễn và đưa đến máy nén áp suất cao, nén thành viên. Do còn khoảng 1% tinh dầu của cám gạo, nên khi nghiền nhuyễn và ép viên que tròn thì vẫn có sắc bóng.
Trấu viên cho nhiệt lượng cao 3.600-4.200 kcal/ký. Tuy giá thành có cao hơn củi trấu (dạng thanh gỗ), nhưng trấu viên nén có thể tích nhỏ nên dễ cháy, dễ thu được nhiệt lượng cao có mùi thơm dễ chịu, lượng tro thải sau khi đốt rất mịn và có giá trị nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Lượng viên nén xuất khẩu của Việt Nam đã tăng vọt hơn ba lần trong thơi gian qua, từ hơn 1 triệu tấn trong năm 2015 lên 3,5 triệu tấn trong năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu viên nén của Việt Nam đạt 413 triệu đô la trong năm 2021. Trong chín tháng đầu năm 2022, xuất khẩu viên nén của Việt Nam vượt quá 3,5 triệu tấn, đạt giá trị hơn 542 triệu đô la, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trấu viên có thể thay thế cho than củi, than đá, dầu DO hay FO dùng để đốt lò hơi công nghiệp, lò sấy, lò nhuộm vải, dệt sợi trong các ngành giấy, may mặc, chế biến thuỷ sản, nông sản, thực phẩm…
Đặc biệt là khi sấy thực phẩm hay nông sản, sản phẩm sẽ có mùi thơm hơn, bởi tỷ lệ lưu huỳnh trong trấu rất thấp. Bên cạnh đó, đổi sang đốt bằng trấu viên cũng rất tiện lợi vì có thể sử dụng ngay loại lò đốt than đá mà không cần thay đổi thiết kế ban đầu. Trấu viên cũng giúp tiết kiệm hơn 60% so với dùng dầu và 40% so với than đá.
Tuy nhiên, đối với nhà sản xuất, cái bất lợi là thiết bị, máy móc hao mòn nhanh hơn bởi trong vỏ trấu có chất silica, rất sắc bén – Thiện giải thích.
Viên nén bật tăng
Viên nén đã xuất hiện trên thị trường gần 10 năm nay. Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), hiện Việt Nam có trên 300 cơ sở sản xuất viên nén.
Nguyên liệu sản xuất cho viên nén từ hai nguồn chủ yếu. Một, từ phụ phẩm của thu hoạch rừng trồng trong nước, bao gồm gỗ nhỏ, chủ yếu là cành, ngọn, đầu mẩu gỗ vụn, bìa bắp. Nguồn này chiếm 90% nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất viên nén. Hai là, 10% nguyên liệu còn lại là từ dăm bào, mùn cưa, gỗ vụn thu mua từ các xưởng, các cơ sở chế biến đồ gỗ.
Hàn Quốc và Nhật Bản tiêu thụ hầu hết lượng viên nén xuất khẩu của Việt Nam. Cả hai nước này đang chuyển đổi từ điện than sang điện sạch, gồm cả điện sinh khối. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang có động thái chuyển một phần nguồn điện và hệ thống sưởi chạy bằng than đá sang viên nén. Như vậy, nhu cầu viên nén tại ba nước này sẽ tiếp tục gia tăng.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến giá nhiên liệu tăng vọt, châu Âu thiếu hụt nhiên liệu. Các nước EU đang gia tăng nhập khẩu viên nén để người dân đốt lò sửa trong mùa động. Ngành xuất khẩu viên nén gỗ sẽ tiếp tục có lợi thế từ cán cân cung cầu bị lệch như vậy.
Giá xuất khẩu viên nén cũng đã tăng rất mạnh trong nửa đầu năm nay, vọt lên bình quân gần 150 đô la/tấn, tức tăng hơn 27% so với mức giá bình quân năm 2021. Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, chuyên gia của tổ chức Forest Trends, cho rằng khối lượng và giá viên nén xuất khẩu tăng mạnh trong thời gian vừa qua chủ yếu là do nhu cầu sử dụng viên nén tại các nước EU tăng đột biến.
“Các nước EU quay lưng lại với nguồn khí đốt từ Nga khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Hệ quả là viên nén nhập khẩu đang được sử dụng để thay thế cho nguồn cung khí đốt bị mất đi. Cầu và giá viên nén tại EU tăng cao, tạo ra sức hút từ các nguồn cung lớn đặc biệt là từ Mỹ – quốc gia xuất khẩu viên nén lớn nhất trên thế giới”, vị tiến sĩ cho biết.
Thị trường mới mênh mông
Theo dữ liệu của tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), sản lượng lúa hàng năm của Việt Nam đạt khoảng 43-44 triệu tấn. Tỷ lệ vỏ trấu thường chiếm 20-25% trọng lượng lúa, tức là có khoảng 10-11 triệu tấn trấu thường bị xem là thứ đổ bỏ. Ngoài ra là lượng rơm rạ hơn 40 triệu tấn. Đây là những nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất viên trấu.
Nông dân ở các vùng nông thôn Việt Nam thi thoảng sử dụng làm trấu làm chất đốt. Nhưng sự thuận lợi của bếp ga đã khiến những chiếc bếp đốt bằng củi, mùn cưa hay vỏ trấu biến mất.
FAO ước đoán rằng tỷ lệ người dân dùng trấu làm chất đốt trong gia đình khoảng 15%, 40-50% được dùng cho các lò nung gạch, chỉ 10% được dùng cho các nhà máy và chế tạo củi trấu thanh dài, và phần còn lại được xem là rác thải!
FAO và các tổ chức từng khuyến cáo Việt Nam chuyển dần sang nguồn năng lượng sạch, trong đó chú trọng nhiên liệu sinh khối (biomass) từ các phụ phẩm nông nghiệp.
Năm 2018, dự án nhà máy nhiệt điện đốt trấu ở Long Mỹ, Hậu Giang bị thu hồi giấy phép do chậm triển khai. Đây là nhà máy đầu tiên trong dự án chuỗi 20 nhà máy điện đốt bằng trấu tại Việt Nam.
Một trong những lý do các nhà đầu tư đưa ra là do nguồn trấu tản mác, không ổn định và giá có lúc cao ngất. Phạm Minh Thiện cho biết có năm giá trấu lên đến 1 triệu đồng, lúc hiếm thì 1,2-1,5 triệu đồng/tấn và phải nhập từ Campuchia. Với giá này, sản xuất điện thì lỗ nặng.
So với viên nén gỗ, viên nén trấu có ưu điểm nổi trội là nguồn nguyên liệu rất dồi dào từ trấu, rơm rạ, bã mía, vỏ đậu phộng… Như vậy, viên trấu là lời giải mới và nguồn nhiên liệu cho các nhà máy điện và các nhà máy công nghiệp tại Việt Nam.
Lò hơi của nhà máy thức ăn thủy sản thuộc Cỏ May Group hàng ngày tiêu thụ đến 50 tấn trấu, “tức đầy ắp cỡ chiếc ghe bầu lớn” – theo lời Phạm Minh Thiện. Trấu viên được Thiện rao là “bán theo đơn 10 tấn đến 1.000 tấn”. Nhưng thị trường trong nước vẫn còn lạ với trấu viên. Giờ thì, Cỏ May đang tìm đường xuất sang châu Âu, bởi giá có thể tăng lên 10-20 lần.
Trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, viên gỗ nén thông dụng hơn và giá tương đối rẻ. Chẳng hạn, trên Lazada 1 ký viên nén chỉ từ 10.000 đồng. Tuy vậy, tro trấu lại có giá đến 18.000 đồng/ký.
Một số doanh nghiệp EU đang tìm kiếm các nhà cung ứng viên trấu từ Việt Nam. Trên một số sàn giao dịch, nhà mua hàng rao tìm mua viên trấu từ 65 đô la/tấn trở lên, giá FOB. Mức giá này khá rẻ, nhưng có người mua đẩy đến giá 200 đô la/tấn, tất nhiên các điều kiện giao hàng và tiêu chuẩn sẽ cao hơn nhiều.
Nguồn https://thesaigontimes.vn/roi-trau-va-rom-ra-se-thanh-hang-hoa/